Lá đơn xin đánh nhau và tấm kính ngăn cách (!)

07:05 | 19/10/2014

1,279 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi các cơ quan truyền thông loan tin về lá đơn xin đánh nhau của anh Hồ Văn Vệ, 31 tuổi, ngụ xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An thì Công an xã Mỹ Quý Tây và Công an huyện Đức Huệ đã chính thức vào cuộc vụ việc mà theo anh Vệ thì “tôi đã bị hành hung, nhưng chính quyền dửng dưng”.

Năng lượng Mới số 366

Theo như trình bày trong “Đơn xin đánh nhau” gửi cho Công an xã Mỹ Quý Tây, “Khoảng 22h ngày 5-3, anh Vệ thấy chiếc ôtô Camry BKS 61L-3376 lưu thông gần khu vực cửa khẩu Mỹ Quý Tây. Thấy trên xe chở đông người, anh Vệ đưa tay vẫy, sau đó dừng xe gắn máy trước đầu xe Camry, hỏi xem có ai qua cửa khẩu chơi hay không. Bất ngờ, chủ xe là ông Trần Văn Hai cùng ông Bùi Văn An lao xuống đánh anh tới tấp. Ông Lê Văn Nguyên, (68 tuổi, cha dượng của ông Hai) trong nhà cũng chạy ra cầm cây sắt đánh anh Vệ. Đến lúc anh Vệ ngã quỵ, 2 anh Phạm Hồng Hà và Nguyễn Minh Tấn chạy tới can ngăn thì anh Tấn còn bị ông An cầm gậy quật vào đầu”.

Do vết thương nặng, nên anh Vệ được gia đình đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) để điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán anh Vệ bị chấn thương đầu, tụ máu vùng chẩm, chảy máu tai trái, tụ dịch xoang hàm trái. Sau khi điều trị, anh Vệ được các bác sĩ chuyển tới Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng tiếp tục điều trị lâu dài. Tổng viện phí mà anh Vệ phải trả cho lần điều trị này là 24 triệu.

Lá đơn xin đánh nhau và tấm kính ngăn cách (!)

Công dân Hồ Văn Vệ đã có lá đơn khiến dư luận rất đồng tình mặc dù trái pháp luật

Về lại quê nhà, anh Vệ đã làm đơn tố cáo ông Trần Văn Hai, ông Bùi Văn An và ông Lê Văn Nguyên hành hung anh. Thêm vào đó, anh Vệ cũng cho biết để có 24 triệu chữa trị vết thương, người thân của anh đã phải chạy vạy khắp nơi, trước đã khó khăn nay lại càng thêm khổ cực.

Điều khiến anh Vệ bức xúc nhất chính là Cơ quan Công an không có động thái gì khi vụ việc xảy ra, mặc cho anh đã làm đơn tố cáo. Còn những người đã hành hung anh thì nhơn nhơn trước mặt anh hằng ngày và tuyên bố: “Ai biểu chặn xe tao, tao đánh ráng chịu”.

Nếu như lá đơn xin đánh lộn của anh Vệ không đến tay giới truyền thông, không được thông tin và nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc thì có lẽ sẽ có thêm một vụ việc bị chìm xuồng. Lần chìm xuồng này mang theo nỗi bức xúc lẫn nghi ngờ của một công dân.

Anh Vệ không phải là công dân đầu tiên nếm trải sự thờ ơ đến mức vô trách nhiệm của cơ quan công quyền tại địa phương. May mắn, là anh còn được truyền thông biết mà lên tiếng. Còn rất nhiều trường hợp khác đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Trước căn nhà tôi ở quê thuộc xã Bàu Hàm II, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai có quán nhậu mang tên “Alô - beer”.

Đêm nào quán này cũng xảy ra đánh nhau. Nhẹ thì một cậu thanh niên bị đấm vài phát, nặng thì bị đâm hay chém vài nhát. Đáng tiếc hơn, tháng trước có một cậu thanh niên bị đâm đến tử vong ngay tại quán này. Theo hồ sơ của Cơ quan Điều tra thì tối 15-9, Lê Quốc Thắng (25 tuổi, ngụ xã Quang Trung) rủ Lê Hữu Minh Quân, Tống Văn Quốc (27 tuổi) và một số người bạn đến quán Alô-Beer để uống bia. Tại đây, nhóm của Nguyễn Tấn Phát (25 tuổi, ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất), Vương, Phước, Trung, Tống Văn Hiển… cũng tổ chức nhậu mừng sinh nhật của Trung. Trong lúc ngồi uống bia tại quán, giữa Thắng và Phát xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cãi cọ lớn tiếng với nhau. Được những người có mặt trong quán can ngăn, nhóm của Phát đã thanh toán tiền rồi ra về. Khuya cùng ngày, do còn bực mình sự việc xảy ra tại quán, Trung đã rủ Vương và Phước vác dao quay trở lại để tìm nhóm của Thắng giải quyết mâu thuẫn. Đến trước quán Alô-Beer, cả 3 mai phục bên ngoài, thấy anh Quân từ trong quán đi ra, Phước đã cầm dao xông đến đâm một nhát vào ngực anh Quân khiến anh gục ngay tại chỗ. Dù được những người có mặt tại hiện trường đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng do vết thương quá nặng nên anh Quân đã tử vong. Riêng nhóm của Phước, sau khi gây án đã nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường. Nhận tin báo về vụ việc xảy ra, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh đã phối hợp với Công an huyện Thống Nhất tiến hành điều tra, truy bắt các đối tượng gây án. Trong lúc Cơ quan Công an đang truy xét thì cả 3 đối tượng: Phước, Vương và Trung đã đến Cơ quan Công an đầu thú và khai báo hành vi phạm tội.

Tất nhiên, người dân bức xúc, ta thán. Tất nhiên, chính quyền sở tại biết hết những hạn chế đang tồn tại xung quanh một tụ điểm tưởng là vui chơi giải trí nhưng lại toàn mang đến các vấn đề tiêu cực. Thế nhưng,
“Alô-Beer” vẫn tồn tại bất chấp sự không hài lòng của các người dân sinh sống xung quanh.

Có một thực tế đang tồn tại trong hệ thống chính quyền của nước ta, dẫu có thừa nhận hay không, đó chính là “Phép vua thua lệ làng”.

Đã là “lệ làng” thì rất khó hy vọng vào một sự minh bạch, ngoại trừ có trọng án hay vụ việc bị truyền thông phanh phui.

Lá đơn của anh Hồ Văn Vệ hay sự mặc nhiên tồn tại của quán “Alô- Beer” chính là minh chứng rõ nhất cho thói lệ làng này.

 Đã từ lâu lắm, những công dân sinh sống tại những địa phương xa những đô thị lớn, xa các trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội, không còn tin vào nền hành chính tại các địa phương. Ít nhiều các công dân đều biết những quyết định của những cá nhân đảm đương trách nhiệm tại các cơ quan công quyền này bị chi phối bởi điều gì. Trên hết, chính là thái độ tùy tiện, cửa quyền… Thậm chí là việc thực hiện các luật định như là một sự ban ơn. Tất nhiên, không phải là tất cả nhưng tôi đang nói đến số nhiều.

Sẽ không có một nền hành chính công thỏa mãn sự hài lòng của công dân nếu không nhìn nhận vào sự thật này.

Lá đơn của anh Hồ Văn Vệ là một lá đơn trái luật. Và cách hành xử của anh Vệ cũng không phải là cách hành xử thích hợp để nhận lấy những tán thưởng hay sự đồng tình. Tuy vậy, những công dân như anh Vệ hoàn toàn không còn sự lựa chọn khác khi mọi thứ được các cơ quan công quyền địa phương đóng kín như bưng. Nhất là khi, vẫn đang tồn tại cái gọi là “Khiếu kiện vượt cấp”.

Muốn không có khiếu kiện vượt cấp, không còn cách nào khác là những cơ quan công quyền thuộc địa phương phải tự hoàn thiện mình, phải nhận thức rõ chức năng, quyền hạn lẫn tinh thần “vì dân phục vụ”. Phải xem đây là trách nhiệm, là tinh thần phụng sự, là thực hiện những điều luật mà vị trí của họ được quy định, chứ đó không phải là sự ban ơn hay “tôi chính là luật”.

Không cần có sự thay đổi ở tầm vĩ mô hay thượng đình nào cả, chỉ cần một sự thay đổi thật sự nghiêm túc từ địa phương, thì mọi thứ sẽ trơn tru như khi một bộ máy đã vào guồng, cứ thế mà chuyển động.

Ai là người tiếp xúc với người dân nhiều nhất(?). Ai là người khiến người dân bị ức chế, mất niềm tin hoặc hài lòng, tin tưởng nhất(?). Ai là người khiến người dân cảm thấy an tâm và được đảm bảo về quyền lợi nhiều nhất(?).

Đó không phải lãnh đạo quận, huyện, tỉnh, thành phố, vụ, cục hay bộ… mà đó chính là những quan chức địa phương. Đây chính là gốc rễ, đây chính là căn nguyên của mọi sự.

Không có sự thay đổi nào quan trọng hơn sự thay đổi về tư duy của những lãnh đạo địa phương này. Và nếu như sự thay đổi này không được thực hiện một cách nghiêm túc và đúng đắn, thì sẽ còn xa vời hơn hy vọng vào niềm tin của nhân dân.

Ở các UBND xã, phường… thường có một tấm kính giữa cán bộ phục vụ và công dân. Công dân đến liên hệ luôn hồi hộp, căng thẳng nhìn vào biểu hiện của cán bộ đằng sau tấm kính.

Đến bao giờ, tấm kính ấy được tháo bỏ. Đến bao giờ, công dân đến một cơ quan hành chính với thái độ tự tin. Đến bao giờ, công dân không phải căng thẳng dõi theo biểu hiện trên khuôn mặt của các cán bộ địa phương… thì lúc ấy, mới có niềm tin về một nền hành chính công vì dân phục vụ.

Và những lá đơn trái pháp luật nhưng lại nhận được sự đồng tình của dư luận như lá đơn xin đánh lộn của anh Hồ Văn Vệ mới không có cơ hội hiện hữu.

Ngô Kinh Luân

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc