Thượng tá Đinh Hữu Tân, trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an Hà Nội:

Hoạt động Internet gần như đang bị thả nổi

10:44 | 20/08/2012

3,105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Là một xã hội ảo nhưng cũng đầy diễn biến phức tạp như một xã hội thật với đủ các thủ đoạn, mánh lới... tuy nhiên công tác quản lý Internet hiện nay đang được cho là bộn bề khó khăn, bất cập... Những khó khăn, bất cập ấy là gì cũng như phương hướng giải quyết và giải pháp đề xuất để công tác quản lý đối với lĩnh vực này được hiệu quả ra sao...

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Đinh Hữu Tân, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), Công an Hà Nội, một trong những đơn vị trực tiếp tham gia công tác quản lý hoạt động Internet trên địa bàn thủ đô về các vấn đề trên.

Thiếu và yếu

Phóng viên (PV): Với tư cách là nhà quản lý, theo đánh giá của ông, so với các tỉnh thành khác, thủ đô Hà Nội có phải là địa bàn phức tạp nhất về hoạt động Internet?

Thượng tá Đinh Hữu Tân: Theo thống kê, toàn thành phố hiện nay có 5 nhà chuyên cung cấp dịch vụ Internet, có 5 doanh nghiệp trong tổng số 18 doanh nghiệp trên toàn quốc chuyên kinh doanh trò chơi trực tuyến (games online) – cung cấp 72 trò chơi trực tuyến đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cho thị trường, có tất cả 4.000 đại lý kinh doanh dịch vụ Internet... Ngoài ra, còn có hàng trăm trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trực tuyến và blog của các cá nhân. Với quy mô như vậy, cùng với TP Hồ Chí Minh, có thể nói Hà Nội là một trong những địa bàn phức tạp nhất về hoạt động Internet.

PV: Thưa ông, sự phức tạp ấy có thể phác thảo như thế nào?

Thượng tá Đinh Hữu Tân: Đối với nhà cung cấp sử dụng dịch vụ Internet thì không thực hiện lưu trữ thông tin đầy đủ, chính xác đối với khách hàng sử dụng dịch vụ Internet theo quy định của pháp luật, gây khó khăn cho công tác xác minh, xử lý sai phạm người sử dụng khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Chưa nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các tên miền có vi phạm pháp luật. Đối với người sử dụng dịch vụ Internet, về mặt hình thức: không khai báo tên miền quốc tế với cơ quan quản lý Nhà nước, khai báo thông tin với nhà cung cấp dịch vụ không đúng với thông tin cá nhân thật của mình, sử dụng website dưới dạng trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội trực tuyến không xin phép cơ quan chức năng, các bloger sử dụng blog dưới các nickname ảo...

Thượng tá Đinh Hữu Tân (ảnh Mạnh Thắng)

PV: ... Về nội dung thì những vi phạm diễn ra ra sao, thưa ông?

Thượng tá Đinh Hữu Tân:... Các trang thông tin điện tử tổng hợp trích dẫn thông tin không tuân thủ các quy định của pháp luật như không ghi rõ nguồn, trích dẫn không đầy đủ, không có thỏa thuận bản quyền với các báo được trích dẫn, trích dẫn thông tin tập trung vào các vấn đề nhạy cảm. Có những website đăng ký hoạt động dưới dạng trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng lại hoạt động dưới hình thức báo điện tử, đăng tải các bài viết có nội dung nhạy cảm chưa được các cơ quan có trách nhiệm biên tập. Mạng xã hội trực tuyến thì không kiểm soát các lời bình của các thành viên, đăng tải cả những lời bình có nội dung xấu, thậm chí xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của của các cá nhân, tổ chức. Mạng này còn tổ chức các dịch vụ chia sẻ âm nhạc, phim, nội dung sách truyện không có bản quyền tác giả, đào tạo cho học sinh, sinh viên cả những chương trình chưa được ngành giáo dục thông qua. Bên cạnh đó, có những trang mạng lợi dụng sự sơ hở của pháp luật, thực hiện kinh doanh sản phẩm ảo để chiếm đoạt tài sản của người tham gia, tiêu biểu như trang Muaban24.com.vn mà Cơ quan Công an vừa phá vỡ vừa qua. Một số đối tượng còn lợi dụng Internet để thực hiện các hoạt động cá cược bóng đá, ăn cắp mã số thẻ tín dụng nhằm chiếm đoạt tiền bất hợp pháp... Nói chung, ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống, nếu ở xã hội thật xảy ra những diễn biến gì thì ở thế giới mạng cũng xảy ra như thế. Tuy nhiên, đối với thế giới “ảo” còn  phức tạp hơn bởi chính đặc thù “ảo” của nó.

PV: Được biết, đối với mỗi địa bàn, hoạt động Internet được quản lý bởi không ít các cơ quan như Sở Thông tin và Tuyền thông, các phòng, ban cũng thuộc lĩnh vực này ở các quận, huyện, rồi cả Cơ quan Công an. Vậy ông có thể cho biết, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan công an trong công tác quản lý này là gì?

Thượng tá Đinh Hữu Tân: Như đúng tên gọi phòng “An ninh chính trị nội bộ”, nhiệm vụ của chúng tôi là quản lý tất cả nội dung được đăng tải trên mạng dù dưới bất cứ hình thức nào như bài báo, blog, comment... Cùng với đó là các hoạt động lợi dụng công nghệ thông tin để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ở tất cả các lĩnh vực nếu phát hiện ra, PA83 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong Công an Hà Nội để giải quyết, xử lý. Một nhiệm vụ cũng không thể không nhắc đến là cùng Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thanh tra, kiểm tra hoạt động Internet trên địa bàn một mặt để phát hiện, xử lý sai phạm. Mặt khác trên cơ sở đó nghiên cứu, phân tích những cái được và chưa được, cái khó khăn, bất cập trong công tác quản lý để đề xuất giải pháp khắc phục hoặc bổ sung để thiết lập trật tự trong hoạt động Internet. Có thể nói ngắn gọn vai trò của chúng tôi là “tham mưu – kiến nghị - đề xuất”.

PV: Mặc dù được quản lý bởi không ít cơ quan chuyên ngành, cơ quan thừa hành pháp luật như vậy, nhưng khi đánh giá về công tác quản lý hoạt động Internet, nhiều người vẫn cho rằng chưa đạt được hiệu quả, cụ thể chính là những phức tạp mà ông đã nêu trên đây. Ông có ý kiến như thế nào trước nhận định này?

Thượng tá Đinh Hữu Tân: Thật ra có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác quản lý hoạt động Internet chưa được như ý và những nguyên nhân đó đều quan trọng tới mức có tính chất quyết định hiệu quả công tác quản lý ấy. Có thể ví dụ ngay như đơn vị của chúng tôi, về yếu tố nhân lực, phải nói thật rằng, chưa có đội ngũ chuyên sâu, trình độ cao, giỏi thực sự về công nghệ thông tin. Mà khi làm công tác quản lý muốn phát hiện hành vi vi phạm của người khác thì mình phải giỏi hơn người ta, “đi trước” người ta nhưng đằng này mỗi lần phát hiện, điều tra về một vụ án nào liên quan đến công nghệ thông tin, chúng tôi đều phải nhờ Cục Nghiệp vụ của Bộ Công an, chuyên gia công nghệ của Trường đại học Bách Khoa Hà Nội giúp đỡ. Chưa kể đến lực lượng trực tiếp quản lý lĩnh vực này mỏng chỉ có khoảng 5 người, trong khi địa bàn quản lý như tôi đã nói rất phức tạp, quy mô lại lớn, thủ đoạn đối phó với cơ quan quản lý lại tinh vi... Về máy móc, trang thiết bị, chúng tôi cũng không có phương tiện kỹ thuật chuyên dụng chứ không nói đến hiện đại hay tối tân. Hiện nay, máy móc chúng tôi đang dùng như của một người sử dụng máy tính bình thường. Còn về các văn bản, nghị định, luật pháp... hỗ trợ nhiệm vụ của chúng tôi thì chưa chặt chẽ, thậm chí còn chưa có để xử lý những vi phạm chẳng hạn như ở “mảng” blog, comment... Chế tài xử phạt thì không đủ sức răn đe nên dẫn đến tình trạng vi phạm có khi tái diễn nhiều lần.

Cần phải giáo dục thật tốt cho HS, SV sử dụng Internet thế nào cho đúng (ảnh Mạnh Thắng)

PV: Nói vậy, nghĩa là về mọi mặt, cơ quan quản lý đều đang thiếu và yếu và vì vậy hoạt động Internet gần như bị thả nổi?

Thượng tá Đinh Hữu Tân: Đúng vậy. Và theo tôi được biết, bên Sở Thông tin và Truyền thông cũng có những khó khăn tương tự như lực lượng chẳng hạn, bộ phận trực tiếp theo dõi, giám sát hoạt động Internet trên địa bàn thành phố cũng chỉ khoảng 4 – 5 người, không thể nào “kham” hết việc. Và khi không kham hết việc hoặc bị thiếu – yếu ở mọi mặt, dễ dẫn đến hệ lụy không lường được. Tôi lấy ví dụ thông tin về gạo giả, được đăng xuất phát từ một mạng lớn có uy tín ở trong nước. Khi họ đưa tin chỉ là nghi ngờ có gạo giả. Nhưng các báo khác lấy và đăng lại thành khẳng định thị trường trong nước có gạo giả. Mà gạo giả này từ nước bạn đưa sang. Hệ lụy của dạng thông tin thất thiệt này không chỉ làm phương hại về an ninh trật tự xã hội mà còn về chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với bạn nên chúng tôi phải đi xác minh, điều tra. Nhưng do thiếu nhân lực, máy móc thiết bị nên có khi điều tra, xác minh xong thì những hệ lụy cũng đã xảy ra rồi. Hay trong kinh doanh dịch vụ games online, theo quy định chỉ được mở cửa đến 24h, nhưng nhiều cửa hàng đến giờ này, về hình thức thì đúng là đóng cửa thật, song phía trong cánh cửa ấy, vẫn hoạt động như bình thường. Thậm chí, có cửa hàng, đường truyền đã bị cắt để buộc họ phải tuân thủ quy định, họ lại kéo đường truyền chỉ dành cho gia đình (vì đường truyền dùng cho dịch vụ games online là đường truyền riêng), nhất là đường truyền đó tốc độ lớn ra “phục vụ” cho dịch vụ games suốt đêm.

Vì với vai trò thừa hành pháp luật, chúng tôi không thể đơn phương hay chính xác hơn là không được phép vào cửa hàng mà nhiều khi chính là nơi ở của chủ cửa hàng để kiểm tra, thanh tra, mặc dù biết rõ mười mươi thủ đoạn của họ như vậy. Chỉ cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Thông tin và Truyền thông của các quận huyện mới có quyền làm việc này. Nếu chúng tôi thông báo và chờ sự phối hợp của họ thì có khi xong xuôi về mặt thủ tục (mà bắt buộc phải có) hoặc là hành vi vi phạm của cửa hàng không được bắt quả tang hoặc là phía trong đó đã xảy ra những vụ việc nghiêm trọng. Hệ lụy “dài hơi” nữa là chơi game thâu đêm suốt sáng, game thủ dễ nảy sinh những hành vi không kiểm soát được gây hậu quả cho chính bản thân và cho xã hội.

PV: Thưa ông, còn trong trường hợp ngành Thông tin và Truyền thông tự đi kiểm tra thì sao?

Thượng tá Đinh Hữu Tân: Trong trường hợp ấy lại nảy sinh vấn đề như thế này: Hầu hết những đối tượng chơi game  online qua đêm là những phần tử “bất hảo” nên khi Sở Thông tin – Truyền thông đi kiểm tra thì rất dễ gặp phải vấn đề bạo lực. Vì là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước nên họ không được trang bị những thiết bị hay vũ khí phòng thân do đó rất nguy hiểm. Họ phải phối hợp với cảnh sát hình sự, hoặc đơn vị chúng tôi để thanh tra, kiểm tra. Mà phối hợp kiểm tra thì như tôi đã nói do hạn chế về thủ tục nên hình thức kiểm tra này tính phát hiện, bắt quả tang không cao...

Bất cập từ cơ quan quản lý

PV: Nhưng ông có nghĩ rằng: không kiểm tra được và chủ động kiểm tra là hai việc khác hẳn nhau?

Thượng tá Đinh Hữu Tân: Chúng tôi mỗi năm bao giờ cũng có kế hoạch chủ động kiểm tra các hoạt động, đối tượng trong lĩnh vực Internet. Bên cạnh đó, nếu phát hiện ra hành vi vi phạm nào, chúng tôi cũng tiếp tục công việc như vậy. Chúng tôi đặt ra mỗi năm ít nhất phải phát hiện, xử lý từ 5 – 7 trường hợp vi phạm nghiêm trọng để rút ra kinh nghiệm cũng như phân tích những gì được và chưa được trong công tác quản lý từ đó kiến nghị về các giải pháp quản lý cho các cơ quan cấp trên. Nhưng như tôi đã nói ở trên, do những hạn chế nhất định mà nhiều khi muốn chủ động kiểm tra thì không kiểm tra được.

PV: Bên cạnh những nguyên nhân được coi là khách quan trên đây, một trong những nguyên nhân chủ quan không thể không nhắc đến ấy là: mặc dù Internet đã ra đời 14 năm, nhưng Nghị định để quản lý vẫn chưa ổn định, cụ thể: đang dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 97 hiện hành, một Nghị định được đánh giá: có nhiều bất cập, lạc hậu...

Thượng tá Đinh Hữu Tân: Thực tế qua công tác quản lý Internet, Nghị định 97 có thể nói là quá lạc hậu so với thực tiễn, thiếu một sự tổng quát, tầm nhìn chiến lược về công tác quản lý nên phải thay đổi bằng Nghị định mới là chính xác. Chưa nói đến Nghị định này còn thiếu nhiều hành lang pháp lý để cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm. Tôi đơn cử như những trường hợp vi phạm về blog bây giờ, chúng ta không có điều luật để xử lý và vì vậy, họ cứ ngang nhiên và tiếp tục sai phạm. Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra liệu Nghị định mới để thay thế Nghị định 97 có đáp ứng được thực tế công tác quản lý không. Hiện nay, Nghị định này đang dự thảo.

PV: Được biết, là đơn vị quản lý của ông đã có kiến nghị, đề xuất với cơ quan quản lý cao nhất của ngành Thông tin và Truyền thông về những cơ sở pháp lý còn thiếu để xử lý hành vi vi phạm. Vậy tại sao đến giờ này vẫn chưa có hoặc bổ sung?

Thượng tá Đinh Hữu Tân: Quả thật, tôi cũng không biết vì sao có sự chậm trễ này...

PV: Trong quy định hiện nay và trong cả dự thảo Nghị định mới có một nội dung  mà người ta cho rằng chính là bất cập của cơ quan quản lý ấy là cửa hàng Internet phải cách trường học 200m. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thượng tá Đinh Hữu Tân: Tôi cho rằng cách bao nhiêu mét không quan trọng mà quan trọng nhất là ý thức của chủ đại lý kinh doanh Internet và người sử dụng dịch vụ Internet. Ý thức sẽ quyết định tất cả. Và để có ý thức như vậy, một trong những giải pháp hiệu quả là các chế tài xử lý phải đủ sức răn đe. Nhưng hiện nay, với những chế tài đã có cũng không đủ yếu tố này. Tôi lấy ví dụ xử lý hành vi vi phạm mà có khi hệ lụy của nó ảnh hưởng đến quốc gia, đến trật tự an ninh xã hội thế mà phạt chỉ vài triệu đồng thì không ăn thua. Trong khi thu nhập của những cửa hàng đại lý ấy rất lớn. Cho nên xử phạt kiểu như vậy không thể đủ sức răn đe được. Tôi biết ở nước ngoài, nếu anh chỉ vi phạm một lần, lập tức cơ quan hữu trách không những tịch thu toàn bộ máy móc, thiết bị... mà còn phạt một khoản tiền có thể làm khuynh gia bại sản. Phạt như vậy mới sợ, mới không dám tái phạm. 

PV: Quy định của cơ quan quản lý: bắt doanh nghiệp cung cấp đường truyền trong nước phải cắt đường truyền vào đúng 24h để không cho các đại lý Internet sử dụng đường truyền. Khi doanh nghiệp trong nước phải cắt đường truyền thì doanh nghiệp cung cấp đường truyền ở nước ngoài cho một số đại lý trong nước vẫn hoạt động bình thường. Ông thấy thế nào về việc này.

Thượng tá Đinh Hữu Tân: Đây đúng là một khó khăn mà các nhà quản lý chưa tháo gỡ được. Cho nên như tôi đã nói ở trên, ý thức quyết định tất cả. Ý thức từ của nhà cung cấp đường truyền, từ người kinh doanh dịch vụ Internet, cả người sử dụng Internet, kết hợp cùng những giải pháp quản lý đồng bộ, phù hợp. Nếu không, với mục tiêu lớn nhất là lợi nhuận, có nghiêm cấm như thế nào, họ vẫn có cách “lách luật” để hoạt động. 

PV: Theo ông, giải pháp đồng bộ cũng như ý thức của tất cả những thành phần tham gia trong thế giới Internet phải như thế nào mới mang lại hiệu quả trong hoạt động Internet?

Thượng tá Đinh Hữu Tân: Giải pháp đồng bộ mà tôi nghĩ đến là sự phối hợp của nhiều bộ, ngành như Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Giáo dục, Công an... Với từng chuyên ngành chỉ cần làm tốt vai trò của mình đối với lĩnh vực Internet thì hoạt động Internet tôi tin sẽ được cải thiện đáng kể. Chẳng hạn đối với ngành giáo dục, giáo dục thật tốt cho học sinh, sinh viên ý thức nên sử dụng Internet như thế nào, đặc biệt là trong việc học tập. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng hành lang pháp lý thật chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn đồng thời tăng cường công tác phối hợp với cơ quan công an  để thanh tra, kiểm tra hoạt động Internet từ đó nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm. Bên cạnh đó tuyên truyền sâu, rộng về lợi ích và tác hại của Internet trong việc sử dụng. Các chế tài phải được xây dựng đủ sức răn đe và cơ quan thừa hành pháp luật thực hiện nghiêm minh...

Tú Anh (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 147, ra thứ Sáu ngày 17/8/2012)