Nên hay không huy động vàng trong dân?
Nguồn lực lớn
Theo ước lượng của nhiều tổ chức kinh tế, số vàng lưu giữ trong dân ở nước ta hiện nay khoảng 300-500 tấn, thậm chí có người còn vống lên rằng, con số này là khoảng 1.000 tấn. Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang cần một nguồn lực lớn cho đầu tư và phát triển thì nhiều chuyên gia đã nghĩ đến việc thu hút nguồn lực vàng trong dân.
TS Nguyễn Thế Hùng - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư & Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, theo thống kê của Ngân hàng Thụy Sĩ, lượng vàng nằm rải rác trong dân ở nước ta khoảng 400 tấn, tương đương 22 tỉ USD tương đương với dự trữ ngoại hối hiện nay của Việt Nam. Do đó, chỉ còn huy động được 1/2 số vàng trong dân thì ít nhất cũng có 10 tỉ USD đưa vào nền kinh tế và chắc chắn nguồn vốn này sẽ làm giảm áp lực vay nợ từ các tổ chức tài chính quốc tế. Đồng thời, việc này cũng sẽ làm tăng tỉ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối, giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nguồn lực để chủ động điều tiết thị trường vàng khi xảy ra “sốt” giá.
Chuyên gia Đặng Đức Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Huy động vàng trong dân là một biện pháp nhằm khai thông nguồn lực trong xã hội và hướng tới quản lý tốt hơn thị trường vàng. Theo đó, các ngân hàng sẽ huy động vàng với lãi suất thấp 1-2%/năm rồi bán ra lấy VNĐ cho vay với lãi suất cao hơn (15%/năm), trong trường hợp vàng không tăng mạnh hoặc giảm giá thì phần chênh lệch này sẽ đem lại một khoản lợi nhuận lớn cho các ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng cũng có được một kênh huy động vốn lâu dài và hiệu quả. Với người dân thì việc này giúp họ có được chỗ gửi vàng chắc chắn, thay vì để ở nhà không an toàn và họ còn được hưởng thêm một ít lãi suất. Bên cạnh đó, đất nước sẽ có một nguồn vốn lớn chi phí thấp, dài hạn phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.
Một số ý kiến cho rằng, nên thực hiện huy động vàng trong dân bằng cách phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng, tức là sẽ phát hành một dạng trái phiếu đặc biệt vẫn có mệnh giá bằng đồng nội tệ nhưng được quy ra giá vàng tại thời điểm phát hành và đáo hạn trái phiếu. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp cho các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.
Như vậy, xét ở mục đích đề ra, việc huy động vàng trong dân mới là ý tưởng. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về tính khả thi, đồng thời cảnh báo những rủi ro xảy ra có thể làm “thâm hụt” số vàng huy động do đầu tư không đúng chỗ.
Rủi ro tiềm ẩn
TS Phạm Đỗ Chí - Chuyên gia Kinh tế và Đầu tư nhận định: “Đề án của NHNN về việc phát hành chứng chỉ vàng nhằm huy động nguồn lực trong dân đã được Chính phủ chấp thuận từ tháng 5/2012, nhưng đề án này chưa được thực hiện bởi sự do dự chính đáng của NHNN. Quả thật, giới quan sát vẫn có sự e ngại về tính khả thi của đề án này. Rõ ràng, nguồn lực vàng trong dân là rất lớn nhưng không phải cứ thấy nguồn lực lớn là tính ngay đến chuyện huy động. Đặc biệt, phải xem xét thận trọng khi tính đến chuyện huy động thông qua hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hỗn loạn và tràn đầy “rủi ro đạo đức” trong hệ thống này”.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhấn mạnh: Không nên huy động vàng qua việc phát hành trái phiếu vì khối lượng vàng trong dân có thể lên khoảng 50-60 tỉ USD, bằng 1/2 GDP nước ta. Do đó, để huy động được lượng vàng này rất tốn kém. Đồng thời, sau khi huy động còn phải tính đến phương án làm thế nào để phát huy được nguồn lực ấy giúp tăng trưởng kinh tế quốc gia. Đây là một việc làm cực kỳ phức tạp, không dễ như trên lý thuyết đưa ra, kinh doanh sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn là giữ vàng. Đặc biệt, khi đầu tư không đúng thì các khoản lỗ do tính chất kinh doanh này sẽ phải do NHNN đài thọ để trả lại vàng cho dân khi đến thời gian đáo hạn trái phiếu và có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn ngân sách.
Xét trên tình hình thực tế, NHNN không nên huy động vàng trong dân vì rủi ro rất lớn. Giá vàng hiện nay tuy đang ở mức rất cao gần 50 triệu đồng một lượng, nhưng có thể còn tăng cao hơn nữa theo các dự đoán quốc tế có uy tín. Sự lao đao của vài cá nhân lãnh đạo ngân hàng thương mại trong việc bán khống một số vàng lớn ở mức 1.550-1.570 USD/ounce cách đây vài tháng đã đem lại món nợ khổng lồ cho họ và các ngân hàng của họ, là một bài học lớn cho hệ thống ngân hàng thương mại nước ta trong việc quản lý thị trường vàng tương lai. Đó cũng là một bài học khi chúng ta tính đến chuyện huy động vàng.
Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là, một khi NHNN áp dụng đề án đã được Chính phủ cho phép, liệu rằng NHNN có đưa ra các dự báo để bảo hiểm rủi ro do biến động giá vàng chưa? Đồng thời, NHNN có tin rằng mình có dự báo chính xác về giá vàng tương lai, có thể giá vàng sẽ rất ổn định trong một thời gian dài hoặc tăng, giảm theo đúng xu thế, nhưng cũng không loại trừ khả năng nó sẽ biến động chỉ sau một đêm với bất kỳ sự thay đổi nào ở các khu vực kinh tế, chính trị đang rất nhạy cảm như: Trung Đông, châu Âu, hay Trung Quốc, Triều Tiên… Ngoài ra, chúng ta cũng không thể kiểm soát và không thể trả giá nổi cho sai lầm trong tính toán của một cá nhân! Vì phải xét rằng, dự trữ ngoại hối của nước ta hiện nay chỉ mới đạt khoảng 23 tỉ USD chưa bằng một nửa giá trị vàng trong dân.
Vì vậy, theo các chuyên gia, việc vay mượn, huy động vàng trong dân trên cơ sở thỏa thuận và tự nguyện của các bên là việc bình thường nhưng không nên “đụng” vào vàng của dân chúng qua luật lệ, qua chuyện NHNN và các ngân hàng thương mại trực tiếp sở hữu vàng của dân. Từ ngàn xưa, người dân đã chứng tỏ họ đủ khôn ngoan để giữ vàng. Và kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy, trên thế giới hầu như rất ít chính phủ hay ngân hàng trung ương nào đứng ra huy động vàng trong dân. Đây là một việc làm đầy rủi ro mà không một chính phủ thận trọng nào sẵn sàng đùa với nó!
Mai Phương
-
Tin tức kinh tế ngày 26/4: Giảm 30% tiền thuê đất trong năm 2025
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 21/4 - 26/4
-
Thời điểm xác định giá đất đối với quỹ đất thanh toán hợp đồng BT tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm
-
Tin tức kinh tế ngày 25/4: Quy mô thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng hơn 25%
-
Giá dầu hôm nay (25/4): Dầu thô tăng trong phiên