Bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể.
Theo đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng: Trong 6 tháng đầu năm 2013, môi trường kinh tế vĩ mô đã được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 2,4%, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao, đạt mức kỷ lục, giá trị VND được cải thiện, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định.
Cụ thể, cơ quan này cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm (theo đơn giá và so cùng kỳ năm trước) đạt 4,9% (tương đương mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước). Kết quả tăng trưởng này có được chủ yếu là do sự phục hồi của khu vực xây dựng và dịch vụ, trong khi nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp suy giảm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tuy thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2011 nhưng lại tăng dần từ tháng 3/2013 và nếu chỉ tính chung các tháng 3, 4, 5 và 6 thì chỉ số sản xuất công nghiệp lại tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Vấn đề hàng tồn kho cũng được cải thiện đáng kể, giảm từ 21,5% tại thời điểm 1/1/2013 xuống còn 9,7% tại thời điểm 1/6/2013.
Theo con số trên có thể thấy, một trong những nút thắt lớn nhất của nền kinh tế bên cạnh vấn đề nợ xấu là hàng tồn kho đang được tháo nút và chắc chắn trong thời gian tới, kết quả tích cực này sẽ tiếp tục phát huy, tạo động lực cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, những con số thống kê xuất nhập khẩu của nền kinh tế cũng cho thấy rõ sự chuyển biến tích cực của hoạt động sản xuất. Mức tăng 17,8% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tư liệu sản xuất, kim ngạch nhập khẩu của khu vực trong nước tăng 6,3% so với mức giảm 8,2% của cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước đã cho thấy rõ điều đó.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đưa ra khuyến cáo, sự phục hồi tăng trưởng 6 tháng đầu năm vẫn chưa thực sự chắc chắn do cầu nội địa còn yếu và chi phí sản xuất cao. Và để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô đã đề ra, cơ quan này đưa khuyến nghị:
Trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt và nhiều khả năng sẽ thấp hơn mục tiêu 6,5% của năm 2013, trong 6 tháng cuối năm, chính sách điều hành cần ưu tiên hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2013. Đồng thời, việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cũng cần được xem xét khi trong điều kiện lạm phát còn dư địa.
Đã có nhiều nhận định lạc quan về bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm
Cơ quan này cũng đưa đề xuất, nếu thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản thì có thể chia thành 2 lần vào tháng 9 và tháng 11 vì theo dự báo thì lạm phát (so với cùng kỳ) sẽ ở mức thấp nhất trong quãng thời gian này.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu đầu tư công, thông qua việc phát hành Trái phiếu Chính phủ cho các dự án lớn đang thiếu vốn nhằm khơi thông dòng vốn trong xây dựng cơ bản; sớm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản 94 nghìn tỉ đồng cho các doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và nợ đọng thuế,tăng tiết kiệm chi thường xuyên trong những tháng cuối năm để đảm bảo cân đối NSNN trong năm 2013...
Ngoài ra, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhấn mạnh cần phải nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm 2013 nhằm đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế; Chính phủ nên cho tạm ứng hạn mức Trái phiếu Chính phủ 2014 để kịp đáp ứng nhu cầu giải ngân vốn đầu tư ngay trong năm 2013; Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến dòng vốn đầu tư trái phiếu và có phương án chủ động ứng phó, đảm bảo ổn định tỉ giá và thị trường tài chính...
Thanh Ngọc
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin tức kinh tế ngày 17/4: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1
-
P4G 2025: Việt Nam khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi tài chính xanh
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ