Giá gas biến động: Doanh nghiệp thừa cơ kiếm đậm

13:51 | 05/03/2012

617 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dựa vào lý do giá gas thế giới tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp, đại lý kinh doanh gas trên địa bàn Hà Nội cũng nhân tiện tăng lợi nhuận, tăng chi phí bán hàng cũng như tăng thù lao cho đại lý.

Doanh nghiệp đầu mối cung cấp gas lớn đã đăng ký giá một đằng, thực hiện lại một nẻo, chưa cho tăng đã bán tăng

Báo cáo tình hình kiểm soát việc đăng ký, điều chỉnh giá gas được thực hiện trong 2 tháng đầu năm của Sở Tài chính Hà Nội gửi Bộ Tài chính vừa cho thấy, trong tháng 1/2012, Sở đã tiếp nhận 13 hồ sơ đăng ký điều chỉnh giá gas; trong tháng 2/2012, con số này là 17 hồ sơ.

Qua kiểm tra hồ sơ đăng ký lại giá, Sở đã phát hiện và không chấp nhận việc nhiều doanh nghiệp đăng ký giá điều chỉnh tăng do tác động của yếu tố đầu vào phi lý như: tăng lợi nhuận, tăng chi phí bán hàng, tăng thù lao cho đại lý, tăng chi phí vận chuyển (thời điểm giá xăng dầu, vận chuyển chưa tăng)…

Sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp này điều chỉnh giảm tương ứng và chỉ chấp nhận tăng phí mua nguyên liệu; yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình hóa đơn để chứng minh giá mua tăng đề nghị điều chỉnh.

Đặc biệt, kết quả kiểm tra 5 doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn thành phố, chiếm thị phần lớn gồm Công ty CP gas Petrolimex chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH MTV kinh doanh khí hóa lỏng Hà Nội, Công ty Ngọn lửa thần, Công ty CP Kinh doanh xuất nhập khẩu khí gas hóa lỏng Vạn Lộc, Công ty TNHH Dầu khí Gia định đã phát hiện một số doanh nghiệp sai phạm.

Cụ thể, Công ty Vạn Lộc vi phạm bán không đúng giá đã đăng ký; Công ty Gia Định từ ngày 26 – 31/1/2012 đã điều chỉnh tăng giá bán cho các đại lý nhưng chưa thực hiện đăng ký giá. Sở đã ban hành quyết định xử phạt hành chính hai doanh nghiệp nói trên lần lượt là 17,5 và 30 triệu đồng.

Doanh nghiệp đầu mối cung cấp gas lớn đã đăng ký giá một đằng, thực hiện lại một nẻo, chưa cho tăng đã bán tăng, đáng quan ngại hơn là hệ thống mạng lưới rộng khắp và rất khó quản lý là các đại lý, cửa hàng kinh doanh gas.

Trao đổi với phóng viên chiều ngày 2/3, bà Vương Thu Hằng – Trưởng ban Giá (Sở Tài chính Hà Nội) thừa nhận, việc các cửa hàng, đại lý bán giá cao hơn giá đăng ký đúng là rất khó kiểm soát. Ngay cả các doanh nghiệp thường rất hay thay đổi vị trí, huống chi mạng lưới bán gas.

Theo bà Hằng, để xử lý vấn đề này, Sở Tài Chính yêu cầu Sở Công Thương phối kết hợp, chỉ đạo các đội Quản lý thị trường quận huyện tăng cường kiểm tra rà soát giá bán. Khi phát hiện các trường hợp cửa hàng, đại lý vi phạm giá bán so với giá đăng ký, lực lượng chức năng sẽ phạt ngay doanh nghiệp/hãng gas, bởi lẽ, doanh nghiệp phải quản lý và chịu trách nhiệm trong toàn bộ mạng lưới của mình”.

Điểm lại tình hình tăng giá gas thời gian qua, bàn Hằng cho biết, gas là mặt hàng thiết yếu ảnh hương rất lớn đến đời sống. Từ đầu năm đến nay, giá gas thế giới đã tăng mấy lần và mức tăng tương đối cao. Ngày 1/2/2012 giá thế giới tăng 145 đôla/tấn, ngày 1/3 giá thế giới lại tăng thêm 180 đô/tấn. Trong nước ảnh hưởng rất lớn bởi giá thế giới.

Trong tháng 2, một số doanh nghiệp kết hợp đăng ký giá tăng bất hợp lý, chúng tôi đã trả lại hồ sơ, yêu cầu thực hiện bình ổn giá cùng thành phố. Vì thế các doanh nghiệp đã đăng ký lại giá và tăng theo yếu tố đầu vào. Tính ra giá gas thế giới tăng 16,8% trong tháng 2 thì doanh nghiệp trên địa bàn tăng trên 10%. Sang tháng 3, giá thế giới tiếp tục tăng, cộng với tỉ giá và thuế suất thì tính bình quân, 1kg gas tăng trên 0,2 đôla. Như vậy, một bình gas 12kg tăng trên 50.000 đồng thì phù hợp với giá nhập khẩu hiện nay.

Tuy nhiên, để ngăn chặn các sai phạm, Sở đã kiến nghị Bộ Tài chính căn cứ tình hình biến động giá gas trên thị trường thế giới, tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh thuế nhập khẩu khí gas tăng giảm cho phù hợp với từng thời kỳ. Kiểm tra chi phí hình thành giá gas của đơn vị sản xuất trong nước phù hợp với chi phí sản xuất. Không điều chỉnh tăng giá theo giá thế giới. Công khai giá bán buôn, giá bán đến đại lý, giá bán lẻ đến người tiêu dùng của các doanh nghiệp kinh doanh gas đã đăng ký giá với cơ quan có thẩm quyền để người tiêu dùng biết và lựa chọn.

Theo VEF