Tăng lương, mong đừng tăng giá!

06:42 | 27/06/2023

2,524 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lương tăng ai chả vui. Từ người đang đi làm tới người về hưu, nhất là những người chỉ có nguồn thu nhập chính từ lương, không có nghề phụ, không có khoản “lậu” nào khác. Nhưng, cũng như mọi lần tăng lương trước đây, sau nụ cười là tiếng thở dài...

Sau bao lần rục rịch, trì hoãn, cuối cùng thì lương cũng tăng. Cụ thể là, theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7 này, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng đối với 9 nhóm đối tượng.

Tăng lương, mong đừng tăng giá!
Ảnh minh họa

Lương tăng ai chả vui. Từ người đang đi làm tới người về hưu, nhất là những người chỉ có nguồn thu nhập chính từ lương, không có nghề phụ, không có khoản “lậu” nào khác. Nhưng cũng như mọi lần tăng lương trước đây, sau nụ cười là tiếng thở dài, lương tăng liệu có tăng “lo”, ý muốn nói, liệu giá cả thị trường có nhảy múa, chạy trước lương cả ki-lô- mét? Các bà đi chợ ở Hà Nội kháo nhau rằng, may là chưa thấy giá vàng tăng, chắc là do ông Nhà nước nắm đằng chuôi, còn thì giá thực phẩm, rau quả, từ mớ rau muống đến bìa đậu phụ đã leo thang từng ngày. Hàng phở ở phố Gầm Cầu hôm trước 40 nghìn đồng/bát, nay đã lên 45.

Bây giờ chúng ta nói chuyện “bài bản” một tý. Hãy cùng nhìn lại thu nhập của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước qua 16 lần tăng lương cơ sở từ năm 2000 đến 2019. Sau 19 năm, mức lương cơ sở năm 2000 là 180.000 đồng, đến năm 2019 là 1.490.000 đồng. Lương cơ sở tăng mỗi lần chỉ ở mức từ vài chục nghìn đến một trăm nghìn đồng. Thế nhưng giá cả thị trường thì như lên cơn sốt, theo một đồ thị cao và nhanh hơn mức độ tăng lương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức lương trung bình của người trẻ hiện nay rất thấp (hiện nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động). Mức lương ấy phổ biến ở mức 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Người có mức lương cao hơn thì được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Mức lương ấy chỉ vừa đủ sống, không thể có tích lũy. Nếu mức lương của hai vợ chồng công chức cộng lại khoảng 20 triệu đồng thì chỉ vừa đủ chi tiêu cho vợ chồng cùng một đứa con nhỏ đi học. Nếu xảy ra ốm đau hoặc các sự việc đột xuất thì sẽ rất gay go. Nhìn xa hơn, với mức lương hiện tại thì tới lúc về hưu (sau 40 năm làm việc), nếu tính lương bình quân của công chức là 7 triệu đồng/tháng, mỗi năm được hơn 80 triệu đồng thì sẽ cho một con số “khiêm tốn”. Tiền đâu để tích lũy, “làm ngày nắng, ăn ngày mưa, làm ngày xưa ăn bây giờ”? Tiền đâu để tậu xe, mua nhà?

Lương không đủ sống cho nên nảy sinh muôn cách làm thêm để có thêm thu nhập. Có những việc làm, cán bộ, công chức buộc phải dùng đến danh tiếng của cơ quan mình, dùng thời gian làm việc ở công sở để ... làm thêm. Nâng quan điểm một chút là cán bộ, công chức nọ đã vi phạm đạo đức công vụ.

Đợt tăng lương năm 2023 là lần tăng cao nhất, cao hơn mức cũ 310.000 đồng. Cao nhất, nhưng cũng chỉ là liều thuốc tinh thần. Muốn giải quyết khó khăn cho cán bộ, công chức và người lao động còn phải có những bước đi dài hơi, những tính toán căn cơ trong tổng thể các giải pháp phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, như người xưa thương nói “mưa lúc nào, mát mặt lúc ấy”. Trong khi giá cả trên thị trường tăng vọt thì việc tăng lương bắt đầu từ quý III năm nay là hết sức cần thiết, phù hợp với lòng dân với tình hình thực tế.

Vẫn biết ngân sách Nhà nước còn mỏng, song theo tính toán của Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan ,việc tăng lương không ảnh hưởng nhiều tới ngân sách. Nói như các nhà kinh tế là cái được sẽ nhiều hơn, được tinh thần lao động, được hiệu quả lao động, được niềm tin vào chế độ. Tăng lương, hãy xem là “món quà tinh thần” kích thích người lao động yên tâm làm việc.

Bên cạnh niềm vui là nỗi lo - lo tăng giá. Mấy bà đi chợ bảo nhau: đồng tiền tiêu cứ như miếng chín, triệu bạc trong tay tiêu vèo trong một hai buổi chợ. Vấn đề đặt ra là kiểm soát giá cả thị trường như thế nào? Theo vị đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm, giải pháp điều hành, quản lý để bình ổn giá cả thị trường. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá cả đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tăng giá, ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Nghị quyết của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tuy không nêu cụ thể, nhưng Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tiếp tục có những giải pháp thiết thực bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Với sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của Chính phủ và các bộ, ngành, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, áp lực tăng giá khi tăng lương chắc chắn sẽ giảm nhiều.

Hải Đường