Không phải Nga, Trung Quốc chọn nước nào để thay thế nguồn cung dầu đắt đỏ của Ả Rập Xê-út?

16:01 | 18/07/2023

185 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, dẫn đầu là công ty Sinopec, dự kiến ​​sẽ tăng nhập khẩu dầu thô của Brazil trong quý thứ ba để thay thế một phần nguồn cung của Ả Rập Xê-út sau khi vương quốc này tăng giá, nguồn tin trong ngành cho biết.
Công ty dịch vụ dầu mỏ lớn nhất thế giới tạm ngừng giao dịch với NgaCông ty dịch vụ dầu mỏ lớn nhất thế giới tạm ngừng giao dịch với Nga
Kuwait và tham vọng trở thành nhà khai thác dầu thô hàng đầu của OPECKuwait và tham vọng trở thành nhà khai thác dầu thô hàng đầu của OPEC
Không phải Nga, Trung Quốc chọn nước nào để thay thế nguồn cung dầu đắt đỏ của Ả Rập Xê-út?
Logo của Sinopec được trưng bày trong triển lãm thương mại năng lượng LNG 2023 ở Vancouver, Canada, ngày 12/7/2023.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã đặt gần 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày của Brazil giao hàng trong tháng 8 và tháng 9. Con số 1 triệu thùng này nằm trong số 20 triệu thùng đã được mua bởi Unipec, một chi nhánh của Sinopec, nhà máy lọc dầu hàng đầu châu Á, một số thương nhân cho biết.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, khối lượng nhập khẩu trên cao hơn đáng kể so với mức trung bình trong 5 tháng đầu năm nay, khi Trung Quốc nhập khẩu 3,02 triệu tấn dầu thô của Brazil, tương đương 729.125 thùng/ngày.

Sinopec đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Việc tăng mua dầu thô của Brazil diễn ra khi các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc cắt giảm khối lượng từ Ả Rập Xê-út, nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của họ. Vương quốc này đã tăng hầu hết giá dầu thô trong tháng 7 và tháng 8 tại thị trường châu Á sau khi “ông trùm OPEC” tình nguyện cắt giảm thêm sản lượng.

Động thái của Ả Rập Xê-út đã thắt chặt nguồn cung dầu thô chua trên toàn cầu và làm tăng giá dầu chuẩn Dubai ở Trung Đông so với dầu Brent - loại dầu ngọt nhẹ được khai thác ở bể dầu Đại Tây Dương.

Khoảng cách giá dầu Brent - Dubai thu hẹp, cùng với giá cước vận chuyển thấp hơn và sản lượng tăng ở Brazil, đã tạo điều kiện cho nhiều dầu hơn từ nước này được vận chuyển đến Trung Quốc, các thương nhân cho biết.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý: “Gần đây, dầu thô Dubai chua đã được định giá cao chưa từng thấy so với dầu Brent chuẩn ngọt nhẹ”.

"Tuy nhiên, hiện nay giá loại dầu chua này đã trở nên chênh lệch đến mức tình trạng khan hàng đã xuất hiện trở lại đối với loại dầu Brent ngọt nhẹ. Tất cả là do OSP (giá bán chính thức) đắt đỏ của Ả Rập Xê-út và sự giảm dòng chảy của Nga".

Giá giao ngay đối với các loại dầu của Brazil như Tupi đã tăng do nhu cầu mạnh của Trung Quốc.

Tupi, loại dầu thô ngọt trung bình, được giao dịch cao hơn khoảng 3,50 USD/thùng so với dầu Brent với các lô hàng đến Trung Quốc trong tháng 9, cao hơn khoảng 50-70 cent so với dầu Brent cho các lô hàng trong tháng 8, các nguồn tin giao dịch cho biết.

Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu thô từ Brazil vào năm 2022 khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra. Ngược lại, nước này lại “ngấu nghiến” dầu giá rẻ của Nga. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Brazil giảm 17,7% xuống 498.571 thùng/ngày vào năm 2022 so với năm 2021, dữ liệu hải quan cho thấy.

Yến Anh

Reuters