Vì sao chưa hợp pháp hóa mại dâm?

14:15 | 29/01/2015

15,495 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi có nhiều ý kiến trái chiều, cuối cùng mại dâm đã được quyết định không được coi là một nghề. Vì sao lại có quyết định như vậy và khi không công nhận như vậy, chúng ta làm thế nào để phòng chống mại dâm, một tệ nạn được coi là rất khó “dẹp” từ trước tới nay cũng như những hệ lụy do nó gây ra. PV Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hà, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, một chuyên gia đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về vấn đề này.

Năng lượng Mới số 394

Có mua, có bán

PV: Thưa bà, từ trước tới nay người ta nói nhiều đến mại dâm, nhưng theo đúng quy định của pháp luật, hành vi này được hiểu như thế nào?

Bà Lê Thị Hà: Theo Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, mại dâm là hành vi mua - bán dâm. Trong đó, bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. Đây là định nghĩa đầy đủ nhất về mại dâm chứ không phải như nhiều người quan niệm, mại dâm chỉ là ở phía người bán dâm.

Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn Lê Thị Hà

PV: Hiện nay có bao nhiêu người bán dâm và tổng thể hoạt động của họ cũng như mại dâm nói chung diễn ra như thế nào ở nước ta, thưa bà?

Bà Lê Thị Hà: Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành, hiện nay số người bán dâm mà các cơ quan chức năng thống kê được khoảng hơn 11.200 người, trong đó tập trung nhiều nhất ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng gồm: 3.700 người; vùng Đông Nam Bộ: 3.200 người; Đồng bằng sông Cửu Long: gần 1.200 người… Còn lại các khu vực khác khoảng 1.000 người…

Tuy nhiên, trên thực tế, số người bán dâm có thể nhiều hơn thế do tính chất trá hình của hoạt động mại dâm nên các cơ quan chức năng khó kiểm soát được các đối tượng tham gia tệ nạn này. Tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay diễn biến rất phức tạp. Xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng Internet, facebook…

Tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng; đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau; Đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18 đến 25; Trên 40% chủ chứa là phụ nữ. Tại các thành phố, xuất hiện trở lại các tụ điểm mại dâm ở khu vực công cộng tác động xấu đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội gây bức xúc trong dư luận.

Hoạt động mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội và bản thân người bán dâm: Nguy cơ lây lan các bệnh xã hội, HIV/AIDS qua đường tình dục do quan hệ tình dục không an toàn cao (tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng gia tăng (45,3%, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các đường lây truyền khác); tỷ lệ hiện nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 3,9% (tăng gần 2 lần so với 2012); người hoạt động mại dâm thường bị bạo lực, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, bóc lột tình dục; bị kỳ thị, xa lánh, khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội…

Hoạt động mại dâm cũng liên quan với tội phạm mua bán người, bóc lột tình dục ở một số địa phương. Hình thành những đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm...; tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm có chiều hướng gia tăng.

PV: Là một nhà quản lý, đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu sâu về vấn đề này, theo bà mại dâm vì sao lại coi là vi phạm pháp luật?

Bà Lê Thị Hà: Như đã đề cập ở trên, tệ nạn mại dâm hiện nay đang gây nhiều hệ lụy xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền con người, chà đạp lên phẩm giá và giá trị của con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể các hành vi liên quan đến mại dâm bị nghiêm cấm (Điều 4 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003).

Nguyễn Văn Hoàng (tức Hoàng “mẫu”), cầm đầu đường dây mại dâm bị bắt tại Cơ quan Công an

PV: Thưa bà, có phải đó cũng là những lý do dẫn đến quyết định chúng ta không công nhận bán dâm là một nghề?

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: “Việt Nam kiên định quan điểm không công nhận mại dâm là hợp pháp. Tuy nhiên, việc phòng chống mại dâm phải có tính xã hội trên tinh thần bảo vệ quyền con người, tôn trọng tối đa nhân phẩm”.

Bà Lê Thị Hà: Đúng là như vậy. Bởi tham khảo ở một số quốc gia công nhận hoạt động mại dâm là hợp pháp, sau một thời gian thực hiện, họ đánh giá hậu quả của việc công nhận đây là “nghề” còn lớn hơn cả những cái được coi là “thành tựu” về kinh tế và xã hội khi cho phép như vậy. Nghĩa là mất nhiều hơn được.

Trên cơ sở đó, cùng nhiều nguyên nhân như đã nói mà trong đó quan trọng nhất là thuần phong mỹ tục, văn hóa với bề dày lịch sử của chúng ta không thể cho phép hợp pháp hóa mại dâm. Có thể ví dụ một cách cụ thể như này, nếu chúng ta cho phép mại dâm là một nghề đồng nghĩa với việc cho phép các cơ sở kinh doanh mại dâm công khai hoạt động, cho phép “người ra kẻ vào” mà không có bất cứ định kiến gì dù họ bất kể là ai…

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu người vợ chứng kiến cảnh chồng, thậm chí con mình vào nơi bán dâm? Chắc chắn sẽ thấy bị tổn thương, bị xúc phạm ghê gớm bởi sự thủy chung, tình nghĩa đã bị xem thường ngay cả khi hành vi ấy chỉ là mua và bán. Vì nếp nghĩ, văn hóa truyền thống đã ăn sâu máu thịt làm cho người ta không thể nghĩ khác được. Hoặc giả là con cái nhìn thấy mẹ hoặc cha vào nơi kinh doanh tình dục ấy thì khi về nhà cha mẹ đó liệu có giáo dục được con cái không?

Như vậy là “tế bào” của xã hội có nguy cơ lung lay, tan vỡ dẫn đến nền tảng phát triển xã hội không vững chắc cả về văn hóa lẫn kinh tế - làm khủng hoảng các giá trị sống của con người. Cho nên nói tóm lại, không thể công nhận mại dâm là một nghề vì nó sẽ đạp đổ các giá trị tốt đẹp, đạo lý gia đình, văn hóa truyền thống dân tộc đã có hàng nghìn năm từ đó làm mất phương hướng trong việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Về lâu dài sẽ dẫn tới sự băng hoại đạo đức, nền tảng phát triển của xã hội…

Xử phạt người mua dâm

PV: Tuy nhiên, quan điểm nào cũng có mặt trái của nó. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Bà Lê Thị Hà: Nếu chúng ta không công nhận mại dâm là một nghề thì thực sự những người sống độc thân, những người vì một lý do nào đó mà không được đáp ứng về nhu cầu tình dục… chưa được quan tâm đến, an toàn lao động của những người hành nghề mại dâm cũng không được bảo đảm. Nhưng chúng ta phải nghĩ thế này: Giữa cái được và mất của cho phép và không cho phép mại dâm hoạt động công khai thì phải lựa chọn cái mang lợi ích chung, lớn hơn và ít xấu cho xã hội, đất nước hơn.

Còn để thấu đáo tất cả những đối tượng trong xã hội thì đổi lại, chúng ta phải đánh đổi “đắt” quá với những hệ lụy mang tính nền tảng, hệ thống… của cả xã hội như đã nói. Hơn nữa, dưới góc độ chuyên môn và quản lý của chúng tôi, mại dâm hợp pháp và vấn đề đáp ứng về nhu cầu tình dục của một số cá nhân trong xã hội là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhu cầu tình dục hay bất cứ một nhu cầu nào của cá nhân trong xã hội chỉ có thể được công nhận khi nó không xâm phạm đến quyền, lợi ích của người khác và của toàn xã hội.

 

PV: Nếu vậy, chúng ta sẽ phòng chống mại dâm thế nào khi mà hoạt động này vẫn được coi là khó “dẹp” do mối quan hệ “cung - cầu” và cùng với đó là những thủ đoạn tinh vi diễn ra trong “chốn lầu xanh”?

Bà Lê Thị Hà: Đây là câu hỏi mà chúng tôi, những nhà quản lý cũng rất trăn trở, đặc biệt là trong hoàn cảnh nhiều bất cập, khó khăn còn tồn tại trong công tác quản lý hiện nay. Chúng tôi đã thống kê 4 vấn đề về bất cập, khó khăn này: Thứ nhất, quan điểm nhận thức về thực trạng tệ nạn mại dâm và công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm của một bộ phận cán bộ, đảng viên các cấp chưa thống nhất.

Thứ hai, nguồn lực dành cho công tác phòng, chống mại dâm còn hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này ở các cấp cơ sở còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm. Ngân sách đầu tư cho công tác phòng chống mại dâm chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, chưa đáp ứng điều kiện tối thiểu để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống mại dâm trong tình hình mới.

Thứ ba, các hoạt động phòng ngừa còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc giải quyết tận gốc nguyên nhân của tình trạng mại dâm là công ăn việc làm, thu nhập cho lực lượng lao động trẻ và công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, có nguy cơ hoạt động mại dâm còn có hạn chế… Thứ tư và là điều quan trọng nhất là hành lang pháp lý gồm các quy định, điều luật không còn phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể luật quy định phải bắt quả tang được “trai trên gái dưới” thì mới coi là hành vi  mại dâm trong khi công tác này quả thực là rất khó đối với người làm quản lý. Hay ngay khái niệm về mại dâm cũng không còn bao quát được hành vi này vì nó đã thêm đối tượng mới như bán dâm giữa người đồng giới, chuyển giới, hành vi kích dục rồi bán dâm theo hình thức du lịch tình dục... Đồng thời, thiếu các chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi bảo kê, khiêu dâm, kích dục v.v… Tất cả những điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa, chống nạn mại dâm trong các cơ sở dịch vụ.

PV: Cùng với đó, thủ đoạn tinh vi trong hoạt động mại dâm có là khó khăn cho công tác quản lý không, thưa bà?

Bà Lê Thị Hà: Như tôi đã nói trên, hoạt động mại dâm hiện giờ rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trá hình rất khó phát hiện. Nhiều quán karaoke, gội đầu, massage, nhất là ở các thành phố lớn hay khu du lịch thực ra chỉ là vỏ bọc còn bản chất lại là một “điểm” mại dâm chuyên nghiệp. Tuy nhiên, người đứng đầu ổ mại dâm này giờ không dại gì mà “treo đèn đỏ” trước cửa để ai cũng biết anh ta kinh doanh mại dâm mà hoạt động một cách thủ đoạn hơn để không lọt vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng. Anh ta “điều” người bán dâm một cách di động, nghĩa là nơi nào có nhu cầu, anh ta sẽ cắt cử người bán dâm đến đó. Và hạn chế tối đa cho thực hiện hành vi mua bán dâm ngay tại quán. Trừ khi ở đó có hệ thống báo động, “lối thoát hiểm” chuyên nghiệp.

Hay du lịch tình dục cũng vậy, hoạt động bí mật nghĩa là chỉ khi nào đi du lịch, công tác xa nhà… mới thực hiện hành vi này. Mà đối với những đôi mua - bán dâm theo hình thức du lịch thì cơ quan quản lý rất khó phát hiện ra do nhìn từ bên ngoài, họ giống cặp tình nhân hơn là mua - bán dâm, đặc biệt là trong hoàn cảnh, người bán dâm và người mua dâm cùng giới. 

PV: Nói vậy nghĩa là công tác phòng chống mại dâm của chúng ta chưa hiệu quả trong suốt thời gian qua do những khó khăn trên?

Bà Lê Thị Hà: Chúng ta cũng đạt được những kết quả khả quan nhưng từ thực tế diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các quốc gia khác, loại trừ mại dâm một cách tuyệt đối thực sự là điều không thể, ngay cả ở các quốc gia có điều kiện thuận lợi về mọi mặt.

Bởi vậy, chúng tôi xác định rõ công tác này phải dựa trên quan điểm dù không coi là một nghề nhưng phải thừa nhận đây là một tồn tại của xã hội để áp dụng đa dạng các phương thức, hình thức, biện pháp quản lý hiệu quả đối tượng mại dâm, tôn trọng quyền con người, đối xử nhân đạo, công bằng với họ thông qua tăng cường các biện pháp giảm hại đối với cộng đồng, xã hội từ tệ nạn này. Ngoài ra, giúp đỡ đối tượng mại dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội và tái hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất.

PV: Nghiêm khắc những người bán dâm mà bỏ qua những người mua dâm cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng chống mại dâm chưa được như mong muốn?

Bà Lê Thị Hà: Theo quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm hiện hành, hành vi mua dâm và bán dâm đều bị xử lý tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Không có việc “bỏ qua” không xử lý hành vi này. Tuy nhiên, hình ảnh của những người bán dâm thường được công khai nhiều hơn so với người mua dâm nên việc này cũng dẫn đến tính răn đe đối với người mua dâm không đủ mạnh. Vì vậy, theo tôi cần điều chỉnh động thái nói trên để công tác phòng, chống mại dâm hiệu quả hơn.

PV: Với những khó khăn còn tồn tại trong phòng, chống mại dâm, lại thêm quyết định không công nhận mại dâm là một nghề thì việc phòng ngừa lây lan các bệnh xã hội cũng như hệ lụy của nó sẽ thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Hà:  Đây thật sự là một khó khăn lớn. Khi chúng ta coi mại dâm là bất hợp pháp thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận và mại dâm tồn tại trong “thế giới ngầm”, hoạt động lén lút ngoài tầm quản lý của Nhà nước, việc tiếp cận những người tham gia hoạt động mại dâm để thực hiện các can thiệp giảm tác hại và bảo vệ các quyền của họ sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ áp dụng đa dạng các phương thức, biện pháp phòng, chống mại dâm trên cơ sở bảo vệ quyền con người.

Nếu chúng ta sử dụng các cách tiếp cận phù hợp như thông qua các nhóm tự lực, các tổ chức xã hội như đã bắt đầu thử nghiệm ở một số địa phương trong thời gian qua thì mục tiêu giảm hại sẽ phần nào đạt được. Và thực tế, hiện nay chúng tôi đang xây dựng thí điểm các mô hình giảm tác hại, phòng, chống HIV/AIDS trong phòng, chống mại dâm. Tư vấn, hỗ trợ sinh kế và bước đầu cho thấy có kết quả. Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục đánh giá để nhân rộng các mô hình này.

PV: Để phòng, chống mại dâm đạt kết quả như mong muốn, theo bà còn phải thực hiện những giải pháp gì nữa?

Bà Lê Thị Hà: Trước hết chúng ta phải khắc phục những khó khăn, bất cập bằng cách điều chỉnh, bổ sung những nội dung Pháp luật còn thiếu và không phù hợp với thực tiễn. Tiếp đến là chú trọng vào hai giải pháp chính: Phòng ngừa, hỗ trợ xã hội và xử lý nghiêm, quyết liệt các hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm. Đồng thời nâng cao vai trò của cộng đồng cùng các thiết chế xã hội như gia đình, nhà trường; Huy động và mở rộng sự tham gia của các tổ chức xã hội, chính quyền cấp cơ sở, người dân vào công tác phòng, chống mại dâm cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt đối với việc phòng, chống bóc lột tình dục trẻ em, mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm.

Quy định cụ thể các tiêu chuẩn và điều kiện trong hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề dễ phát sinh tệ nạn mại dâm như: Vũ trường, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, massage, kinh doanh du lịch… Và cuối cùng tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại khi không hợp pháp mại dâm, chúng ta phải nghiên cứu đưa ra các giải pháp về cả pháp luật và xã hội nhằm hạn chế thấp nhất những hệ lụy của mại dâm. Như vậy cũng là phòng, chống mại dâm hiệu quả.

PV: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

TS Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:

Tôi cho rằng vẫn coi mại dâm là hoạt động bất hợp pháp song là dạng hoạt động bất hợp pháp đặc biệt và cần biện pháp xử lý đặc biệt. Tôi thiên về giải pháp giảm bớt kỳ thị xã hội đối với người hành nghề mại dâm và tìm ra những con đường phù hợp để bảo vệ quyền hợp pháp của họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực và phòng chống lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhà nước cần phối hợp với các tổ chức xã hội, dựa vào các tổ chức xã hội nhiều hơn trong nỗ lực này hơn là việc truy lùng, bắt họ để xử phạt.


Tú Anh (thực hiện)