Quyền im lặng: Rất hay nhưng khó đấy!

07:00 | 07/10/2014

2,513 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, có một thông tin được rất nhiều người quan tâm, đó là việc các cơ quan tư pháp đang bàn tính đến việc phải đưa quyền im lặng của bị can vào trong luật. Nói nôm na là như thế này, người bị cơ quan công an bắt giữ có quyền im lặng cho đến khi có mặt luật sư.

Năng lượng Mới số 363

Những ai xem phim Mỹ và nhiều nước khác, thường thấy cảnh: khi cảnh sát bắt giữ một đối tượng nào đó, họ hay nói với đối tượng: “Anh có quyền im lặng. Mọi lời nói của anh lúc này có thể là chứng cứ buộc tội anh”.

Công bằng mà nói, nếu như chúng ta thực hiện được quyền im lặng này thì chắc chắn sẽ làm giảm được các vụ án oan sai, giảm được tình trạng bức cung, mớm cung, dụ cung, hoặc tra tấn, nhục hình biến tướng.

Theo Hiến pháp mới, quyền con người của Việt Nam ngày càng được đảm bảo và các bộ luật cũng đã và đang được sửa đổi đi theo hướng này. Mà một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì chắc chắn phải là một xã hội có tỉ lệ án oan sai thấp nhất.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế nước ta sẽ thấy rằng, nếu như lúc này đưa quyền im lặng vào luật thì chưa chắc đã khả thi, hay nói một cách khác là chưa phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Trước hết, phải nói rằng, ở Việt Nam, ý thức chấp hành luật pháp của người dân là cực kỳ kém. Trên thế giới, hiếm có một quốc gia nào có số vụ chống người thi hành công vụ nhiều như ở Việt Nam; đầy rẫy những vụ tấn công lại cảnh sát; nhan nhản những vụ bị cáo “tẩn” quan tòa, xé hồ sơ ngay tại phiên tòa; thậm chí có cả những người như thầy tu khi vi phạm pháp luật, bị đưa ra xét xử cũng đạp đổ vành móng ngựa, chửi bới chủ tọa.

Rất hay nhưng khó đấy!

Vậy điều gì xảy ra nếu như những người phạm tội có thái độ “cùn” trước cơ quan điều tra hoặc cơ quan tố tụng?

Rồi nữa, việc bị can chỉ trả lời khi có mặt luật sư, xem ra thì rất đúng, nhưng với đội ngũ luật sư như hiện nay - đã thiếu về số lượng, lại yếu về chất lượng chuyên môn, thì làm sao đáp ứng nổi yêu cầu này.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ ở Việt Nam mỗi năm xảy ra 540.000 vụ án lớn nhỏ khác nhau. Trong khi đó, chúng ta chỉ có 8.000 luật sư. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như cứ phải chờ có mặt luật sư mới được hỏi bị can, đấu tranh với bị can?

Rồi nữa, lại có những loại án cần phải truy xét, điều tra khẩn cấp, chẳng hạn như các vụ khủng bố, cần phải đấu tranh với đối tượng, buộc chúng phải khai ra nơi cất giấu vũ khí, chất nổ, khai ra đồng phạm để cơ quan thực thi pháp luật có thể tìm ra, ngăn chặn hành vi phạm tội tiếp theo của chúng. Vậy nếu như chúng cũng vin vào quyền im lặng để bất hợp tác với cơ quan điều tra thì hậu quả sẽ thế nào?

Lại nữa, lấy gì để đảm bảo rằng, các luật sư sau khi dự những buổi hỏi cung sẽ không về thông báo cho gia đình bị can, hoặc đồng bọn của chúng?

Thực tế đã xảy ra không ít vụ án mà chính luật sư đã có những hành vi tiếp tay cho tội phạm bằng cách bày cho chúng cách đối phó với cơ quan điều tra.

Chính vì vậy, để đưa được quyền im lặng vào luật thì cần phải có những bước đi phù hợp và phải tôn trọng những sự thật về việc chấp hành pháp luật, cũng như các vấn đề còn đang tồn tại trong các cơ quan bảo vệ luật pháp và các cơ quan tố tụng.

Thực ra, các vụ án oan sai hầu hết thường xảy ra trong quá trình “tiền tố tụng”, bởi trong giai đoạn này, chỉ có cơ quan điều tra với bị can. Còn sau khi đã vào vòng tố tụng, nghĩa là đã khởi tố bị cáo, thì mới có sự tham gia của Viện Kiểm sát. Các vụ việc bức cung, dùng nhục hình đối với bị can, người phạm tội, hầu hết chỉ xảy ra trong giai đoạn “tiền tố tụng”. Chính vì vậy, việc nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực nghiệp vụ cho những người làm điều tra, đồng thời có biện pháp nhằm giám sát quá trình “tiền tố tụng” mới là việc đặc biệt quan trọng.

Đúng là trước đây, việc dùng nhục hình trong một bộ phận lực lượng công an đối với bị can là có xảy ra và chính việc này đã dẫn đến những vụ án oan sai tày đình như vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, việc dùng nhục hình, tra tấn phạm nhân đã giảm rất nhiều nhưng không thể nói là đã chấm dứt. Và trên thực tế, chẳng có một quốc gia nào chấm dứt được chuyện người điều tra sôi máu lên, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với bị can.

Cái câu “phi đả bất thành cung” không phải là không có lý trong những trường hợp đặc biệt. Tất nhiên, chẳng hay ho gì chuyện phải tra tấn phạm nhân để lấy được khẩu cung. Nhưng quả thật, có những loại đối tượng bản thân không coi luật pháp ra gì, thậm chí lại còn thích… đi tù, hay có thái độ khiêu khích, chọc tức cán bộ điều tra. Để bình tĩnh, nhẫn nhịn được trước những loại bị can này thì quả thật phải có một thần kinh thép, mà không phải ai cũng rèn luyện được.

Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về chống tra tấn, thì khi chúng ta đã ký, chúng ta phải tôn trọng chữ ký của mình và điều cần làm ngay là phải có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt nhằm giảm đến mức tối đa hiện tượng dùng nhục hình, tra tấn bị can.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, từ trước đến nay, người Việt Nam ta trong việc chấp hành luật pháp vốn mang rất nặng tính duy tình. Chính sự duy tình này đã bóp méo khuôn khổ luật pháp, làm cho việc thực thi pháp luật không nghiêm và ở nhiều trường hợp, việc thực thi pháp luật đôi khi là làm theo ý muốn của cá nhân người có quyền. Đó là chưa kể việc chính quyền, cấp ủy đảng còn can thiệp một cách thô bạo vào công tác điều tra, xét xử của công an, tòa án ở không ít trường hợp. Và một điều nữa ấy là chúng ta đưa ra rất nhiều điều luật mà xem ra rất nhân văn, rất tiến bộ nhưng lại không phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và đặc tính con người Việt Nam. Nhiều nhà làm luật hay viện dẫn ở nước Mỹ thế nọ, nước Anh thế kia, nhưng không mấy ai biết rằng, để có một văn hóa luật pháp như hiện nay, họ phải trải qua một thời kỳ cứng rắn như thế nào.

Nếu như chúng ta không có những biện pháp cứng rắn, thậm chí đặc biệt cứng rắn, để buộc mọi người phải đi vào khuôn phép thì sẽ không bao giờ có được một văn hóa chấp hành luật pháp nghiêm túc.

Nhìn hàng quân đi nghiêm qua lễ đài, ai cũng thấy thích, thấy đẹp bởi sự thống nhất trong từng động tác. Nhưng có mấy ai biết rằng, để hàng quân ấy đi đều tăm tắp như vậy, họ phải trải qua thời gian tập luyện vất vả, kỷ luật như thế nào.

Cho nên, với một đất nước mà ý thức chấp hành luật pháp kém như người Việt ta hiện nay, nếu không có những biện pháp đặc biệt, thì sẽ còn nhiều những vụ chống người thi hành công vụ, nhiều vụ quan tòa ăn “đòn” ngay tại tòa, hay còn nhiều vụ án oan sai..

Hơn lúc nào hết, các nhà làm luật hãy tính đến một điều: người Việt Nam có đặc tính của người Việt Nam, cho nên không thể mang những điều luật ở Tây áp dụng cho người Việt Nam, cho dù nó văn minh, tiến bộ đến đâu chăng nữa. Và cũng đừng nghĩ rằng, đưa được quyền im lặng vào luật là sẽ làm giảm được oan sai. Cái gốc vấn đề vẫn là con người, ở con người, do con người. Cần phải giáo dục con người có ý thức chấp hành luật pháp. Giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức, chính trị và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ở những người điều tra, những người thực thi pháp luật. Nhưng sau tất cả, vẫn là có chế tài giám sát nghiêm minh.

Như Thổ

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc