Quá lãng phí!

06:00 | 10/09/2013

728 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy năm nay, từ thành thị đến nông thôn, chỗ nào cũng đua nhau xây chợ. Mà nhiều chợ xây xong thì lại bỏ hoang, tốn kém tiền bạc của dân và Nhà nước. Lỗi ấy là do chính quyền địa phương đã tính toán sai lầm và đằng sau đó còn có những điều khuất tất.

Nơi cần chợ thì không có hoặc để chợ xập xệ chờ kinh phí sửa chữa; nơi chợ đã xây xong thì bỏ hoang nhiều năm. Thậm chí, những nơi tấc đất tấc vàng, chợ cũ nâng cấp thành trung tâm thương mại đàng hoàng, to đẹp hơn thì lại không còn là chợ nữa, nhân viên quản lý chợ đông hơn cả người bán lẫn người mua; trong khi đó các chợ cóc thì vẫn tấp nập và quá tải.

Hàng trăm tỉ đồng bỏ ra không thu hồi được vốn. Nơi năng động và có ngân sách bao cấp thì xây “chợ Nhà nước” vào vị trí không thích hợp, trên đồi cao hay ngoài bãi vắng, địa thế bất tiện nhiều mặt, thậm chí bị lỗi kiến trúc và xây dựng, xa nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Không ít nơi bất chấp quy hoạch và thực tế thị truờng, vốn liếng, hình thành phong trào đầu tư chợ dàn trải theo cơ chế “xin - cho”, kiếm chác, tìm cách thông qua dự án càng nhanh và càng nhiều tiền càng tốt. Xây chợ xong, tổ chức khai trương và ghi thành tích, nhận hoa hồng, hưởng “lộc” dự án và lãnh đạo địa phương hết nhiệm kỳ thì cũng hết trách nhiệm, mặc cho chợ bỏ hoang và xuống cấp.

Chợ Voi (Quảng Xương, Thanh Hóa) gần 6 tỉ đồng bị bỏ hoang từ 2011

Tỉnh Bến Tre hiện có 6 chợ tiền tỉ do tư nhân đầu tư không thể hoạt động hoặc khai thác không hiệu quả, mà trước đó UBND huyện lại phê duyệt đầu tư xây dựng chợ là sai thẩm quyền.

Chợ tại Trung tâm Thương mại cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (xã Dân Hóa - huyện Minh Hóa, Quảng Bình) xây hết gần 10 tỉ đồng. Thế nhưng, sau ngày khai trương, chợ chỉ có một thương lái vào thuê để gom hàng từ bên kia biên giới mang về xuôi. Nguyên nhân do quy hoạch của trung tâm thương mại không gắn với khu dân cư. Mà không có dân thì làm sao nên chợ! Thế là chợ trở thành nơi nghỉ của trâu bò vào ban đêm.

Mấy năm qua, Hà Nội cũng nổi lên phong trào xây chợ. Quận nào cũng vẽ ra đề án xin thành phố tiền tỉ để cải tạo, xây dựng chợ. Nhưng đáng tiếc, khi chợ xây xong lại không có người vào họp. Trong khi còn nhiều vấn đề cấp bách cho dân sinh cần phải đầu tư thì hàng chục tỉ đồng cứ phơi nắng mưa, hàng chục nghìn mét vuông đất để trống. Nội thành có các chợ Hàng Da, Bưởi, Ngã Tư Sở xây xong lâu rồi nhưng tư thương vẫn bám vỉa hè ở các phố để buôn bán chứ không vào chợ. Ngoại thành có chợ Quảng An (6.000m2), Bắc Thăng Long (20.000m2) cũng không có bóng người họp chợ. Ông Đào Đình Đức, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối Bắc Thăng Long bức xúc nói: “Tôi không hiểu ra sao nữa, xây dựng cái chợ có phải một sở hay một huyện làm được đâu, qua đủ các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thương mại... tham mưu, thiết kế, thế mà vừa xây xong đã không phù hợp, chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác. Ban Quản lý chợ không được phép ký hợp đồng cho thuê dài hạn với bất kỳ hộ kinh doanh nào, trường hợp ký lâu nhất cũng chỉ 1 tháng”.

Những chợ áp dụng phương thức xã hội hóa, kiểu Nhà nước và tư nhân cùng làm thì thường xuất hiện nhiều tiêu cực, khiến chi phí đủ loại cho một chỗ bán hàng ở chợ mới đội lên 5-7 lần mức chợ cũ. Vé vào chợ quá đắt đỏ. Tiểu thương phải nộp đủ loại tiền nên không chịu nổi, phải “bám trụ” chợ cũ, không chịu vào chợ mới hoặc bãi thị. Các vị trí đẹp bị rơi vào tay “người nhà” Ban Quản lý chợ rồi họ bán lại các ki-ốt vị trí đẹp trong chợ để kiếm lời.

Từ ngày chuyển sang cơ chế thị trường, người dân lại quen mua bán ở “chợ cóc, chợ xanh” tiện lợi chứ không vào chợ chính, đỡ mất thời gian và tốn tiền gửi xe.

Gần đây, phong trào xây dựng nông thôn mới cũng nảy sinh vấn đề có nên xây chợ hay không theo tiêu chí thứ 7. Nhiều xã không có nhu cầu về chợ và rất thiếu vốn đầu tư thì xây chợ để làm gì. Sớm phát hiện ra nghịch lý này, ngày 20/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 342/QĐ-TTG, sửa đổi một số tiêu chí của “Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới”. Trong đó, tiêu chí số 7 về chợ nông thôn được sửa đổi nhằm định hướng cho việc đầu tư xây dựng chợ có hiệu quả, theo quy hoạch, tránh xây dựng chợ tràn lan theo phong trào. Chợ theo quy hoạch là chợ phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp - thương mại, được UBND tỉnh phê duyệt.

Những nghịch lý của chợ dân sinh là biểu hiện rõ sự yếu kém, bất cập trong quản lý Nhà nước với các công trình phục vụ dân sinh. Nói cách khác, tầm tư duy ngắn, mang tính nhiệm kỳ, thiếu thiết thực và khách quan; sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong quy hoạch và triển khai xây dựng mạng lưới chợ; những biến tướng của nhóm lợi ích… Xây chợ trước hết là để cán bộ kiếm ăn, sau đó bỏ phí. Những thủ đoạn đó làm sai lệch công năng của chợ dân sinh, lãng phí tiền của, đất đai và các nguồn lực cũng như gây nhiều bức xúc xã hội khác. Không giải quyết được dứt điểm những nghịch lý trên thì còn lãng phí nữa.

Minh Long