Đừng biến Văn Miếu thành… chợ!

20:03 | 23/02/2015

3,062 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Văn Miếu từ cả ngàn năm nay vốn là nơi tôn nghiêm. Đây là thờ chữ, thờ và tôn vinh đạo học. Là nơi thể hiện nền văn hiến Việt Nam.

Một dãy ki ốt bán chữ trong Văn Miếu.

Bên ngoài Văn Miếu, vẫn còn bia đá đề hai chữ "hạ mã" – nghĩa là ngày xưa, nơi đây tôn nghiêm đến mức, quan văn đi qua phải xuống kiệu, quan võ đi qua phải xuống ngựa.

Và thời @ này, người ta vẫn tôn vinh nhưng con ngoan, trò giỏi, vẫn tôn vinh những thủ khoa, những người đỗ đạt cao tại đây.

Nhưng Tết Ất Mùi này, chẳng hiểu đồng tiền có sức mạnh đến mức nào mà người ta biến Văn Miếu thành nơi bán chữ, rồi bán cả đồ ăn, thức uống… nào là xúc xích nướng, nào là nước ngọt, nào là đủ các loại kem.

Từ ngày mùng 3 Tết, mà đỉnh điểm là ngày mùng 5, một cảnh bát nháo chưa từng có ở nơi tôn nghiêm này.

Dòng người ùn ùn đổ vào từ sáng sớm, 2 cửa bán vé hoạt động hết công suất. Ở nơi soát vé, chỉ một loáng là hai sọt đã đầy vé hủy. Dòng người đi như trảy hội và ở trong sân nhà Thái học thì quả thật là một cảnh tượng chưa từng thấy. Người ta chen nhau mua chữ, mà chủ yếu là con trẻ và sinh viên. Những chữ được mua thường là đỗ, đạt, đăng khoa, tiến, hiếu học.

Một số "ông đồ" được ngồi ở trong Văn Miếu này thì là những "ông đồ" đã "thi đỗ" qua kỳ sát hạch vừa rồi.

Mà tại kỳ thi này, thì có đến 90% "ông đồ" viết sai từ một nét đến cả chữ, thậm chí đến cả câu. Tưởng rằng sau cú sát hạch đấy, thì các "ông đồ" sẽ vắng bóng, nhưng hóa ra không phải.

Những người có trách nhiệm quản lý đã "du di" để cho một số "ông đồ" không biết viết vẫn được tiếp tục hành nghề. Những ông "đồ… dởm" đấy thì nhiều người phải ra ngồi ngoài Hồ Văn (và cũng chen với các ông "đồ... thật"), còn trong Văn Miếu thì chủ yếu là các "ông đồ" của nhóm Nhị Thập Bát Tú và một vài câu lạc bộ chữ Hán Nôm có uy tín.

Và đó là cơ hội ngàn năm có một cho các "ông đồ" kiếm tiền. Vì thế, các ông đã phải thuê sinh viên viết chữ, rồi bán cho nhanh. Nghe nói, sinh viên viết chữ ở đây, mỗi ngày được trả công 2 triệu đồng; còn có "ông đồ", ngày đút túi hai chục triệu đồng.

Cảnh bát nháo ở sân nhà Thái Học (Văn Miếu)

Cũng phải hoan nghênh sở VH-TT-DL Hà Nội đã làm một cuộc kiểm tra trình độ các ông đồ trước dịp Tết. Tuy nhiên, với cách làm đánh trống bỏ dùi như thế này thì giữa "đồ thật" và "đồ giả" vẫn lẫn lộn.

Nhưng điều đáng buồn nhất, chưa phải là chuyện viết chữ đẹp hay xấu, trình độ cao hay thấp, đúng hay sai. Mà cái chính là, người ta đã biến một nơi tôn nghiêm thành "chợ chữ" theo đúng nghĩa đen và thêm vào đó là chợ bán đồ ăn thức uống.

Chỉ riêng cái việc biến Văn Miếu thành chợ chữ như thế này cũng đủ thấy trình độ văn hóa của những người làm công tác quản lý văn hóa tại Hà Nội rất đáng "nghi ngờ"?!

Người ta xóa "phố ông đồ", nhốt các ông vào trong Hồ Văn, nhưng lại biến Văn Miếu thành "chợ chữ" thì đó là điều không thể chấp nhận được.

Cứ nói Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước, là nơi thể hiện văn hiến ngàn đời của nước Việt, nhưng với cách làm như thế này thì không hiểu người ta sẽ biến những nơi tôn nghiêm, di sản văn hóa của Hà Nội thành các loại hàng quán kiểu gì?

         

                                                                                                          Như Thổ