Chuyện người thư ký của Đại tướng Chu Huy Mân

07:07 | 17/04/2015

5,809 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong cuộc đời binh nghiệp, Đại tướng Chu Huy Mân gắn bó nhiều năm với các chiến trường Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên và Quân khu 5. Ông có rất nhiều kỷ niệm với những chiến sĩ của mình, trong đó phải kể đến người thư ký trẻ tuổi Nguyễn Quang Huy khi ông là Tư lệnh Mặt trận B4. Mỗi lần nhớ đến người chiến sĩ ấy ông lại bùi ngùi xúc động.

Năng lượng Mới số 413

Sinh thời, Đại tướng Chu Huy Mân vẫn nhớ về những năm chống Mỹ ở Quảng Đà, một trong những địa bàn bị Mỹ ngụy dồn sức tấn công, càn quét liên tục với mức độ ác liệt. Thời kỳ ấy, có một chiến sĩ quê ở miền Bắc làm thư ký riêng cho ông.

Trong một lần đi trinh sát mặt trận, người chiến sĩ ấy chẳng may bị địch bắn trọng thương, sau đó bị lính Mỹ cắt cổ vứt bỏ trong rừng. Ông cứ ngỡ anh thư ký của mình đã chết nên rất đau buồn và luôn luôn nhớ tới anh. Nhưng mãi sau này, đến ngày Hiệp định Paris được ký kết, hai bên tiến hành trao trả tù binh, ông mới biết tin, người thư ký riêng của mình còn sống. Và ông đã tìm gặp lại người chiến sĩ ấy để tìm hiểu rõ ngọn nguồn. Tướng sĩ gặp lại nhau trong niềm vui khôn xiết. Qua lời kể của người thư ký, ông càng khâm phục lòng dũng cảm của người lính thuộc quyền của mình.

Anh Nguyễn Quang Huy kể lại: Bọn lính Mỹ cắt cổ anh rồi bỏ đi. Một tốp lính khác đi lùng sục sau đó thấy anh vẫn còn sống, chúng nghi anh là cán bộ chỉ huy cấp cao nên bắt anh làm tù binh rồi đày ra nhà tù Phú Quốc. Khi đó, đơn vị không nắm được tung tích của anh nên đã gửi giấy báo tử về gia đình anh ở Tiền Hải, Thái Bình. Mặc dù nhận được giấy báo tử nhưng gia đình không tin là anh đã hy sinh nên bố mẹ anh đã từ chối nhận các tiêu chuẩn của gia đình liệt sĩ.

Chuyện người thư ký của Đại tướng Chu Huy Mân

Anh Nguyễn Quang Huy

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Tiền Hải, Thái Bình, tốt nghiệp phổ thông, thi đỗ vào Đại học Thủy sản Hải Phòng nhưng Nguyễn Quang Huy lại làm đơn xin đi bộ đội trong khi gia đình đã có 2 người anh trai đang tại ngũ. Lá đơn của anh được huyện đội đồng ý và ngày 8-9-1969 anh lên đường.

Mấy hôm sau, đứa cháu là con ông bí thư đảng ủy xã đến tìm gặp anh tại đơn vị huấn luyện và đưa cho anh giấy báo đỗ đại học. Nguyễn Quang Huy xem xong rồi bảo: “Cháu về nói lại với các bác ở xã là anh không đi học, bây giờ anh muốn ra chiến trường hơn”. Sau một khóa huấn luyện ngắn hạn trên đất bắc, anh cùng đồng đội hành quân vào chiến trường khu 5 giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào thời kỳ ác liệt. Tháng 5-1970, đơn vị hành quân đến chiến trường Quảng Đà. Ba tháng sau, Huy được chọn làm thư ký cho Tư lệnh Chu Huy Mân. Nhiệm vụ của anh là tổng hợp tình hình chiến trường để hằng ngày báo cáo cho Bộ Chỉ huy mặt trận B4. Vì sợ bị lộ hoặc bị địch phát hiện nên Tư lệnh Chu Huy Mân phải liên tục di chuyển chỗ ở.

Tuy vất vả nhưng Huy lại thấy vinh dự được sống bên vị thủ trưởng dày dặn kinh nghiệm trận mạc. Huy còn nhớ rõ chuyến công tác xuống vùng căn cứ địch đúng dịp kỷ niệm 27 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12-1971. Hôm ấy hai thầy trò đi kiểm tra tình hình mặt trận nhưng sóng liên lạc vô tuyến điện của đơn vị công tác báo về Sở Chỉ huy mặt trận bị địch phát hiện nên lộ vị trí hành quân ở hang Đá Lớn. Một tiểu đoàn Mỹ thuộc Trung đoàn Cấm Dơi đóng ở Quế Sơn, Quảng Nam mở cuộc truy lùng. Huy đang cùng hai trinh sát nghiên cứu địa hình thì rơi vào ổ phục kích của lính Mỹ. Tiếng súng tiểu liên AR15 bắn xối xả về phía các anh. Huy đã bị trúng đạn, nằm bất tỉnh.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, Huy thấy mình đang nằm trên giường bệnh nhưng anh cứ ngỡ là ở bệnh xá của ta. Khi nghe những tiếng lính Mỹ anh mới biết mình bị bắt và đưa về quân y viện của Mỹ ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Rồi nghe tiếng phiên dịch viên người Việt nói với nhau, Huy mới biết mình được lính Mỹ đưa về cấp cứu để khai thác. Thấy anh mặc bộ quân phục bằng vải gabađin mới, lại đeo súng ngắn K59 nên chúng tưởng anh là sĩ quan cao cấp. 

Hơn một tháng sau, anh bị đưa vào trại giam và bắt đầu những trận tra tấn lấy cung nhưng không khai thác được gì. Đến ngày 19-5-1972, địch đưa anh ra Phú Quốc để giam cầm ở trại B10. Bao trận tra tấn cực hình tàn bạo của kẻ thù ở đây đã thử thách lòng kiên trung dũng cảm của anh. Và ngày 16-3-1973, thực hiện Hiệp định Paris, anh được trao trả tù binh tại Lộc Ninh. Trở về với đồng đội, tiếp tục phục vụ chiến đấu cho đến sau năm 1975 thì chuyển ngành.

Suốt thời gian Huy bị bắt, đơn vị không có tin tức gì nên cho rằng anh đã chết và báo tử về địa phương. Anh kể lại: “Khi ra an dưỡng ở Tuyên Quang, tôi chưa báo tin cho gia đình vì sợ bố mẹ, anh em lo. An dưỡng xong, tôi về quê thì được biết ở nhà đã nhận báo tử tôi từ năm 1972. Tôi nằm trong danh sách liệt sĩ chống Mỹ của địa phương. Nhưng có một điều lạ là không hiểu sao bố tôi nhất định không chịu nhận chế độ tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ. Ông cụ bảo: “Thằng Huy vẫn còn sống!”. Và ông đã đem trả tiền tuất cho chính quyền xã, trong khi cả làng, cả xã đều tin tôi đã hy sinh”. Tình phụ tử, niềm tin của bố anh đã thành sự thật.

Điều hết sức bất ngờ là năm 1973, nghe tin anh còn sống trở về, tướng Chu Huy Mân đã cho người đến đón anh ở nơi trao trả tù binh. Huy được ông tặng một chiếc đài, một chiếc đồng hồ đeo tay và tiền. Có lần ông hỏi Huy cần gì để ông giúp, anh nói “chỉ thích được về gần bên bố mẹ”.

Ở nhà được ít lâu, anh mang giấy báo trúng tuyển đại học năm trước mà bố anh còn cất giữ được đến Trường Đại học Thủy sản (Hải Phòng) xin nhập học. Nhưng nhìn dáng người gầy gò, xanh xao, lại thêm giọng nói thều thào không nghe được, ông cán bộ tiếp nhận hồ sơ nói: “Nhà trường rất trân trọng những anh chị em từng đi chiến đấu trở về và sẵn sàng đón nhận vào học. Nhưng trường hợp của anh, do sức khỏe yếu, lại là thương binh mất giọng nói nên nhà trường mong anh thông cảm. Quy chế tuyển sinh của ngành không cho phép tiếp nhận sinh viên không đủ tiêu chuẩn...”. Hậu quả từ vết thương ở cổ anh do lính Mỹ cắt trước đây làm hỏng thanh quản, khiến anh mất giọng. Tiếng anh nói rất khó khăn như người nói thầm. Ai nghe anh nói phải ngồi gần và rất chú ý mới nghe được.

Không được vào đại học, anh thấy bâng khuâng mấy ngày nhưng rồi nghị lực người lính đã giúp anh vững chí phấn đấu ở môi trường khác. Anh quyết định đi xin việc làm để tự lo cuộc sống của mình. Anh xin chuyển ngành về Công ty Chiếu bóng tỉnh Thái Bình, rồi đi học lớp kế toán và được nhận về làm việc tại Công ty Phát hành phim Việt Nam.

Khi công việc ổn định, anh đã yêu và lấy cô bạn gái cùng học phổ thông năm xưa. Nhưng cuộc sống ở Hà Nội lúc ấy khó khăn, anh lại xin về quê công tác, làm chức Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Tiền Hải cho tới lúc nghỉ hưu.

Những ngày này, nhớ lại kỷ niệm chiến trường hơn 40 năm trước và chặng đường phấn đấu, bền bỉ cống hiến hơn ba chục năm qua, Nguyễn Quang Huy vẫn bồi hồi xúc động. Anh đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, gian khổ cả trong chiến đấu và trong công tác để xứng đáng là người chiến sĩ cách mạng, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Đức Minh