Nông dân sáng chế Phạm Văn Hát:

Nếu các nhà khoa học không chịu lội ruộng

07:40 | 27/11/2015

677 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người sáng chế ra hơn chục đầu máy nông cụ phục vụ bà con nông dân, ông Phạm Văn Hát (Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) cho rằng: Thuận lợi của những nhà sáng chế nông dân là đi lên từ những nắm đất nên biết được chính xác người nông dân cần gì. Còn các nhà sáng chế trí thức, được đào tạo bài bản thì ít ai chịu lội xuống ruộng với người dân nên sản phẩm chưa đi vào thực tiễn.

PV: “Vua sáng chế nông cụ” là danh hiệu mà nhiều bà con nông dân đã dành tặng cho ông. Xin hỏi, cơ duyên nào dẫn ông đến với vị trí này?

Nông dân Phạm Văn Hát: Bản thân tôi mới chỉ học hết lớp 7 nhưng trước đây tôi cũng đã yêu thích nghề cơ khí. Tôi mở xưởng sửa chữa máy móc tại nhà. Năm 2006, khi liều làm một dự án trồng rau an toàn bị thất bại, tôi mắc nợ lớn và phải đi xuất khẩu lao động ở Israel. Tại đây tôi được bố trí làm việc cho một trang trại. Israel là một đất nước có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu nhưng nhiều giai đoạn làm việc lại vẫn thủ công. Lúc đó công việc của tôi là cuốc hố, rải phân cho đều để trồng rau.

Công việc vất vả khiến tôi có suy nghĩ, sao không nghiên cứu một chiếc máy làm công việc này? Thế là tôi vạch ra ý tưởng sáng chế máy. Ban đầu gian nan vì tôi không biết tiếng Anh nên tất cả nhờ công cụ google, được người chủ tạo nhiều điều kiện cho tôi thực hiện. Sau gần 6 tháng tự mày mò nghiên cứu, làm đi, làm lại, cuối cùng tôi cũng đã sáng chế ra chiếc máy rải phân tự động phục vụ cho hàng chục ha rau của trang trại. Trước đây một ngày phải mất 25 lao động rải phân cho khoảng 2 ha thì nay chỉ cần từ 2-3 người. Thành công này được ông chủ ghi nhận và thưởng cho tôi 5.500 USD với bản công nhận sáng chế gắn tên “máy của Hát”.

Sau thành công này, niềm đam mê với cơ khí lại nhen lên. Tôi liên tục nghĩ đến việc nên chế tạo ra nhiều loại máy móc phục vụ nông nghiệp nhưng cũng nghĩ rằng, sao mình không về quê để làm việc đó. Vậy là tôi quyết định về nước ngay sau đó là năm 2011. Tôi mở lại xưởng cơ khí, ban đầu là làm cho thỏa mãn sở thích của mình nhưng rồi liên tục các ý tưởng bật ra khi tôi nhìn người dân quê mình làm việc.

PV: Vậy từ chiếc máy đầu tiên, đến nay đã có bao nhiêu “máy của Hát”, thưa ông?

Nông dân Phạm Văn Hát: Cả sáng chế và cải tiến thì khoảng 14 đầu máy nông nghiệp phục vụ bà con. Về nước, tôi nghĩ người dân quê tôi trồng màu nhiều, việc cày cuốc, làm luống trồng rau rất vất vả. Nên tôi bắt đầu nghĩ đến việc phải sáng chế ra một chiếc máy đánh luống. Thế là tôi bắt tay làm, rất nhanh chỉ mấy tháng sau máy đánh luống của tôi ra đời. Kèm với đó tôi cũng cải tiến thêm máy cày cho bà con. Tôi nảy ra sáng kiến thiết kế dàn cày 4 lưỡi, vừa máy vét luống, vừa để cày được dễ dàng, không vướng gốc rạ.

Hay có lần đi qua vùng trồng cà rốt, thấy bà con phải gieo hạt bằng tay, tỷ mẩn từng chút một. Có nơi đã có máy nhưng phải dùng tay kéo, hạt giống tra không đều, phải đi tra bổ sung. Tôi đã nghĩ ngay trong đêm hôm ấy là phải chế tạo ra một “rô-bốt đặt hạt giống”. Cứ thế, từ nhu cầu thực tế thì lần lượt các máy thu hoạch lá, máy cày, máy thái củ quả, máy đặt hạt… được ra đời.

PV: Có máy rồi nhưng để đến được đồng ruộng thì anh phải PR, quảng cáo cho các loại máy của mình như thế nào?

Nông dân Phạm Văn Hát: Rất may cho tôi là sản phẩm gần gũi, tiện lợi cho công việc của bà con nên họ cứ bảo nhau đến mua để sử dụng. Sau này khi nhiều người biết đến rồi báo đài cũng thông tin thì nông dân ở nhiều nơi tìm đến. Bây giờ sản phẩm của tôi không chỉ bà con nông dân trong Nam ngoài Bắc mà có cả người dân ở Lào, Campuchia… đặt hàng.

neu cac nha khoa hoc khong chiu loi ruong
Nhà sáng chế chân đất Phạm Văn Hát

PV: Trong một thời gian ngắn mà sáng chế ra nhiều nông cụ như vậy, ông có gặp khó khăn gì không?

Nông dân Phạm Văn Hát: Khó khăn nhiều lắm chứ, vì thứ nhất là ít vốn, lại không được hỗ trợ. Tôi phải tự mày mò hết các công đoạn. Từ việc lên ý tưởng cho chiếc máy, rồi phác họa chi tiết từng linh kiện. Máy nông cụ phải đáp ứng được nhu cầu đặc thù của bà con nông dân như vừa phải sử dụng thuận tiện, để người trình độ thấp vẫn có thể dùng, giá thành lại phải thật rẻ…

Tôi cũng phải đắn đo rất nhiều. Như trong quá trình sản xuất chiếc máy gieo hạt tự động. Suốt mấy tháng liền mầy mò, vừa làm, vừa vẽ, vừa tìm nguyên vật liệu. Không có tiền, tôi đã phải thế chấp cả sổ đỏ của gia đình để vay tiền ngân hàng. Tôi lên các làng nghề ở Bắc Ninh, Bắc Giang để đặt họ sản xuất các linh kiện. Với những linh kiện này, phải miêu tả kỹ để người ta sản xuất chuẩn xác cho mình. Rồi đến gần một năm, hình mẫu chiếc máy mới hình thành, rồi cũng gần 1 năm thử nghiệm, chưa đạt lại làm lại. Tôi cũng không nhớ bao lần thất bại, tốn kém nhưng cuối cùng tôi đã sáng chế thành công “rô-bốt đặt hạt”. Chiếc máy này đã được công nhận và đạt nhiều giải thưởng từ Sở Khoa học Công nghệ tỉnh, cũng như các cuộc thi sáng chế cấp quốc gia. Tôi thấy rất vui vì sản phẩm của mình được công nhận.

Nhưng cái khó khăn hiện tại nhất đối với tôi cũng như nhiều người nông dân sáng chế khác đó là việc được công nhận quyền sáng chế. Tôi thấy quy trình làm thủ tục đăng ký sáng chế cho những nông dân như chúng tôi rườm rà quá. Như vừa rồi trong quá trình làm thủ tục cấp bằng sáng chế cho chiếc máy đặt hạt tự động, người ta đưa cho tôi đủ các loại giấy tờ, bắt tôi miêu tả từng chi tiết, thậm chí còn bắt minh họa cả bằng vẽ 3D… Hồ sơ cứ làm đi, làm lại vì… không chuẩn. Tôi chán quá. Rồi khi làm hồ sơ xong rồi thì phải đợi đến 18 tháng sau mới được chính thức công nhận sáng chế.

Đến giờ thì tôi thấy nản. Tôi cũng an ủi là để biết có hiệu quả hay không thì người tiêu dùng mới là người đánh giá nên cứ sản xuất trên cơ sở phục vụ bà con trước.

Như ở nước ngoài tôi thấy thủ tục cấp bằng sáng chế của họ làm rất nhanh. Họ có một kênh khoa học, khi biết đến sáng chế của mình thì họ đưa tin về sáng chế đó. Sau đó sẽ có một hội đồng nhà khoa học đến kiểm chứng xem thực tế ông làm thế nào? Có trùng ý tưởng hay không? Trong thời gian khoảng 3 tháng, không có khiếu nại trùng ý tưởng thì được cấp bản quyền ngay. Họ làm được như vậy, sao mình không làm được, trong khi công tác kiểm định, kiểm chứng bây giờ không khó?

PV: Vậy điều ông mong muốn tới đây là gì, thưa ông?

Nông dân Phạm Văn Hát: Thủ tục cấp bằng sáng chế nhiều công đoạn quá. Bảo anh không được quảng bá ra thị trường vì như thế là… lộ ý tưởng rồi. Mà nếu không đưa ra thì ai biết đó là một sản phẩm đạt hiệu quả? Trong khi đó làm hồ sơ thì cầu kỳ, chúng tôi sáng chế chứ có phải nhà văn đâu mà bắt miêu tả kỹ quá. Rồi khi đem hồ sơ đi dự thi sản phẩm thì thậm chí còn “tụt hạng” do mô tả trong hồ sơ không xuất sắc bằng sản phẩm bên ngoài. Có một chi tiết đơn cử như sản phẩm máy gieo hạt tự động của tôi, trong cuộc thi “Nông dân sáng chế toàn quốc”, máy của tôi chỉ đạt giải khuyến khích. Đến khi hội đồng chấm giải nhìn thấy máy thì quá bất ngờ vì sự hoàn hảo của nó. Nên sau khi mục sở thị chiếc máy thì họ chọn mang đi triển lãm quốc tế.

Tôi là nông dân, đi lên từ đất nên có cái thuận tiện là biết được nhu cầu của người nông dân cần gì. Thử hỏi các nhà khoa học được đào tạo bài bản đã làm được những sản phẩm gì sát thực với người dân chưa? Máy họ làm ra thì to uỳnh, bổ ngửa… Vì họ có bao giờ lội xuống ruộng với người dân đâu. Máy sản xuất cho nông nghiệp mà đắt đến cả trăm triệu đồng thì ai mua được sản phẩm của họ. Tôi thấy bên Israel họ rất hay ở chỗ, nếu các ông được học hành tử tế mà không sáng chế để tạo được ra được một sáng phẩm mà nhẽ ra đó là nhiệm vụ của các ông thì các ông phải bỏ tiền túi ra mà mua.

Còn ở Việt Nam thì quá khác biệt, không chỉ quá máy móc trong thủ tục hành chính mà không cẩn thận, chậm chân, chậm miệng còn bị… hớt tay trên. Nên bản thân tôi đặt mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện để những sản phẩm sáng chế của tôi được đăng ký bản quyền cũng như các ban chuyên ngành hỗ trợ về tài chính, các nhà khoa học vào cuộc giúp chúng tôi hoàn thiện sản phẩm hơn.

Chúng tôi mong muốn sản phẩm mình đến được với càng nhiều người dân càng tốt, vì máy của chúng tôi hợp với thực tiễn, nhỏ gọn, thích hợp trên mọi địa hình và hơn cả là giá cả phải chăng. Nếu được các trường đại học bỏ tiền ra mua ý tưởng, hay các cơ sở sản xuất đại trà theo công nghệ của nhà nước… thì người được lợi ở đây là nông dân!

PV: Xin cảm ơn!

Huyền Anh

Năng lượng Mới 477