Nét đẹp của người phụ nữ thời nay

07:03 | 08/03/2017

12,732 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nên hiểu thế nào về bốn nét đẹp công - dung - ngôn - hạnh của người phụ nữ xưa và người phụ nữ ngày nay?

Từ xa xưa, những bé gái khi còn nhỏ sống trong gia đình được bố mẹ bao bọc, chăm sóc, dạy dỗ, khi lớn lên cha mẹ lo gả chồng cho con. Việc học hành của các bé gái không được coi trọng, mà chỉ chú ý dạy dỗ để trở thành một người phụ nữ hoàn hảo, có đủ công - dung - ngôn - hạnh. Đây cũng là thước đo đánh giá phẩm chất của người phụ nữ xưa. Mỗi người cần tu dưỡng, hoàn thiện mình theo 4 tiêu chí này.

Vậy người xưa đã quan niệm như thế nào về công - dung - ngôn - hạnh?

Công là nữ công, gia chánh, sự đảm đang, khéo léo trong việc nội trợ, việc gia đình; Dung là nhan sắc, vẻ đẹp hình thức bề ngoài trời phú cho mỗi chị em; Ngôn là ngôn từ, lời ăn, tiếng nói, sự dịu dàng, lễ phép, kính trên nhường dưới, đi hỏi về chào, tôn trọng những người xung quanh; Hạnh là đức hạnh, sự đoan trang, đứng đắn, nết na.

Phụ nữ Việt Nam trải qua các thời kỳ lịch sử, đã có những đóng góp to lớn, làm rạng rỡ giống nòi, dân tộc. Nhiều tấm gương trung liệt, như Bà Trưng, Bà Triệu cầm quân đánh giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Nữ tướng Bùi Thị Xuân là một Đô đốc của nhà Tây Sơn đã cùng chồng và hàng vạn nghĩa sĩ Tây Sơn đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Rồi những nữ sĩ tài hoa như Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương... với những áng thơ văn còn lay động tới hôm nay.

net dep cua nguoi phu nu thoi nay
Các thí sinh tham gia cuộc thi "Duyên dáng Dầu khí"

Công lao, tài đức, những nét đẹp thanh tao của người phụ nữ Việt Nam khó có thể kể hết được. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, hoàn cảnh cụ thể ở từng thời điểm, những nét đẹp sẽ được chăm chút, nhấn mạnh ở khía cạnh này hay khía cạnh khác.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, trong công cuộc đổi mới đất nước 30 năm qua, việc xây dựng gia đình no ấm - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc, thực hiện bình đẳng giới, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được coi là một tiêu chí mới của phụ nữ hiện đại. Ngày nay, phụ nữ không quản ngại khó khăn, tích cực học tập, lao động, làm giàu trí tuệ. Với bản chất cần cù, khéo léo, nhiều chị em đã vượt lên chính mình, có nhiều đóng góp quan trọng trên mọi lĩnh vực. Nhiều tấm gương sáng của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới, như: PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, người đã nghiên cứu, sản xuất thành công sơn chống thấm Kova, được trao tặng giải thưởng Kovalevskaya, giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ. Công trình của chị đã thiết thực giải quyết những nhu cầu của xã hội.

GS.TS Nguyễn Thị Lang, Trưởng phòng Công nghệ sinh học, Đại học An Giang và Đại học Cửu Long, GS bộ môn Di truyền và chọn giống cây trồng, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, được UNESCO vinh danh. Chị Nguyễn Thị Lang được tặng danh hiệu cao quý vì những đóng góp trong hơn 25 năm nghiên cứu, lai tạo và phát triển các giống lúa cho Việt Nam và áp dụng thành công các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống và thương mại.

Còn phải kể đến “Hành tinh mang tên phụ nữ Việt” nói về Giáo sư Lưu Lệ Hằng người nhận được giải thưởng vật lý thiên văn Kavli tại Oslo, Quốc vương Na Uy trao tặng vào tháng 9-2012. Giải thưởng này được xem như giải Nobel thiên văn học với tiền thưởng 1 triệu USD. Khám phá của bà đã làm hoàn toàn thay đổi quan niệm của các nhà khoa học về khái niệm hành tinh là gì?

Chúng ta ghi nhận nhiều nhà khoa học, doanh nhân đã nỗ lực không ngừng để xây dựng và phát triển đất nước. Và không biết bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam hy sinh thầm lặng, để chồng, con đạt được những thành công trong sự nghiệp.

Thời nay đã có sự thay đổi trong phân công lao động theo giới trong gia đình, ngoài xã hội, nhiều chị em có những đóng góp quan trọng, vừa tham gia lao động, nghiên cứu, giảng dạy, làm lãnh đạo, quản lý như nam giới, vừa là lao động chính, người nội trợ trong gia đình.

Tuy nhiên, nhiều chị em thường nói phụ nữ làm lãnh đạo, quản lý, làm công tác khoa học thường vất vả gấp hai lần so với nam giới. Họ gặp những khó khăn khi phải thực hiện hài hòa giữa công việc trong gia đình và ngoài xã hội, như: Khó khăn về quỹ thời gian và sức khỏe; khó khăn trước những định kiến của các thành viên trong gia đình, sự gia trưởng của người chồng; khó khăn trước việc phấn đấu, sáng tạo trong công việc để cống hiến cho xã hội và hạnh phúc gia đình... Để làm tròn nhiệm vụ được giao, người phụ nữ phải vượt qua nhiều khó khăn, áp lực. Trong khi đó xã hội và gia đình đều đòi hỏi và đặt yêu cầu cao đối với họ. Và để khẳng định mình, người phụ nữ đã luôn phải cố gắng học hỏi, phấn đấu vượt lên chính mình.

Mỗi giai đoạn lịch sử, đòi hỏi người phụ nữ những yêu cầu, những tiêu chí khác nhau. Trong mỗi gia đình, quan hệ cha mẹ, vợ chồng cũng bình đẳng, thân ái hơn. Khi trưởng thành người phụ nữ được lựa chọn, tự do phát triển theo khả năng, sở trường của mình để đóng góp cho gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tư tưởng trọng nam, mà xem nhẹ nữ, thậm chí có những vụ bạo hành nặng nề đối với vợ về thể xác, tinh thần. Trong khi đó, các mẹ, các chị vừa phải lo làm việc để mưu sinh, vừa phải chu toàn việc nhà. Cho nên không thể đòi hỏi quá nhiều ở họ - vừa đảm việc nước vừa giỏi việc nhà. Nên chăng có tiêu chí mới phù hợp với người phụ nữ hôm nay: kết hợp hài hòa giữa công việc ngoài xã hội và chia sẻ công việc với chồng, con trong gia đình để chị em được cống hiến hết mình cho sự nghiệp và sống trong niềm vui, hạnh phúc gia đình.

Thu Hòa