Nên tái lập quỹ hỗ trợ đào tạo nghề dự phòng cho lao động

09:03 | 23/10/2017

1,179 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước thực trạng lao động ở độ tuổi 35-40 bị sa thải, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tái lập quỹ hỗ trợ đào tạo nghề dự phòng cho lao động, đặc biệt là lao động nữ là phù hợp tại thời điểm hiện nay.  

Trách nhiệm doanh nghiệp

Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) đã tiến hành khảo sát về tình trạng lao động chấm dứt hợp đồng tại 64 doanh nghiệp (DN). Kết quả cho thấy, có nhiều lao động chỉ làm việc tại DN 6-7 năm rồi nghỉ. Độ tuổi của các lao động tại thời điểm nghỉ việc thường từ 31-32 và rất ít người làm đến 35 tuổi. Đối tượng này chủ yếu là người lao động trực tiếp tại các DN sử dụng nhiều lao động, chủ yếu làm gia công, không yêu cầu cao về trình độ kỹ thuật, có thể nhanh chóng đào tạo.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc, với lý do chính là cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ vì không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Điều này cho thấy, việc sa thải lao động độ tuổi ngoài 35, trong đó phần lớn là nữ, đang là một vấn đề đáng báo động cho thị trường lao động hiện nay. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ dẫn đến mất ổn định trong hệ thống an sinh xã hội.

nen tai lap quy ho tro dao tao nghe du phong cho lao dong
Tình trạng sa thải lao động tại các doanh nghiệp rất đáng báo động (ảnh minh họa)

Trước thực tế này, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Mai Đức Chính cho rằng, nên nghiên cứu việc tái lập quỹ dạy nghề dự phòng cho lao động. Cùng với đó, cần có quy định DN phải trích lập một khoản kinh phí nhất định từ lợi nhuận để đào tạo nghề cho lao động nữ nghỉ việc vì lý do không sử dụng tiếp người lao động. Điều này dựa trên đặc điểm về giới tính của lao động nữ.

Nhiều nghề nghiệp không cho phép sử dụng lao động nữ hoặc lao động nữ không có khả năng làm việc một cách liên tục. Vì vậy, trách nhiệm của các DN là phải đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ khi làm việc ở những nghề mà không thể đảm bảo liên tục cho đến khi họ nghỉ hưu. Nghề dự phòng tạo cơ hội về việc làm cho lao động nữ khi họ không thể tiếp tục làm việc cũ.

Hỗ trợ người lao động

Để hạn chế tình trạng sa thải lao động trung niên đang diễn ra ngày càng nhiều, ông Mai Đức Chính cho biết, tới đây, khi bàn về việc sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, chúng ta nên xem xét phục hồi lại Quỹ Hỗ trợ đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ. Điều này như một cách hỗ trợ cho người lao động khi bị DN “sa thải” có cơ hội học nghề để tìm việc mới.

Đánh giá về vấn đề này, PCS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) cho biết: “Đây là quy luật thay thế lao động cũ bằng lao động mới của giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sử dụng lao động chi phí giá rẻ, sung sức hơn. Đối tượng bị cho nghỉ việc ở tuổi 37-38 sẽ xuất hiện nhiều hơn tại các khu công nghiệp - khu chế xuất và sẽ là gánh nặng với thị trường lao động Việt Nam. Những người lao động tầm tuổi đó sẽ ở tình trạng bảo hiểm xã hội đóng ít, không có nhà ở, không có nghề, lương thấp không lo được cuộc sống”.

nen tai lap quy ho tro dao tao nghe du phong cho lao dong
PGS.TS Vũ Quang Thọ

Đánh giá về ý tưởng tái lập Quỹ Hỗ trợ đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn cho rằng, việc này là rất cần thiết. “Đây vừa là phương án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa thể hiện sự bình đẳng giới ở Việt Nam. Một chủ trương mà có thể đạt được nhiều mục tiêu, đó là đảm bảo cho lao động nữ thích ứng được với quá trình thay đổi công việc hiện nay và đặc biệt là thích ứng được với sự thay đổi công nghệ của các nhà máy, công ty” - PGS.TS Vũ Quang Thọ nói.

Phân tích thêm về vấn đề này, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn cho hay, trước đây trong Bộ luật Lao động năm 2007 có quy định duy trì quỹ hỗ trợ đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ, tuy nhiên, Bộ luật Lao động năm 2012 đã bỏ quy định này đi. Giờ chính là lúc cần thiết để tái lập Quỹ Hỗ trợ đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ, bởi vì tình hình việc làm hiện nay tương đối nhạy cảm, có thể nói là tương đối bấp bênh. Người lao động Việt Nam có trình độ thấp, năng suất không cao, khả năng thích ứng với công nghệ mới thì không nhanh nhạy. Do đó, cần phải có những chính sách hỗ trợ công nhân, lao động để họ có thể được đào tạo hoặc tự đào tạo nâng cao tay nghề. Và để hỗ trợ đào tạo thì cần phải có một quỹ như thế này để hỗ trợ người lao động.

Quỹ Hỗ trợ đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ sẽ giúp người lao động nữ bị sa thải ở tuổi 35-40 có thể tìm được việc làm, một nghề nghiệp mới được đào tạo hoặc bổ sung thêm kiến thức. “Nếu việc tái lập quỹ này được thông qua, đầu tiên cần phải có những quy chế cụ thể để quản lý quỹ. Thứ hai, cần phải có cơ chế cho vay để nhiều lao động có thể sử dụng. Thứ ba, cần phải có khẩu hiệu yêu cầu người lao động như “Tích lũy lao động, tích lũy tay nghề” để sau này khi đã có một công việc, nghề nghiệp mới thì họ có thể sống được và có khả năng trả được khoản vay từ quỹ. Bởi đây là quỹ cho vay chứ không phải lập ra để cho không, có vay phải có trả nên người lao động phải có nghĩa vụ học hành, bồi dưỡng, tích lũy kinh nghiệm” - PGS.TS Vũ Quang Thọ nói thêm.

Theo kết quả điều tra của Tổng LĐLĐ VN, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% công nhận lao động làm công việc tự do; 17,2% làm công việc buôn bán; 15,3% về nhà làm công việc nội trợ; 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, còn lại 12,1% làm công việc tự do...

Xuân Hinh - Chu Phượng