Mỹ liên tục nói về chiến tranh với Nga

07:00 | 19/09/2016

856 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong vài ngày qua, giới chức quân sự, chuyên gia và truyền thông Mỹ liên tục bàn về một cuộc chiến giả định với Nga. Nhìn chung những nhận xét đều đánh giá rằng quân đội Mỹ chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến với Nga vào lúc này hoặc sẽ thua nếu đối đầu với Nga.
tin nhap 20160918220704
Hệ thống chống tên lửa THAAD của Mỹ

Quân đội Mỹ đã sẵn sàng?

Tại phiên điều trần của những người đứng đầu một số binh chủng về mức sẵn sàng chiến đấu thấp của lực lượng vũ trang Mỹ ngày 16/9, Tư lệnh Lục quân Mỹ, tướng Mark Milli nói: “Cho đến hiện nay, ông vẫn nghĩ rằng, các cơ sở lực lượng dưới quyền của ông không đủ nguồn lực và kinh nghiệm để thực hiện chiến lược an ninh mà không vấp phải rủi ro quá cao”.

Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson tại phiên điều trần ở Thượng viện nói rằng, hạm đội cũng có những vấn đề tương tự như Lục quân.

Tham mưu trưởng lính thủy đánh bộ, Tướng David L.Goldfeyn đánh giá khả năng chiến đấu các lực lượng của ông một cách tương đối cân nhắc, nhưng về cơ bản cũng chung ý kiến với các đồng nghiệp. Ông giải thích rằng, quân đội Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng nếu giả sử họ chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khu vực quy mô lớn, trong khi đã đồng thời tham gia vào cuộc xung đột khác, và cùng lúc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hạt nhân và lãnh thổ. "Không nên đi theo đường hướng như vậy", tướng David L.Goldfeyn nói rõ.

Tại sao Mỹ sẽ thất bại trong cuộc chiến với Nga?

Ngày 17/9, tạp chí Forbes (Mỹ) dẫn lời các chiến lược gia của Quân đội Mỹ cho rằng, trong 5 năm tới nước này sẽ đối mặt với một đối thủ “ngang sức”. Định nghĩa này ngụ ý sự nâng cấp nhanh chóng của Quân đội Nga.

Theo Loren Thompson, tác giả bài viết trên Forbes, sự thất bại trong cuộc chiến này sẽ hoàn toàn thay đổi cân bằng địa chính trị ở châu Âu và thu hẹp đến mức tối thiểu ảnh hưởng của Mỹ kể từ khi nổ ra Chiến tranh thế giới II. Thất bại hiện là kết cục có khả năng nhất. Quân đội Mỹ đang trong thế vô cùng bị động. Họ chỉ có hai lữ đoàn cố định ở châu Âu. Nếu không được tăng cường, quân Nga sẽ thừa sức khóa họng kìm. Sau những cuộc chiến trong 15 năm qua với các đối thủ như Taliban, quân đội Mỹ đang thiếu trầm trọng nhiều phương tiện phòng không, tác chiến điện tử, vũ khí chính xác và cấp độ bảo vệ thiết bị thỏa đáng. Do vị trí địa lý của khu vực, Hải quân Mỹ sẽ bị loại khỏi các hoạt động chiến sự. Nga sở hữu căn cứ quân sự trên biển Baltic ở tỉnh Kaliningrad cũng như trên Biển Đen ở Sevastopol, do đó đưa hạm đội vào các vùng biển lân cận sẽ làm việc làm vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, Không quân Mỹ có nguy cơ bị vô hiệu hóa bởi các lực lượng Phòng không của Nga.

Các đồng minh trong khối NATO sẽ không giúp được gì. Thăm dò ý kiến ​​cho thấy người dân Tây Âu không có nguyện vọng bảo vệ các nước láng giềng phía đông nếu xảy ra chiến tranh. Lập trường của NATO sẽ ngày càng yếu đi do từ chối tấn công các căn cứ hoặc đơn vị quân đội trên lãnh thổ Nga. Nga có thể nhanh chóng giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Đông Âu nếu đối thủ của họ duy trì cấp độ Quân đội Mỹ hiện tại.

Bất chấp các vấn đề hậu cần được biết ở Nga, hầu như không gì có thể chặn đứng sự tiến công thần tốc của Moskva về phía Tây. Cách duy nhất để ngăn chặn một kịch bản như vậy là Mỹ đưa các đơn vị quân sự trở lại khu vực, đồng thời tổ chức thực hiện nhiệm vụ được đòi hỏi lâu nay là hiện đại hóa các lực lượng và phương tiện, nhà phân tích Thompson kết luận.

Kịch bản chống Nga của Mỹ?

Nguyệt san Le Monde Diplomatique (Pháp), số tháng 9/2016 có một bài viết đặc sắc về chiến lược tái vũ trang của Mỹ trước mối đe dọa đến từ Nga. Theo Michael Klare, giáo sư tại Hampshire College, Amherst (Massachusetts), tác giả bài viết, ba khối quân sự hàng đầu thế giới hiện nay đều đang phô trương cơ bắp: Trung Quốc với chính sách áp đặt sự đã rồi tại Biển Đông, Nga với động thái thôn tính Crimea và gây rối tại miền đông Ukraina, Mỹ và NATO với phản ứng triển khai các đơn vị chiến đấu gần biên giới Nga và thiết lập lá chắn chống tên lửa đạn đạo ở Đông Âu.

Theo Michael Klare, giới tướng lãnh, đô đốc và bộ trưởng quốc phòng Mỹ quan tâm không phải là những xung đột với cường độ thấp mà là những điều được họ gọi là “những cuộc chiến tranh mở rộng”, những xung đột trên quy mô lớn với các cường quốc hạt nhân như Nga và Trung Quốc. Các chiến lược gia phương Tây đang lên kế hoạch đối phó với một cú sốc mới kiểu này, tương tự như vào thời kỳ gay gắt nhất của cuộc Chiến Tranh Lạnh trước đây.

Đối với giáo sư Klare, chuyển biến về mặt tư duy đó, mà các phương tiện truyền thông không chú ý tới, đã kéo theo những hệ quả nặng nề, bắt đầu bằng tình hình căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây, hai bên gờm nhau để sẵn sàng đáp trả nếu bị đối phương tấn công.

Điều đáng lo ngại hơn, theo Le Monde Diplomatique, là nhiều lãnh đạo chính trị đang cho rằng vấn đề không còn là chiến tranh có thể bùng lên hay không nữa, mà là chiến tranh có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Cái nguy hiểm là trong lịch sử, chính suy nghĩ kiểu vừa kể đã dẫn đến những phản ứng quân sự, trong khi mà người ta hoàn toàn có thể dùng đến một giải pháp ngoại giao.

Theo giáo sư Klare, tâm lý hiếu chiến chung đó được thấy qua các báo cáo hay nhận định của các quan chức quân sự phương Tây cấp cao tại các cuộc họp và hội nghị khác nhau mà họ tham gia.

Một báo cáo tóm tắt các quan điểm được trao đổi tại cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Chiến lược Mỹ INSS tổ chức vào năm 2015 ghi rõ: “Trong nhiều năm qua, đối với cả Bruxelles lẫn Washington, Nga không còn là một ưu tiên trong các chương trình quốc phòng. Nhưng trong tương lai, tình hình sẽ không như thế nữa”.

Sau vụ Nga can thiệp vào Crimea và miền đông Ukraina, “nhiều chuyên gia đã cho rằng tình hình xấu đi đến mức chiến tranh có thể bùng lên (...). Đó là lý do tại sao [họ] xét thấy cần thiết phải tập trung sự quan tâm vào khả năng nổ ra xung đột với Moskva”.

Theo giáo sư Klare, các chiến lược gia Mỹ và NATO đã dự trù khả năng chiến tranh bùng lên ở sườn phía đông châu Âu, bao phủ Ba Lan và các nước Baltic, dùng đến các loại vũ khí quy ước công nghệ cao. Chiến sự cũng có thể lan qua vùng bán đảo Scandinavia, và khu vực quanh Hắc Hải, và kéo theo việc dùng đến vũ khí hạt nhân.

Nếu trước đây, kịch bản này chỉ được nghiền ngẫm trong các học viện quân sự và trung tâm tham vấn chiến lược, thì giờ đây, nó đã có dấu hiệu được tiến hành, với quyết định của Mỹ phân bổ lại các khoản chi phí quốc phòng, quan tâm nhiều hơn đến “sự cạnh tranh giữa các đại cường”, và khả năng đáp trả “một kẻ thù có tầm cỡ” như Nga và Trung Quốc.

Các quyết định tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2016 vừa qua, ít hôm trước loan báo của Luân Đôn về dự án hiện đại hóa các tên lửa hạt nhân Trident phóng đi từ tàu ngầm, đã cho thấy là kịch bản chiến tranh với Nga không còn là lý thuyết nữa.

Nh.Thạch

tổng hợp