Mỹ cấm mang thiết bị điện tử trên các chuyến bay từ 8 nước Trung Đông

16:12 | 23/03/2017

1,241 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Washington vừa ra lệnh cấm 9 hãng hàng không bay đến Mỹ cho hành khách mang các thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại di động lên khoang máy bay. Lo ngại nguy cơ khủng bố là lý do được đưa ra nhưng bên cạnh đó cuộc chiến thương mại giữa các hãng hàng không Mỹ và vùng Vịnh cũng đóng vai trò không nhỏ trong lệnh cấm này.
my cam mang thiet bi dien tu tren cac chuyen bay tu 8 nuoc trung dong

Hôm 21/3, nhằm đề phòng nguy cơ khủng bố, các nhà chức trách Mỹ đã ra thông báo cấm mang các loại máy tính xách tay và máy tính bảng lên khoang máy bay đối với 9 hãng hàng không bay từ Trung Đông đến Mỹ, gồm: Jordan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xê út, Kuwait, Qatar, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Ma-rốc.

Hãng hàng không như Emirates hay Turkish Airlines chuyên cung cấp những chuyến bay trực tiếp từ Dubai hoặc Istanbul đến Mỹ trong 96 giờ bay (4 ngày) vào sáng ngày 21/3 đã chặn những hành khách mang theo thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại di động. Tất cả thiết bị (máy tính xách tay, máy tính bảng, máy chơi game, thiết bị đọc sách điện tử (e-reader), đầu DVD, máy ảnh...) phải được ký gửi trong khoang hành lý theo quy định mới của quan chức Mỹ.

Vài giờ sau đó, Anh cũng "bắt chước" Mỹ cấm máy tính xách tay và máy tính bảng trên khoang máy bay của 14 hãng hàng không từ 5 nước Arập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo người phát ngôn của chính phủ Anh, nữ Thủ tướng Theresa May đã chủ trì nhiều cuộc họp để đưa đến những biện pháp an ninh hàng không trên tất cả chuyến bay trực tiếp đến Vương quốc Anh, đối với các nước sau: Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Liban, Jordan, Ai Cập, Tunisia và Arập Xê út.

Về phần Pháp, phát ngôn viên của Tổng cục Hàng không dân dụng (DGAC) cho biết các nhà chức trách đang nghiên cứu nguy cơ có thể xảy ra từ các thiết bị điện tử trên khoang máy bay nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định.

Theo một quan chức Mỹ, Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly "quyết định tăng cường thủ tục an toàn cho hành khách bay trực tiếp từ một số sân bay đến Mỹ".

Những biện pháp này là một phần trong bối cảnh tăng cường kiểm soát biên giới và rộng hơn là trong chính sách nhập cư từ khi ông Donald Trump nhậm chức. Vị tổng thống đến từ Đảng Cộng hòa này đang cố gắng áp đặt một lệnh cấm nhập cảnh tạm thời tại Mỹ đối với công dân của 6 quốc gia Hồi giáo, cũng như với tất cả người di cư. Lệnh cấm này nằm trong một sắc lệnh di cư nhưng đã 2 lần bị các thẩm phán liên bang chặn lại.

Vài giờ sau khi nhận được thông báo từ phía Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm cho Turkish Airlines. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nước này cho biết lệnh cấm sẽ gây ảnh hưởng đến số lượng hành khách và tạo ra tâm lý không thoải mái cho họ.

Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết lệnh cấm các thiết bị trên khoang bay của một số hãng là do liên quan đến lực lượng Al-Qaeda ở bán đảo Arập (AQAP). Tổ chức khủng bố AQAP đã có nhiều vụ đánh bom bất thành nhằm vào các hãng hàng không phục vụ giao thông đến các nước phương Tây.

Tranh chấp thương mại giữa các hãng hàng không Mỹ với các nước vùng Vịnh cũng được đề cập đến. Hãng Qatar Airways và hãng hàng không quốc gia Etihad (tại Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất) đang nằm trong tầm ngắm vì họ chiếm 50% chuyến bay bị hạn chế đến Mỹ. Lúc bấy giờ, các hãng hàng không Mỹ cáo buộc các hãng bay vừa nêu trên đã nhận trợ cấp bất hợp pháp từ chính phủ của nước họ. Và các hãng Delta, American và United của Mỹ đang tích cực vận động hành lang kêu gọi chính phủ giúp họ trả đũa.

Chính quyền Washington đảm bảo thông báo hạn chế không liên quan đến vụ việc này. Tuy nhiên, người ta có thể đặt ra câu hỏi về hiệu quả của biện pháp này, trong khi những thiết bị điện tử đặt dưới khoang hành lý cũng có thể ẩn chứa nguy cơ.

Dù thế nào đi nữa, biện pháp này có thể gây ra tác động đáng kể cho hoạt động của các hãng bay trong vùng Vịnh, bởi vì mô hình kinh tế của họ dựa trên việc tổ chức trung tâm hoạt động thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Lệnh cấm sẽ làm cho du khách bị mắc kẹt tại đây và chuyển sang lựa chọn những hãng bay không bị cấm.

Th.Long