Mất an ninh trật tự bệnh viện: Tại cả đôi bên

07:00 | 16/04/2017

1,132 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian qua, tình hình an ninh bệnh viện trở nên nghiêm trọng với việc hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, thậm chí dùng dao đâm chết bác sĩ hoặc bệnh nhân đang cấp cứu… Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện bảo vệ nhân viên y tế” để tìm ra giải pháp cho vấn đề vốn đang gây bức xúc cho các bác sĩ, nhân viên ngành y này. 

Hành hung không tha ai

21h ngày 28-8-2016, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, bệnh nhân tên Duy, 43 tuổi, được chuyển từ Bệnh viện Thới Lai lên cấp cứu trong tình trạng ngáo đá, đứt động mạch do dùng dao cắt cổ tay để tự tử. Trong lúc các bác sĩ đang cấp cứu, bệnh nhân này bất ngờ nhảy xuống giường, giật lấy kéo từ xe tiêm thuốc đe dọa bác sĩ, truy đuổi kíp trực. Nhiều bác sĩ đã phải chạy lòng vòng và trốn vào một nhà vệ sinh của Khoa Cấp cứu tại bệnh viện. Sự việc gây náo loạn làm những người có mặt hoảng sợ. Các bác sĩ phải gọi điện thoại báo cho lực lượng công an phường, Cảnh sát 113 đến hỗ trợ, phối hợp cùng bảo vệ để khống chế Duy.

Tương tự, khoảng 5h ngày 25-7-2015, nhân viên y tế ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cũng đã bị người nhà bệnh nhân hành hung, trong đó có một nữ điều dưỡng đang mang thai tháng thứ 7. Sự việc diễn ra khi bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Mỹ 32 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội được đưa vào cấp cứu. Kíp trực, gồm bác sĩ Ngô Đức Hùng, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu, điều dưỡng viên Lê Diệp Anh và sinh viên thực tập Lê Thế Anh tiếp nhận. Ngay khi bệnh nhân nhập viện, các y, bác sĩ xét nghiệm, chẩn đoán tình trạng sức khỏe thì thấy, bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Mỹ bị rối loạn tiêu hóa.

Sau khi bác sĩ tiếp nhận, tiêm thuốc và chờ kết quả để đưa ra biện pháp điều trị thì một đối tượng tự xưng người nhà bệnh nhân, tên là Nguyễn Tiến Dũng, 36 tuổi, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội có những lời lẽ lăng mạ các bác sĩ. Nghiêm trọng hơn, người đàn ông này sau đó xông vào giường bệnh đánh điều dưỡng viên khiến người này ngất tại chỗ. Nữ điều dưỡng bị tấn công là Lê Diệp Anh đang mang thai tháng thứ 7.

Đáng buồn hơn là tại Bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình một bác sĩ đã bị người nhà bệnh nhân đâm chết chỉ vì cho rằng, họ đã cấp cứu chậm trễ, còn một bác sĩ khác bị trọng thương, may mắn qua khỏi.

mat an ninh trat tu benh vien tai ca doi ben
Một vụ hành hung bác sĩ

Thiếu phối hợp các bên

Các vụ việc mất an ninh trật tự tại bệnh viện ngày càng nhiều và vụ sau thường nghiêm trọng hơn vụ trước. Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%), điều dưỡng (15%). Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh, 60% còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh…

Bên cạnh việc bác sĩ bị hành hung, bệnh viện bị gây rối an ninh trật tự, theo Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền thì còn có tình trạng trộm cắp, “cò môi giới” khám bệnh… cũng làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 1-2016 đến tháng 3-2017, lực lượng bảo vệ bệnh viện đã phát hiện và bắt quả tang 23 vụ phạm pháp hình sự, chuyển 23 đối tượng cho Công an phường Phương Mai, quận Đống Đa giải quyết. Cùng đó, bệnh viện cũng đã đuổi nhiều đối tượng có biểu hiện trộm cắp hoặc trộm chưa thành; bắt 35 đối tượng lang thang chuyển công an phường xử lý; bắt 12 vụ nhặt rác thải y tế, bắt 4 vụ cò môi giới khám bệnh (đa phần là nhân viên các phòng khám bên ngoài bệnh viện).

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh thẳng thắn thừa nhận, xuất phát từ cả hai phía y tế và người bệnh, hoặc gia đình bệnh nhân không tìm được “tiếng nói chung”. Ông nói: “Từ phía cơ sở y tế, thầy thuốc, nhân viên y tế còn có những lúc tinh thần, thái độ chưa chuẩn mực, thậm chí gây nên bức xúc cho người bệnh và gia đình dẫn đến vụ việc đáng tiếc. Trong khi đó, gia đình người bệnh chưa thông cảm với quy trình khám chữa bệnh, cấp cứu của cơ sở y tế, nên vụ việc thường xảy ra ở khu vực khám cấp cứu trong tâm lý người bệnh, người nhà đều nóng nảy, sốt ruột”.

TS Lương Ngọc Khuê cũng khẳng định, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất an ninh trật tự bệnh viện chính là thiếu sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo bệnh viện. Minh chứng là các biện pháp bảo đảm an ninh nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Thiếu tập huấn nâng cao kinh nghiệm cho cán bộ y tế nói chung và nhân viên bảo vệ về các tình huống dễ dẫn tới xung đột. Chưa đề cao công tác tuyển dụng, huấn luyện và kiểm tra thường xuyên đối với nhân viên bảo vệ.

Phân tích thêm về vấn đề này, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho rằng, hiện nay chỉ có các bệnh viện lớn mới có sự phối hợp giữa công an sở tại với bệnh viện trong việc cắt cử cán bộ tham gia bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện, còn lại chủ yếu thuê lực lượng bảo vệ của các công ty tư nhân. Đồng thời tại một số bệnh viện, nhất là bệnh viện cấp cơ sở, trang thiết bị về an ninh bảo vệ rất hạn chế, thiếu thốn. Chưa kể, việc kiểm soát người ra vào lơ là, không có camera theo dõi, không đeo thẻ ra vào… làm cho các đối tượng phạm tội dễ dàng lợi dụng.

Nguyên nhân sâu xa hơn nữa mà các đại biểu tham dự Hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện bảo vệ nhân viên y tế” đề cập đến chính là pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế. Nên điều này làm cho đối tượng muốn hành hung nhân viên y tế dễ dàng thực hiện.

Trách nhiệm chính là của bệnh viện

Để giải quyết vấn đề an ninh trật tự bệnh viện, theo Đại tá Phạm Văn Tám, trước hết cần khẳng định, công tác đảm bảo an ninh phải thuộc trách nhiệm của Ban Giám đốc bệnh viện, sau đó mới đến lực lượng công an và chính quyền cơ sở. Vì vậy, cần hoàn thiện cơ sở vật chất đảm bảo an ninh bệnh viện, như lắp đặt camera an ninh ở nhiều điểm trong viện, từ khoa, phòng, đường đi, lối lại… để giúp xử lý nhanh các hành vi gây rối, mất an ninh, trật tự; công khai quy trình khám chữa bệnh điều trị, dán thông tin cảnh báo cho bệnh nhân, người nhà, dán ảnh cò mồi tại các cổng bệnh viện. Lựa chọn đội ngũ bảo vệ có tính chuyên nghiệp, cần tập huấn việc xử lý các tình huống, bởi đây là lực lượng xử trí đầu tiên trước khi có sự góp mặt của lực lượng công an; lực lượng công an cơ sở cập nhật thông tin an ninh, đối tượng cò mồi, thủ đoạn phạm tội cho bệnh viện…

Đại diện Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt chỉ thị về việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và công an, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh. Xây dựng tiêu chuẩn về bảo đảm cơ sở hạ tầng bệnh viện để phòng ngừa mất an toàn trật tự bệnh viện. Đặc biệt, sẽ bổ sung Luật Nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ…

Ngoài các giải pháp cho vấn đề an ninh trật tự bệnh viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: “Các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng dịch vụ với phương châm: Càng tôn trọng người bệnh và gia đình người bệnh bao nhiêu sẽ nhận lại sự tôn trọng bấy nhiêu”.

Nguyễn Anh