Lỗ hổng trách nhiệm với sách liên kết

09:04 | 04/06/2017

742 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
270 triệu đồng là số tiền mà các đơn vị xuất bản và phát hành cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” bị xử phạt bởi những sai phạm nghiêm trọng trong quy trình liên kết xuất bản tác phẩm này. Đây là cuốn sách bị xử phạt nhiều nhất, nhưng lại không phải ấn phẩm liên kết đầu tiên bị “dính án” do lỗ hổng kiểm duyệt giữa các đơn vị xuất bản và đơn vị phát hành. Vụ việc một lần nữa chỉ ra lỗ hổng kiểm duyệt - vốn đã lỏng lẻo - trong việc thực hiện chính sách liên kết giữa đơn vị tư nhân và nhà xuất bản, khiến sách “rác” vẫn tràn ngập thị trường.

Sai sót đến mức phản động

Vừa qua, giới xuất bản xôn xao trước quyết định đình chỉ rồi xử phạt các sai phạm trong xuất bản của cuốn “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng do Nhà xuất bản (NXB) Dân Trí liên kết Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng xuất bản. “Miếng ngon Hà Nội” là cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Vũ Bằng, ra đời từ những năm 60 thế kỷ trước và đã qua nhiều lần tái bản. Tuy nhiên, đến bản do NXB Dân Trí cấp giấy phép cho Công ty Văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng thực hiện đã để xảy ra sai sót nghiêm trọng.

Cụ thể, Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng đã làm sai lệch nội dung xuất bản phẩm liên kết “Miếng ngon Hà Nội” so với bản thảo được Giám đốc NXB Dân Trí ký duyệt. Lỗi vi phạm thứ hai là phát hành xuất bản phẩm liên kết “Miếng ngon Hà Nội” khi chưa có quyết định phát hành của Giám đốc NXB Dân Trí. Lỗi vi phạm thứ ba cũng là lỗi nặng nhất - thay đổi để nội dung trở thành phản động ở cuối trang 210 và đầu trang 211. Cụ thể, trong trang 210 của cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội”, đoạn văn nguyên gốc trong bản thảo được duyệt khi in sách đã bị chỉnh sửa, thay đổi nội dung với mục đích xấu về chính trị.

Với những sai phạm trên, ngày 26-5, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa đã ký 3 quyết định xử phạt ba bên gồm NXB Dân Trí, Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng và doanh nghiệp tư nhân in Hà Phát, với tổng số tiền 270 triệu đồng và các hình thức đi kèm.

lo hong trach nhiem voi sach lien ket

Cục trưởng Chu Văn Hòa khẳng định: “Nội dung trong bản “Miếng ngon Hà Nội” do các đơn vị nêu trên phát hành hoàn toàn sai lệch so với bản gốc tác phẩm. Đây là sai phạm vô cùng nghiêm trọng về chính trị. NXB và đơn vị liên kết sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, vì đã vi phạm nghiêm trọng Điều 10 Luật Xuất bản. Sai phạm lần này cảnh báo cho việc chúng ta lâu nay xem trọng hình thức liên kết xuất bản để huy động nguồn lực. Tuy nhiên, cơ chế quản lý cần phải điều chỉnh và nhận được sự ủng hộ của các ngành, các cấp hơn nữa. Tôi cho rằng, các đơn vị xuất bản nên xem đây là bài học: Đối với sách tái bản nhiều lần, nếu mất cảnh giác dễ rơi vào lỗi vi phạm nghiêm trọng”.

Câu chuyện cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” bị xử phạt lại một lần nữa dấy lên vấn đề nhức nhối về những vi phạm trong liên kết xuất bản. Nhiều năm trở lại đây, đã có không ít các cuốn sách sai phạm về cả nội dung, câu chữ… tràn ngập trên thị trường, gây bức xúc cho dư luận mà không gặp vướng mắc gì ở khâu kiểm duyệt. Trong số sách vi phạm, phần lớn rơi vào sách liên kết xuất bản giữa các NXB và các công ty sách, nhà sách tư nhân.

Bên cạnh đó, dù liên đới chịu trách nhiệm, nhưng trên thực tế, việc xử phạt trong các trường hợp sách bị vi phạm lâu nay hầu như chỉ dồn vào NXB, còn đơn vị liên kết khó bị quy kết trách nhiệm. Thậm chí nếu bị rút giấy phép công ty này thì họ lại lập công ty khác. Thế nhưng, trong sự việc của “Miếng ngon Hà Nội”, NXB Dân Trí không đọc duyệt sách nộp lưu chiểu và không giám sát thực thi bản thảo. Tuy nhiên, cả hai lỗi này của NXB Dân Trí đều không có chế tài và khung pháp lý xử phạt, hình phạt đơn giản là nhắc nhở kiểm điểm các cá nhân liên quan. Vì thế, trong vụ này, sai ở khâu nào, tại sao để lọt, NXB Dân Trí và đối tác liên kết là Công ty Văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng vẫn đang đổ trách nhiệm cho nhau.

Bao giờ mới rõ trách nhiệm?

Hoạt động liên kết xuất bản giữa các NXB và các đơn vị phát hành không mới, mà đã tồn tại hàng chục năm nay và đã góp phần giúp ngành xuất bản có sự phát triển đa dạng, tạo nên thị trường sách sôi động, phát triển văn hóa đọc, nâng cao chất lượng sống của người Việt những năm gần đây.

Hiện cả nước có 64 NXB, nhưng số lượng các NXB có tiềm năng, uy tín không nhiều, còn phần lớn các NXB đều gặp khó khăn, hoạt động gần như cầm chừng, phải liên kết với các đơn vị phát hành để thu lệ phí xuất bản khoảng 2 triệu/cuốn. Hiện có 80-90% số đầu sách mỗi năm là sách liên kết.

Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, quy trình của việc liên kết (đã được Nhà nước cho phép) như sau: Nhà sách nộp bản thảo cho NXB duyệt, nếu thấy sách không có vấn đề gì vi phạm thì NXB phải biên tập, ký duyệt rồi cấp giấy phép để bên liên kết đưa đi in.

Bên liên kết có trách nhiệm in nguyên văn bản thảo đã được duyệt. Sau đó phải nộp lưu chiểu cho Cục Xuất bản, trong vòng 10 ngày Cục sẽ có ý kiến. Nếu được Cục chấp thuận thì NXB sẽ cấp giấy phép phát hành cho bên liên kết, khi ấy sách mới được phát hành.

Quy trình là vậy, nhưng khi thực hiện vẫn có những “lỗ hổng” trong quá trình xuất bản, kiểm duyệt, dẫn đến thực trạng tồn tại số lượng lớn “sách rác” trên thị trường. Những vi phạm của “sách rác” chủ yếu gồm có in nối bản, thiếu trang, cắt xén nội dung, vi phạm bản quyền, “luộc” những cuốn sách kém chất lượng... Đặc biệt những sai phạm xuất bản sách có nội dung xấu; mê tín dị đoan; bôi nhọ lịch sử; cổ súy lối sống tiêu cực, đi ngược lại thuần phong, mỹ tục, tác động xấu đến người đọc.

Hiện nay, hoạt động liên kết chủ yếu chỉ xoay quanh việc NXB kinh doanh giấy phép như là một nguồn thu chính, các công việc còn lại đều do phía các đơn vị liên kết lo như mua bản quyền, dịch, hiệu đính, biên tập, chế bản, trình bày, in ấn, phát hành...

Bên cạnh đó, năm 2016 có hơn 30.000 đầu sách được xuất bản của 64 NXB trên cả nước, như vậy, trung bình mỗi NXB phải chịu trách nhiệm gần 400 đầu sách, trong khi nhân sự của mỗi NXB chỉ có khoảng 20 biên tập viên. Vì thế, có thực trạng là các NXB đang cố tình giảm bớt, đơn giản hóa các khâu kiểm duyệt, không tuân thủ đúng quy trình biên tập đọc và duyệt bản thảo, duyệt phát hành… Thậm chí, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa nêu thực tế: “Đang có hiện tượng biên tập viên bị lấy tên để đề vào các sách liên kết”.

Có thể nói, việc liên kết xuất bản là cần thiết và nếu phát huy mặt mạnh, chấn chỉnh mặt tiêu cực, sẽ mang lại lợi ích lớn cho xã hội. Luật Xuất bản cho phép các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và nguồn lực tham gia liên kết xuất bản. Ðiều quan trọng là phải quản lý, định hướng hoạt động như thế nào cho hiệu quả, vì thế, muốn giữ mình khỏi bị vi phạm, thì NXB cần cẩn trọng vô cùng khi thực hiện liên kết xuất bản.

K.An