Kiểm nghiệm thế này thì giết doanh nghiệp

07:40 | 01/06/2016

1,987 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn một tháng đã trôi qua kể từ khi lô hàng 2,2 tấn xúc xích của Công ty TNHH Hùng Anh Viet Foods bị Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội tạm giữ do nghi chứa sodium nitrade (tiền chất gây ung thư), trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang đôi co về việc Viet Foods có vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hay không thì công ty này đã thiệt hại hơn 6 tỉ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.  

“Ông chẳng bà chuộc”

Ngày 21-4-2016, do có nghi vấn về chất lượng 2,2 tấn xúc xích Viet Foods được bảo quản tại kho đông lạnh của Công ty TNHH Thương mại thực phẩm Hùng Anh (tại 140C ngõ 351 Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Chi cục QLTT Hà Nội đã tạm giữ toàn bộ số hàng trên, lấy mẫu 4 loại xúc xích gồm: Xúc xích Chua cay Thái, xông khói, xúc xích Đức và xúc xích Franks further mang đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia.

Bốn mẫu mang đi kiểm nghiệm đều được giữ nguyên tem niêm phong, mỗi mẫu lấy hai gói. Kết quả, cả 4 mẫu xúc xích trên đều chứa chất sodium nitrate 251(E251).

Những thông tin trên lập tức được các trang điện tử đăng tải thành 100% sản phẩm của Viet Foods chứa chất gây ung thư khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, sợ hãi bởi trên thị trường hiện nay ngoài Viet Foods còn rất nhiều loại xúc xích của các công ty khác như Hạ Long, Vissan cũng vẫn đang “đàng hoàng” ghi trên bao bì là thành phần có chứa chất E249, E251, các chất này vẫn được gọi dân dã là muối diêm.

Trong lĩnh vực thực phẩm, muối diêm được dùng để bảo quản và chế biến thịt, nó có tác dụng tạo màu cho thịt, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của clostridium botulinum, một loại vi khuẩn gây ngộ độc thịt.

Khi đó, ông Lê Đức Thanh, Đội phó Đội QLTT số 14 (đơn vị phát hiện và thu giữ lô hàng) viện dẫn Thông tư số 27/2012/TT-BYT, ngày 30-11-2012 của Bộ Y tế có hiệu lực từ năm 2013, chất sodium nitrate không được sử dụng trong thực phẩm (duy nhất chỉ được dùng trong pho mát tươi).

Khi chất sodium nitrate có trong xúc xích ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra một hoạt chất khác có nguy cơ gây hại. Từ kết luận này, Chi cục QLTT Hà Nội lập văn bản xử phạt đối với cơ sở Viet Foods.

kiem nghiem the nay thi giet doanh nghiep

Ngay lập tức, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế lên tiếng cho rằng QLTT Hà Nội do không chịu đọc kỹ các văn bản, quy định của pháp luật nên đã hiểu sai lệch vấn đề và khẳng định chất E251 không phải là chất cấm. Hiện nay, chất E251 được nhiều nước trên thế giới cho phép sử dụng trong sản xuất xúc xích.

Khoản 2, Điều 8 Thông tư 19/2012/TT-BYT của Bộ Y tế cũng nêu rõ, nếu như các chất phụ gia thực phẩm không có trong Danh mục Việt Nam cho phép, nhưng được quốc tế cho sử dụng mà ta chưa kịp cập nhật thì Bộ Y tế sẽ xem xét. Lẽ ra, khi nghi ngờ có vi phạm QLTT Hà Nội phải xác định sai sót đó nằm ở quy định hay cơ sở pháp lý nào, chứ không thể kết luận ngay là sản phẩm của họ chứa chất cấm gây ung thư.

Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm khẳng định, E251 được sử dụng trong xúc xích để bảo đảm màu tươi đỏ, đồng thời có chức năng bảo quản lâu hơn cho sản phẩm này. Danh mục của Bộ Y tế vẫn cho phép sử dụng E251 trong bảo quản thực phẩm. Bản thân E251 không phải là chất được liệt vào trong các chất gây ung thư.

Tuy nhiên, E251 rất dễ chuyển sang nitrit độc hại. Khi chế biến ở nhiệt độ cao như rán, nướng, sản phẩm chứa chất E251 được chuyển hóa vào cơ thể thì có thể bị biến đổi chất, tạo ra nitrosamine, một chất đặc biệt nguy hiểm có thể gây thương tổn ADN và tăng sự thoái hóa tế bào, gây bệnh ung thư.

“Được vạ thì má đã sưng”

Câu chuyện “cây chổi thần” vừa mới xảy ra khiến nông dân xã Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa điêu đứng còn đang nóng hôi hổi thì nay lại đến chuyện của Viet Foods. Còn nhớ cách đây khoảng gần chục năm, Công ty Trung Thành (chuyên về các sản phẩm dưa, cà, mắm, ớt...) cũng liêu xiêu và đứng bên bờ vực phá sản vì các báo đồng loạt đưa tin: Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định sản phẩm của doanh nghiệp này chứa chất 3-MCPD có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng.

Lúc đó Tổng giám đốc của Công ty Trung Thành song song với việc vác đơn tới “kêu cứu” các cơ quan chức năng như Sở Y tế Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm (lúc đó là Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế), còn phải tới từng cơ quan truyền thông để giải trình về việc mình bị oan và rằng sản phẩm của Trung Thành không chứa chất 3-MCPD. Chỉ khi Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Trần Đáng khi đó đứng ra chính thức trả lời báo chí về việc sản phẩm của Trung Thành không có 3-MCPD thì những đợt “sóng thần” mới dừng lại trước khi nhấn chìm doanh nghiệp Trung Thành.

Song, khi đó có nhiều tin đồn rằng sở dĩ Trung Thành bị điêu đứng là do đối thủ cạnh tranh “chơi bẩn” và được cơ quan quản lý Nhà nước “tiếp tay”. Có lẽ để tránh sau này cũng bị rơi vào tin đồn thất thiệt nên lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội đã sớm khẳng định rằng, QLTT Hà Nội bắt giữ lô sản phẩm xúc xích của Viet Foods hoàn toàn không phải theo “đặt hàng” của doanh nghiệp đối thủ.

Trong khi Chi cục QLTT Hà Nội vẫn khăng khăng làm đúng luật và tuyên bố tiếp tục tạm giữ lô hàng của Viet Foods, đợi trả lời chính thức của Bộ Y tế thì Cục An toàn thực phẩm, cơ quan quản lý Nhà nước được giao nhiệm vụ bảo đảm thực phẩm an toàn lại chẳng làm gì được để “giải cứu” cho doanh nghiệp.

Tại buổi họp liên ngành giữa Cục An toàn thực phẩm, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Viện KSND TP Hà Nội tuần qua thì các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa thống nhất được kết luận cuối cùng là sản phẩm xúc xích của Viet Foods có an toàn cho người sử dụng không, có bị ung thư không?

Lý giải cho việc chậm trễ trong việc xử lý lô hàng của doanh nghiệp, Chi cục QLTT Hà Nội khẳng định phải chờ Bộ Y tế làm rõ danh mục chất bảo quản sodium nitrade cũng như các chất khác liên quan đến sản phẩm của Viet Foods mới có cơ sở xử lý.

Đương nhiên theo nguyên tắc thì khi chưa nhận được văn bản của Chi cục QLTT Hà Nội tham vấn về vấn đề chất bảo quản sodium nitrade có được phép sử dụng hay không, có an toàn hay không, thì Bộ Y tế không thể chủ động có văn bản trả lời (hoặc hướng dẫn hướng xử lý). Và hệ quả tất yếu là hàng tấn thực phẩm của doanh nghiệp vẫn cứ phải nằm lưu kho.

Cuối cùng thì mãi đến chiều 23-5, tức là hơn 1 tháng  bị thu giữ, sau cuộc họp hội đồng chuyên môn của Cục An toàn thực, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, hội đồng đã thống nhất kết luận với hàm lượng sodium nitrate tìm thấy trong xúc xích Viet Foods khoảng 55mg/kg là hoàn toàn an toàn. Do đó, lô hàng bị thu giữ cần sớm được giải tỏa cho doanh nghiệp.

Đến đây thì ông Lưu Minh Sang, ông chủ của Viet Foods đã có thể thở phào nhẹ nhõm, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là những thiệt hại và hệ lụy qua sự việc mà Viet Foods đã phải gánh chịu thì không biết ai sẽ là người đền bù và chịu trách nhiệm?

Thêm một điều đáng nói là thời gian gần đây các cơ quan truyền thông liên tục làm cho người tiêu dùng và doanh nghiệp “dựng tóc gáy” về thông tin chỗ này sản xuất thực phẩm bẩn, chỗ kia kinh doanh đồ ăn có chất phụ gia gây ung thư... Thông tin đúng, chính xác là sự cảnh báo tốt nhất đến cộng đồng, giúp đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Song, khi sự việc chưa kiểm chứng đã đưa tin vội vã, dồn dập mà không quan tâm đến sự tồn vong của doanh nghiệp, của người sản xuất thì quả là đáng trách. Chẳng phải đã có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, thậm chí là phá sản bởi những thông tin thất thiệt đó sao?

 

Phong Trần

Năng lượng Mới 527