Không thể cứ trông chờ “tòa án lương tâm”!

18:30 | 26/06/2015

1,492 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc nữ sinh ở Đồng Nai tự tử vì bị bạn trai tung clip sex đang khiến dư luận sục sôi. Đây không phải là vụ chết người đầu tiên khi chế tài xử lý với những người vi phạm thì lại “nhẹ hều”. Có một thủ phạm “giấu mặt” ít người nhắc đến chính là “cư dân mạng” “anh hùng bàn phím”. Những nút like, share, comment vô ý thức đôi khi trở thành công cụ giết người. Vụ việc này như giọt nước tràn ly, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đưa ra các chế tài mạnh mẽ để xử lý những kẻ “giết người không dao”.

Năng lượng Mới số 434

Vì… không yêu nữa

Theo thông tin từ cơ quan chức năng cung cấp, khoảng 16 giờ 30 ngày 17-6, nữ sinh N.T.A.T (quê ở Cẩm Mỹ - Đồng Nai) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử tại nhà riêng vì phát hiện bạn trai mình là Phạm Đình Lộc (SN 1994, cùng quê) đã phát tán clip sex giữa T và Lộc lên mạng xã hội.

Không thể trông chờ “tòa án lương tâm”!

Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội

Trước đó, Lộc và T quen rồi yêu nhau được gần một năm. Nhưng sau đó T muốn chia tay người yêu vì nghe lời khuyên của ba mẹ là tập trung vào học. Trưa ngày 17-6, Lộc đến nhà T để nói chuyện. Vì Lộc không đồng ý chia tay nên cả hai phát sinh mâu thuẫn. Sau khi Lộc về khoảng vài tiếng thì T phát hiện clip quan hệ nhạy cảm của hai người bị tung lên mạng xã hội. Quá sốc và suy sụp trước sự việc, chiều cùng ngày, T đã quyết định uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Trao đổi với truyền thông, đại diện cơ quan chức năng cho biết: “Ngay sau khi biết tin T uống thuốc diệt cỏ tự tử, Công an xã Xuân Tây và xã Xuân Đông đã phối hợp tạm giữ đối tượng Phạm Đình Lộc và báo cáo lên Công an huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi cũng phối hợp với Công an huyện lập biên bản xác minh vụ việc”.

Về phần nữ sinh N.T.A.T, tuy được gia đình phát hiện và đưa đi Bệnh viện Suối Cát (Đồng Nai) cấp cứu. Sau đó, nữ sinh cũng được chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị nhưng do chất độc đã ngấm quá sâu vào cơ thể nên đến ngày 20-6, nữ sinh này đã không qua khỏi. Được biết, nữ sinh N.T.A.T vừa thi xong kỳ thi lên lớp 10 được vài ngày và đang chờ kết quả thì xảy ra sự việc đau lòng này.

Lộc bị khép tội gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về trường hợp của nữ sinh N.T.A.T, Luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói: Qua thông tin có thể thấy rằng, Phạm Tuấn Lộc là người đã thành niên và giao cấu với nữ sinh khi nữ sinh này chưa tròn 16 tuổi.

Không thể trông chờ “tòa án lương tâm”!

 Nữ sinh N.T.A.T cùng bạn trai Phạm Xuân Lộc

Do vậy, hành vi này của Phạm Tấn Lộc có dấu hiệu của “Tội giao cấu với trẻ em” được quy định tại Điều 115 Bộ luật Hình sự. Theo quy định của điều luật này thì: “1. Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Sai phạm tiếp theo của Lộc là hành vi tung những clip quay cảnh nhạy cảm với bạn gái lên trang mạng xã hội để trả thù. Hành vi này của Lộc đã xâm phạm danh dự và nhân phẩm của công dân. Khi thực hiện hành vi tung clip có nội dung như vậy lên mạng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới danh dự và nhân phẩm của T, nhưng Lộc vẫn thực hiện và đã gây ra hậu quả hết sức đau lòng.

Hành vi tung clip sex lên mạng xã hội nhằm trả thù bạn gái đã có dấu hiệu của “Tội làm nhục người khác” được quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự, theo đó: “1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người…”.

Như vậy, kể cả với mức án nặng nhất thì Phạm Tuấn Lộc chỉ phải đối diện với mức án khoảng 10 năm tù.

Ai mới là người có tội?

Tin nữ sinh T tự tử khiến nhiều người bàng hoàng. Sau cái chết của T, cộng đồng mạng tiếc thương cho cô gái còn quá trẻ này. Thế nhưng, trước khi sự việc đau lòng này xảy ra thì cô gái cũng là tâm điểm chỉ trích của không ít những “anh hùng bàn phím”.

Ở thời điểm xuất hiện, clip này bị chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên khắp các trang mạng xã hội cùng những lời mạt sát nặng nề. Họ đâu biết rằng, cô bé bị xúc phạm ấy đang phải đổi diện với tử thần, khi không chịu được những áp lực, dè bỉu từ dư luận!

T không phải là nạn nhân đầu tiên của cộng đồng mạng. Trước đây, đã từng có nhiều người rơi vào bế tắc khi đột nhiên bị công kích vô lối trên mạng xã hội. Từng có nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội uống thuốc diệt cỏ tự vẫn vì bị bạn học chế ảnh “nóng”, rồi bêu xấu trên trang cá nhân.

 Một nữ sinh khác tại Đà Nẵng cũng tự tử ngay trước kỳ thi tốt nghiệp vì bị nhục mạ trên trang facebook “Bộ mặt thật của các hot teen Đà Thành” bằng những thông tin bịa đặt và lời lẽ tục tĩu. Cô nữ sinh này may mắn hơn T khi cô được cứu sống. Còn T thì sao? Những tội danh mà Lộc có thể phải chịu, cũng chẳng thể đổi lại mạng sống cho T.

Không thể trông chờ “tòa án lương tâm”!

Những người có hành vi chia sẻ clip đồi trụy, phá hoại thuần phong mỹ tục, làm nhục người khác đã vi phạm Điều 5.1.b, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Những trường hợp này theo tùy từng mức độ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định hiện hành, nghĩa là không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sau chuỗi sự việc liên tiếp diễn ra, chắc hẳn không ít người sẽ nói: giá như. Nhưng tất cả đã quá muộn.

Một chi tiết nữa cũng khiến nhiều người phải suy ngẫm là, sau khi tung clip lên mạng, Phạm Tuấn Lộc đã gỡ và khóa trang cá nhân của mình lại. Thế nhưng, rất nhiều người đã nhanh tay tải clip này và phát tán trên các trang mạng khác, chỉ với mục đích rẻ tiền là… thu hút lượng xem. Hiện tại, pháp luật cũng đã quy định về những hành vi phát tán clip làm ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, dường như những  quy định này vẫn chưa đủ sức răn đe.

Vấn đề đặt ra là, đã có rất nhiều sự vụ tương tự, tại sao không hề có sự cảnh tỉnh? Về điều này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) lý giải: Cùng với sự phát triển nở rộ của mạng xã hội thì nhu cầu khẳng định và thể hiện bản thân trước cộng đồng càng lớn. Điều đó khiến nhiều người tự cho mình cái quyền phán xét mà không cần suy nghĩ, thậm chí còn có tâm lý kiểu tát nước theo mưa, cùng nhau vùi dập người khác không thương tiếc. Quyền phán xét là của mỗi người, thế nhưng nếu nhìn nhận vấn đề bằng sự công tâm và lòng nhân ái thì sẽ không xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên.

Huyền Anh