Khán giả bật khóc khi xem vở 'Nước mắt không chảy ngược'

09:24 | 28/09/2016

887 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chạm đến vấn đề muôn thuở là chữ “Hiếu” trong gia đình, thế nhưng cách chuyển tải thông điệp trong vở kịch mới của Nhà hát Cải lương có tên “Nước mắt không chảy ngược” đã khiến người xem phải bật khóc…!

Trong buổi tổng duyệt vở diễn mới có tên “Nước mắt không chảy ngược” của Nhà hát Cải lương vào tối qua (27/9), rạp Đại Nam chật kín người xem, rất nhiều khán giả đã phải khóc với thông điệp mà vở diễn chạm đến.

Vẫn là cốt chuyện cũ, vẫn là vấn đề muôn thuở là đề cập đến chữ Hiếu thế nhưng phải công nhận rằng “Nước mắt không chảy ngược” đã chạm tới trái tim của bất kỳ ai khi xem vở diễn này.

Người ta thường nhắn nhủ với nhau rằng, những ai còn mẹ cha nên trân quý những phút giây được sống bên đấng sinh thành. Nhưng sống với người mẹ già vì tháng năm tuổi tác nên bệnh tật, nhớ nhớ, quên quên. Nhớ những chuyện xưa thật là xưa, quên những yêu cầu con van lạy mẹ nhớ. Để rồi mẹ vô tình trở thành tác nhân đem đến nhiều phiền toái cho con cái.

khan gia bat khoc khi xem vo nuoc mat khong chay nguoc
Chuyện kể về cuộc đời người mẹ nhặt rác nuôi ba con khôn lớn

Đó là câu chuyện đầy bi kịch mà “Nước mắt không chảy ngược” đưa đến trong gia đình của ba anh em Minh – Hiếu – Mẫn. Mỗi anh em họ một tính cách, dẫn tới việc đối xử với mẹ già khác nhau... Từ những áp lực cuộc sống, sự ích kỷ trong bản ngã của mỗi con người mà họ đã vô tình đưa mẹ già vào những dằn vặt tội lỗi.

Nhà viết kịch Vương Huyền Cơ đã rất khéo léo khi đưa đến những nút thắt trong “Nước mắt không chảy ngược”.

khan gia bat khoc khi xem vo nuoc mat khong chay nguoc
Nhưng lại gặp phải bi kịch khi con cái đạt đến đỉnh cao của danh vọng
khan gia bat khoc khi xem vo nuoc mat khong chay nguoc
Dằn vặt của người mẹ

Cái hay của vở kịch ở chỗ đưa những chi tiết rất thường nhật của cuộc sống hiện đại hôm nay, khi mà những đứa con vì quá bận rộn bon chen nơi thành thị mà quên đi nơi quê nhà luôn có mẹ già ngóng đợi.

Những bi kịch được đẩy đến đỉnh cao khi mẹ già trở nên lạc lõng với thời cuộc, không biết được con cái mình đang cần gì, theo đuổi điều gì… Mẹ càng cố gắng để tốt cho con, thì càng lấn sâu vào bi kịch, để rồi vô tình trở thành “tội đồ” khi tước đi cơ hội phát triển của con cái mình.

khan gia bat khoc khi xem vo nuoc mat khong chay nguoc
Đi tìm mẹ ở bệnh viện nhưng Minh và Mẫn lại không nhớ nổi tên chính xác tên thật của mẹ mình

Đau đớn nào hơn khi người mẹ nhặt rác đã một đời lam lũ vì con thế nhưng khi con đạt đến đỉnh cao sự nghiệp thì vì danh vọng lại chối bỏ quá khứ. Vì danh vọng mà làm tổn thương chính người đã sinh thành, cưu mang và nuôi dưỡng mình.

Tất cả những tình tiết ấy được chuyển tải nhẹ nhàng, không giáo điều mà cứ thế đi vào lòng người xem. Có một phần bi kịch được đẩy lên ở chỗ, khi các con đã nhận ra rằng mình sai thì người mẹ đã đi xa mãi.

khan gia bat khoc khi xem vo nuoc mat khong chay nguoc
Khi nhận ra lỗi lầm thì mẹ đã đi xa mãi

Cái kết ấy đem đến sự tiếc nuối, nỗi xót xa, cay đắng, tuy phũ phàng nhưng khiến người xem phải thức tỉnh. Và chỉ riêng thông điệp “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc” đã là thành công lớn của “Nước mắt không chảy ngược”.

“Nước mắt không chảy ngược” của tác giả Vương Huyền Cơ được chuyển thể cải lương bởi NSƯT Triệu Trung Kiên, do đạo diễn NSƯT Trần Quang Hùng, Nhà hát Cải lương thực hiện. Được biết, sau buổi tổng duyệt này vở kịch sẽ được đưa vào phục vụ công chúng tại Rạp Chuông Vàng, Hà Nội.

Huyền Anh