Nhà viết kịch Ngọc Thụ: “Kịch Việt Nam cởi mở và sáng tạo”

07:00 | 12/12/2018

250 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhân dịp Nhà viết kịch Ngọc Thụ có tiểu luận nhan đề “Tuồng Việt Nam với mối tương quan nghệ thuật Trung Quốc” tham gia trong Hội thảo về “Kịch hát Việt Nam – Trung Quốc” diễn ra ngày 12/12/2018 tại Hà Nội, tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị với ông về vấn đề này.
nha viet kich ngoc thu kich viet nam coi mo va sang taoKhán giả bật khóc khi xem vở 'Nước mắt không chảy ngược'
nha viet kich ngoc thu kich viet nam coi mo va sang taoHoan nghênh một sự sửa sai

PV: Ông có thể cho biết nội dung tham luận của mình đề cập tới những nét chủ yếu nào hay không?

Nhà viết kịch Ngọc Thụ: Câu chuyện tôi đưa ra là tuồng Việt Nam có xuất xứ từ kịch hát sân khấu Trung Quốc, tuy nhiên, đã được sáng tạo kỳ diệu để trở thành một loại hình kịch hát đặc thù của Việt Nam nhiều thế kỷ qua. Vào năm 1287, một hàng binh người Trung Quốc là Lý Nguyên Cát, đã truyền cho người Việt Nam lối hát tuồng. Từ đó, người Việt bắt đầu hát tuồng, song song với việc sáng tạo, nâng nó lên thành một bộ môn nghệ thuật sân khấu hấp dẫn, đặc biệt, đậm phong cách văn hóa Việt Nam.

Ví dụ, Trung Quốc sử dụng tuồng tích, diễn liên hồi kỳ trận tới cả 10 đêm, như Chinh Đông, Chinh Tây, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng, Chúc Anh Đài. Việt Nam tiếp thu những tích này rất nhanh, nhưng lại biến tấu theo kiểu của mình, và diễn tại những sự kiện khác, phù hợp lề lối sinh hoạt Việt Nam, ví dụ diễn trong Lễ cầu ngư, bà con đến xem rất đông. Thậm chí chúng ta còn có những sáng tạo đột phá, làm nên nét đặc sắc mà ngay cả kịch hát Trung Quốc không có. Ví dụ như cụ Đào Tấn viết cả cảnh đỡ đẻ trên sân khấu thành công, tạo nên một kỳ tích, một hiện tượng sân khấu độc đáo nhất, mẫu mực nhất, được gọi là “hộ sinh đàn”.

PV: Vậy giới nghệ sỹ và sáng tác Trung Quốc có thái độ ra sao khi chúng ta mượn một số tích tuồng của họ và biến tấu thành của ta một cách sáng tạo?

Nhà viết kịch Ngọc Thụ: Khi diễn ở sân khấu Việt Nam, các tích tuồng đã được viết lại, đã được Việt Nam hóa đi nhiều để phù hợp với lối tư duy, văn hóa Việt, có như thế mới hấp dẫn khán giả Việt Nam. Thậm chí có nhân vật trong truyện của Trung Quốc là phản diện thì khi chuyển sang tác phẩm của Việt Nam lại được xây dựng thành nhân vật anh hùng. Ngay như những sáng tạo mẫu mực cỡ “hộ sinh đàn” của Việt Nam cũng khiến giới nghệ sĩ Trung Quốc cũng phải bái phục. Đó là những sáng tạo nghệ thuật sân khấu riêng biệt của Việt Nam.

nha viet kich ngoc thu kich viet nam coi mo va sang tao

PV: Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, chắc chắn người Trung Quốc sẽ mang những sản phẩm văn hóa nghệ thuật của họ sang ta. Vậy ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Quốc tới nghệ thuật Việt Nam thể hiện qua loại hình sân khấu như thế nào, thưa ông?

Nhà viết kịch Ngọc Thụ: Thời Hai Bà Trưng, người Trung Quốc mang tuồng tích sang diễn, nhưng không áp cái nguyên bản của họ lên sân khấu chúng ta được. Cá tính, đặc điểm, phong cách sân khấu Việt Nam vẫn nổi trội và trường tồn qua lịch sử. Thậm chí, ta có môn sân khấu chèo, rất hay mà họ không học được. Còn tích tuồng của họ, như trên đã khẳng định, ta chỉ dựa trên câu chuyện và đã sáng tạo thành công để trở thành tác phẩm nghệ thuật sân khấu của chúng ta. Cái tuyệt vời nhất là ở chỗ, khi Tô Định dùng chức môi quan để khuyến khích binh lính Trung Quốc lấy vợ người Việt, sinh con đẻ cái, pha trộn dòng máu, nhưng bao đời sau, thì văn hóa Việt vẫn phát triển mạnh mẽ, không thể đồng hóa. Mà khi đã mang văn hóa Việt Nam, thì đó là con người Việt Nam hoàn toàn.

Dân Việt Nam cởi mở, nhưng rất sáng tạo. Kịch hát của Trung Quốc họ phân định thể loại kinh kịch, hý khúc, việt kịch, quang du kịch, hý kịch… Khi ta du nhập về thì gọi chung là ca kịch sân khấu. Thậm chí đến năm 1926, chúng ta trộn cả yếu tố phương Tây vào kịch hát, kịch nói, và bắt đầu có những vở diễn tích phương Tây như Romeo và Juliette. Sân khấu Việt Nam càng trở nên phong phú hơn.

PV: Vậy mục đích chính của cuộc Hội thảo này là gì, thưa ông?

Nhà viết kịch Ngọc Thụ: Khi giới sân khấu chúng tôi bàn trong Hội thảo về sự xâm nhập văn hóa, là muốn cả bên Việt Nam và Trung Quốc đều hiểu rõ tác động của nó, rút kinh nghiệm từ những kết quả từ thời cha ông. Đó là sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau của các nền văn hóa, sự tác động qua lại của các nền nghệ thuật, đem đến những sáng tạo, những tác phẩm nhiều sắc màu, và hấp dẫn, phục vụ đông đảo nhân dân.

Nhìn lại trong lịch sử nước ta, có những vị vua rất thông thái, đã dùng chức ưu quan để phong cho những tác giả, kịch sĩ thời bấy giờ, để trông coi, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam thông qua ca kịch. Có thể kể ra những cái tên từng giữ chức ưu quan như cụ bà Phạm Thị Trâm, tiếp theo là các cụ Lương Thế Vinh, Đào Tấn, Đào Duy Từ… Rõ ràng, triều đình cũng nhận thấy rằng, phải là tầng lớp trí thức thì mới viết được tuồng tích, do đó, cũng có những quan tâm nhất định để phát triển các danh nhân văn hóa.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị.

Kiều Bích Hậu (Thực hiện)

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...