Hoan hô quận 1!

22:36 | 05/03/2017

316 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là tiếng hoan hô của đồng bào cả nước. Sau 40 ngày lập lại kỷ cương, trật tự đô thị ở TP Hồ Chí Minh, bức tranh lòng đường, vỉa hè nơi đây đã dần sáng đẹp.

Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải đã có nhiều câu nói ấn tượng. Nhưng người dân thích nhất là câu: “Muốn cho quận 1 trở thành Singapore thu nhỏ thì phải bắt đầu từ việc lập lại trật tự vỉa hè” và: “Không giải phóng được vỉa hè thì tôi xin rũ áo từ quan!”.

Người dân hoan hô vì rằng, lập lại trật tự đô thị có cả núi công việc. Nhưng cần phải “điểm huyệt” cho trúng. Và quận này đã chọn vỉa hè. Hàng cây xanh và những viên gạch lát vô cùng gần gũi, gắn liền với đời sống người dân. Nhưng trong nhiều năm vỉa hè ở nhiều đô thị, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh dần bị biến dạng. Khi hầu hết các ngôi nhà mặt phố trở thành cửa hàng, cửa hiệu thì vỉa hè bỗng đâu thành “chợ”, thành nơi gửi xe máy, quán bán phở, nước chè chén, nơi bày sẵn quân cờ mời gọi kỳ thủ phá thế... Nghĩa là nó gần như một thứ chợ cóc, nay dẹp, mai lại mọc. Chỉ khổ mấy anh công an phường, mấy anh trật tự băng đỏ trễ cánh tay, tay cầm loa pin khản giọng gào thét. Trật tự tạm thời được lặp lại, nhưng chỉ một lúc sau lại như nước tràn bờ.

hoan ho quan 1
1.001 kiểu lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội đang cần các cơ quan chức năng xử lý

Chính quyền phường, quận có biết không? Biết cả, nhưng không sao “làm sạch” được. Bấy lâu ta thường nói lợi ích nhóm, tưởng như chỉ ở những vấn đề to tát, những bè cánh làm ăn lớn. Nhưng xin thưa, lợi ích nhóm ngay ở vỉa hè đấy thôi. Người kinh doanh vỉa hè, dẫu chỉ chén nước, điếu thuốc, lọ kẹo cao su nhưng cũng phải lo tìm người người che chắn, phải đóng “lệ phí”. Cho nên dẹp loạn vỉa hè là dẹp luôn cả cái nhóm lợi ích ở đó.

Quận 1 ra quân từ trước tết. Chọn đúng vào thời điểm đó đòi hỏi phải quyết tâm lắm, chịu nhiều áp lực lắm. Biết bao nhiêu ý kiến can gián, thôi hẵng lùi để sau tết, để cho người nghèo kiếm mấy đồng. Chính quyền cơ sở thì khỏi phải động chân động tay, lại được tiếng “thương dân”. Nhưng chủ trương đã quyết rồi, không thể lùi, lùi được lần này thì sau tết vẫn không làm được. Thế là quyết làm. Không ngán gì, đụng đến sở, đến thành phố, đến Trung ương cũng cứ phải làm. Khi đụng đến bức tường cạnh trụ sở Bộ Công Thương có người ngần ngại, hay là lùi để xin ý kiến. Khi đập vào mắt mấy cái xe biển xanh 80B cũng có người bàn: thôi, tránh voi chả xấu mặt nào. Rồi chủ quán này là cháu cụ M ở bộ, chủ cơ sở kia là con dâu ông bí thư tỉnh H... Ông Phó chủ tịch Hải cùng anh chị em quyết không chùn bước. Thế rồi đập tường, cẩu xe. Choáng nhất là khi hàng rào bằng xích của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cản trở vỉa hè cũng bị lần lượt tháo dỡ!

Cũng có vài ý kiến gay gắt thật, nhưng các đồng chí lãnh đạo thành phố ủng hộ, nhân dân ủng hộ. Xe phục vụ lãnh đạo càng phải nêu gương, đỗ đúng nơi quy định. Và lần này không phải làn sóng lấn chiếm vỉa hè, mà là làn sóng làm sạch vỉa hè. Nhiều nơi bao năm nay người dân đã quen đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị chiếm quá lâu, nay một đêm ngủ dậy thấy vỉa hè thông thoáng cứ ngỡ như mơ vậy. Nhưng cũng có chút băn khoăn: Liệu duy trì hiện trạng này được bao lâu?

Ai đó nói muốn an toàn, giữ mình thì chớ nên là người đầu tiên ra khỏi hầm trú ẩn. Trong chiến tranh, người đầu tiên lao ra khỏi hầm thường dễ bị rủi ro, dính mảnh bom, chất độc hóa học... Còn trong lúc yên hàn, tình trạng “thụt đầu trong áo” diễn ra không hiếm. Dại gì mua dây buộc mình; dại gì “nhảy vào lửa”; dại gì cầm đá ghè mắt cá chân... Bệnh vô cảm mọc mầm từ đây, từ căn bệnh thâm căn cố đế “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo, nói như rồng leo, làm như mèo mửa là những thói tật kéo dài qua nhiều năm vẫn không được khắc phục một phần là do thiếu những người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Từ câu chuyện vỉa hè, gợi ý nhiều điều hệ trọng trong xây dựng chính quyền, quản lý đô thị, đào tạo, sử dụng cán bộ, v.v...

Sau những ngày chiến dịch mệt mà vui, làn sóng ấy đã lan từ quận 1, sang quận 3, quận Phú Nhuận... Từ điểm đã lan sang diện. Đương nhiên mỗi nơi lại có cách riêng của mình phù hợp với tình hình, đặc điểm khu phố. Và từ nơi này, người dân đặt câu hỏi, TP Hồ Chí Minh làm được, Hà Nội đang triển khai còn các thành phố khác thì sao?

Lại hỏi: Bài học nào từ quận 1?

Sẽ còn quá sớm để nói chuyện này. Vì đến hiện tại quận 1 vẫn đang tiếp tục “điểm huyệt” vào những gì cũ kỹ, trì trệ. Bản thân những người trong cuộc nhận được nhiều lời hoan nghênh, nhưng không phải không có sự phản ứng, bôi nhọ, thậm chí đe dọa. Trên mạng xã hội có những thông tin thất thiệt về những người lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công việc này. Nhưng theo ý kiến ông Đoàn Ngọc Hải, mình làm vô tư vì lợi ích chung, đem lại vẻ đẹp cho thành phố, được người dân ủng hộ thì không ai có thể dựng chuyện, xuyên tạc được. Chỉ sợ nhất là làm nửa vời, dao động. Chỉ sợ những vị nói toàn những điều to tát mà không bắt đầu vào một việc cụ thể, không dấn thân tới cùng. Phải lục tìm cái mới trong cái bình thường, cái lớn lao trong cái giản dị. Và nhất là phải làm ngay, không do dự, xu thời, “dò đá qua sông”.

Tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là như vậy: Làm kiên trì, quyết liệt, dứt điểm từng việc, người đứng đầu nêu gương, chớ suốt ngày ngồi bàn giấy bấm điện thoại. Dân tin người đại diện bắt đầu từ những việc thiết thân như thế.

Hải Đường