Hà Nội "nóng" chuyện tuyển sinh lớp 10

09:39 | 24/04/2018

813 lượt xem
|
Năm học 2018-2019 và 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã đưa ra những quy định bổ sung mới trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Nhiều cha mẹ và học sinh tỏ ra lo lắng trước phương thức tuyển sinh áp dụng bài thi tổ hợp.  

Căng thẳng hơn thi đại học

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, so với năm học 2017-2018, số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 trên toàn thành phố năm học 2018-2019 sẽ tăng thêm khoảng hơn 22.000 học sinh. Điều này khiến kỳ thi vào lớp 10 vốn được coi là căng hơn thi đại học (ĐH), nay sẽ càng căng thẳng hơn vì tỷ lệ “chọi” dự báo sẽ tăng cao.

Để có thể duy trì tỷ lệ khoảng 60-70% học sinh tốt nghiệp THCS được vào lớp 10 THPT công lập, Hà Nội đã xây mới một số trường, cải tạo phòng học, đồng thời tăng sĩ số lên kịch trần là 45 học sinh/lớp. Năm nay, dự kiến Hà Nội sẽ có thêm khoảng 327 lớp.

ha noi nong chuyen tuyen sinh lop 10
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Mặc dù số học sinh tăng nhưng thành phố vẫn đảm bảo khoảng 60% số học sinh được tuyển vào các trường THPT công lập.

Nhằm giảm tải cho các trường THPT công lập, hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều trường THPT ngoài công lập chất lượng tốt. Đồng thời, có thể tùy theo sức học, học sinh nên tham khảo thêm điểm chuẩn những năm gần đây của các trường để lựa chọn trường phù hợp.

Bên cạnh đó, phương thức tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2018-2019 tiếp tục giữ ổn định. Năm học 2018-2019, Hà Nội chính thức triển khai thí điểm chương trình đào tạo quốc tế học chương trình THCS Quốc gia Việt Nam và chương trình giáo dục nhận chứng chỉ trung học quốc tế IGCSE tại 7 trường THCS: Chu Văn An (quận Tây Hồ), Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và lớp 6 THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Đồng thời, một số trường THCS đặc thù của Hà Nội được phép tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức đánh giá năng lực học sinh thay vì xét tuyển như thời gian qua.

Đảm bảo dạy và học thực chất

Tại buổi giao lưu trực tuyến về tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội được tổ chức vào ngày 17-4, nhiều cha mẹ và học sinh băn khoăn về vấn đề thay đổi điểm cộng nghề, điểm ưu tiên và việc áp dụng bài thi tổ hợp dành cho lớp 10 từ năm học 2019-2020.

Về việc bỏ cộng điểm thi nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc dạy nghề phổ thông là một trong những nội dung giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, nhằm trang bị cho học sinh kiến thức về một số ngành nghề phổ biến trong xã hội; đồng thời cũng để học sinh nhận thức được sở trường, hứng thú của bản thân, từ đó chủ động lựa chọn được hướng đi của mình, góp phần thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS và sau THPT. Việc bỏ cộng điểm khuyến khích đối với điểm thi nghề phổ thông sẽ giúp cho học sinh lựa chọn nghề để học theo đúng hứng thú của bản thân chứ không vì động cơ nào khác. Khi đó, việc học nghề phổ thông của học sinh sẽ bảo đảm thực chất.

Để có thể duy trì tỷ lệ khoảng 60-70% học sinh tốt nghiệp THCS được vào lớp 10 THPT công lập, Hà Nội đã xây mới một số trường, cải tạo phòng học, đồng thời tăng sĩ số lên kịch trần là 45 học sinh/lớp.

Về hình thức bài thi tổ hợp để tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội từ năm học 2019-2020, thông tin chính thức từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Học sinh thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên sẽ dự thi 3 bài, gồm 2 bài độc lập là Toán, Ngữ văn và bài tổ hợp. Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho hay, việc thực hiện bài thi tổ hợp chưa phải là thay đổi về nội dung kiến thức, mà chỉ là thay đổi về hình thức bài thi, nên học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức theo yêu cầu của chương trình thì sẽ làm tốt các bài thi này.

Bày tỏ quan điềm về sự đổi mới trong tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội, TS Trần Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng (Hà Nội), cho rằng: Đây là cách thức thi rất khoa học, cho thấy sự đột phá của ngành giáo dục. Ở các tổ hợp, có hai môn chủ lực là Toán và Văn, còn hai môn kia vẫn nhẹ nhàng để các em không học tủ, học lệch. Cách đánh giá bằng hình thức trắc nghiệm khách quan của các môn thi còn lại trong tổ hợp hoàn toàn không gây nặng nề cho các em khi làm bài thi. Nếu Sở GD&ĐT Hà Nội công bố đề thi minh họa sẽ giải tỏa được sức ép tâm lý cho học sinh.

TS Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT nhằm khắc phục những hạn chế trong quá trình dạy và học và cũng xuất phát từ mong muốn học sinh Hà Nội có sự cập nhật kiến thức, học đều, nắm chắc tất cả các môn.

Lý do chọn đan xen các môn tự nhiên và xã hội ở hai tổ hợp là bởi việc thi tuyển vào lớp 10 THPT không có các trường theo phân ban, đồng thời học sinh THCS vẫn đang học theo yêu cầu toàn diện. Do đó, cần có sự đan xen giữa các môn trong tổ hợp để giúp các em có sự khách quan trong quá trình thi.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank