Nhiệt điện than:

Giải pháp chủ đạo đảm bảo an ninh năng lượng

20:35 | 11/05/2017

3,394 lượt xem
|
Trong bối cảnh năng lượng tái tạo (NLTT) có chi phí, giá thành cao, tiềm năng thủy điện khai thác đáng kể, nguồn khí đang cạn kiệt thì việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than là giải pháp chủ đạo đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn.

Vai trò quan trọng trong cơ cấu điện

Theo các chuyên gia, vai trò sản xuất của nhiệt điện than được đánh giá là rất quan trọng hiện chiếm khoảng hơn 30% trong cơ cấu điện. Hơn nữa, sau thủy điện thì nhiệt điện than cho giá thành điện thấp nhất (7cent/kWh), vốn đầu tư cũng thấp hơn, đồng thời khả năng huy động công suất lớn (6.500-7.500 giờ/năm) nên sản lượng điện phát ra lớn, không lệ thuộc vào địa điểm đặt nhà máy và thời gian xây dựng.

Dự báo trong giai đoạn tới, nhu cầu điện ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao. Theo Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt thì tốc độ tăng trưởng trong các giai đoạn 2016-2020; 2021-2025; 2025-2030 tương ứng với 10,6; 8,5 và 7,5%. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trên thì Quy hoạch điện VII đặt ra các mục tiêu tổng công suất hệ thống điện đến năm 2020 đạt trên 63.000MW (trong đó nhiệt điện than là 26.000MW, chiếm 29,4%); 2025 đạt trên 87.000MW (nhiệt điện than là 47.600MW, chiếm 55%); 2030 đạt 120.000MW (nhiệt điện than là 55.300MW, chiếm 53,2%).

Như vậy có thể thấy Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã giảm bớt nguồn nhiệt điện than và tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, song nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện, là giải pháp chủ đạo đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn.

giai phap chu dao dam bao an ninh nang luong

Là 1 trong 3 trụ cột an ninh năng lượng cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang vận hành 7 dự án điện, trong đó có 6 dự án nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt 1.730MW. Với nhiệm vụ được giao, những năm gần đây ngành than đã tích cực đầu tư, phát triển sản xuất, trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 40 triệu tấn than thương phẩm (riêng TKV chiếm 85% ), đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện nói riêng và phục vụ nền kinh tế nói chung.

Thách thức không nhỏ

Để chủ động sẵn sàng tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu trong những năm tới, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mỏ mới và mở rộng sản xuất. Từ giai đoạn 2017-2030 sản lượng than thương phẩm theo quy hoạch phát triển ngành than đã phê duyệt điều chỉnh (Quy hoạch 403) tăng mạnh từ 41-57 triệu tấn, sản lượng than nguyên khai sẽ từ 67,2-87,4 triệu tấn. Đặc biệt là vấn đề ưu tiên đảm bảo nguồn cung cấp ổn định, lâu dài với số lượng lớn than cho sản xuất điện. Kết quả cân đối cung cầu than trong nước cho thấy, tương lai tới đây than sản xuất không đáp ứng nhu cầu trong nước nói chung và sản xuất điện nói riêng, phải nhập khẩu với khối lượng lớn. Dự kiến 2017: 11,7 triệu tấn (nhiệt điện 4,3 triệu tấn); 2020: 40,3 triệu tấn (nhiệt điện 25,1 triệu tấn); 2025: 70,3 triệu tấn (nhiệt điện 57,6 triệu tấn); 2030: 102 triệu tấn (nhiệt điện 86,7 triệu tấn). Những vấn đề nêu trên cũng là thách thức không nhỏ của TKV trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát thị trường của TKV, hiện các nước có khả năng xuất khẩu than cho Việt Nam gồm Australia, Indonesia, Nam Phi và Nga mỗi thị trường đều có ưu, nhược điểm khác nhau. Với khối lượng dự báo theo quy hoạch, việc nhập khẩu để đảm bảo sản xuất điện và các ngành kinh tế khác ổn định trong thời gian tới là rất khó khăn, cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam trong tương lai.

Để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới cần phải xây dựng chiến lược khai thác, sử dụng than sản xuất trong nước. Ngoài ra có chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ thị trường trong ngắn và dài hạn, chính sách phát triển năng lượng bền vững thiết thực, hiệu quả cao. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, học hỏi kinh nghiệm trên thế giới, tạo các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới mới, cải tiến công nghệ để tiết kiệm năng lượng cũng như bảo vệ môi trường…

Nguyễn Kiên

  • el-2024