WB bị kiện vì tài trợ nhiệt điện than

17:00 | 15/09/2023

305 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thứ Năm (ngày 15/9), các hiệp hội bảo vệ môi trường công bố đã tố cáo Ngân hàng Thế giới (WB) vì gián tiếp tài trợ cho việc mở rộng một nhà máy nhiệt điện than ở Indonesia.
WB bị kiện vì tài trợ nhiệt điện than
Một nhà máy điện than ở Indonesia

Người dân cùng với một số nhóm bảo vệ môi trường, do Tổ chức phi chính phủ (NGO) Inclusive Development International đại diện, đã khởi kiện một cơ quan giám sát của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), chi nhánh tài trợ cho các khoản đầu tư tư nhân của WB. Bất chấp các phong trào bảo vệ môi trường, chính quyền Indonesia vẫn dự định mở rộng thêm nhà máy điện than Suralaya, nằm cách Jakarta khoảng 100 km, để nâng tổng số lên 10 tổ máy, so với 8 tổ máy hiện tại.

Theo ước tính của tổ chức Inclusive Development International, 2 tổ máy mới Java 9 và 10 "dự kiến sẽ gây ra hàng nghìn ca tử vong sớm và góp phần thải hơn 250 triệu tấn CO2 vào bầu khí quyển".

Kế hoạch mở rộng nhà máy nhiệt điện này diễn ra trong bối cảnh Indonesia, quốc gia sản xuất điện chủ yếu dựa vào các nhà máy nhiệt điện than, đã cam kết sẽ không xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới từ năm 2023, nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Ước tính chi phí mở rộng nhà máy nhiệt điện Suralaya là khoảng 3,5 tỷ USD (3,26 tỷ euro), trong đó các quỹ công Hàn Quốc đã tài trợ 2 tỷ USD, phần còn lại do các ngân hàng khác tài trợ. Theo đơn kiện do các tổ chức phi chính phủ đệ trình, IFC đã tài trợ một khoản đầu tư trị giá 15,36 triệu USD (14,3 triệu euro) vào năm 2019 cho công ty con của ngân hàng Hàn Quốc Hana Bank tại Indonesia.

Khoản viện trợ của IFC được đưa ra bất chấp một thỏa thuận được ký kết vào năm ngoái tại G20 ở Bali và dự kiến sẽ viện trợ 20 tỷ USD (18,6 tỷ euro) cho nhà sản xuất và đơn vị tiêu dùng hàng đầu Indonesia nhằm loại bỏ than vào năm 2050.

Trước đây, IFC nói rằng họ sẽ tài trợ cho những khách hàng có các dự án liên quan đến than nếu họ có sẵn chiến lược rút khỏi các khoản đầu tư này. Vào tháng 4, tổ chức này cho biết họ sẽ ngừng cho phép khách hàng khởi động hoặc tài trợ cho các dự án liên quan đến than.

Khi được AFP hỏi, WB, IFC và Ngân hàng Hana Indonesia không phản hồi ngay.

Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), có trụ sở tại Phần Lan, nhà máy nhiệt điện than Suralaya đã khiến Indonesia thiệt hại 1 tỷ USD/năm (931 triệu euro) do chi phí y tế, thất nghiệp và số ca tử vong có thể tránh được.

Vào đầu tháng 8, thủ đô Jakarta, khu đô thị tập trung khoảng 30 triệu dân, trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo công ty giám sát chất lượng không khí IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ. Jakarta đã đạt đỉnh điểm ô nhiễm vào cuối tháng 8 vừa qua.

G7 không trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than từ cuối năm 2021G7 không trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than từ cuối năm 2021
Trung Quốc ký hợp đồng EPC xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở MozambiqueTrung Quốc ký hợp đồng EPC xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở Mozambique
Chủ tịch Trung Quốc: Trung Quốc sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoàiChủ tịch Trung Quốc: Trung Quốc sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài
14 nhà máy nhiệt điện than đi vào hoạt động kể từ khi Trung Quốc tuyên bố ngừng xây mới14 nhà máy nhiệt điện than đi vào hoạt động kể từ khi Trung Quốc tuyên bố ngừng xây mới

Ý Thiên

AFP