Để du lịch Việt vươn xa

06:45 | 29/03/2018

309 lượt xem
|
Năm 2018, ngành du lịch nước ta phấn đấu đạt mục tiêu đón gần 94 triệu lượt khách, trong đó khoảng 15-17 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, du lịch Việt cần phải làm gì để tạo được sức hút và dấu ấn riêng?

Tập trung khai thác sản phẩm du lịch đặc thù

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù là việc tạo ra những trải nghiệm mới, khác lạ cho du khách dựa vào nguồn lực riêng, tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Sản phẩm du lịch đặc thù được phát triển dựa trên tính độc đáo, duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu, mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo. Có thể nói du lịch tâm linh và sinh thái cộng đồng là hai loại hình đặc thù mà một số địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển trong bối cảnh hiện nay.

de du lich viet vuon xa

Sở hữu 1.330 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hóa như: Ðền Trần, phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, các làng nghề truyền thống…; hệ thống hơn 400 nhà thờ Công giáo mang kiến trúc độc đáo; kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú như hát chèo, hát văn, múa rối nước…, Nam Ðịnh là mảnh đất có nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn dồi dào, đa dạng để tổ chức các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Tuy nhiên, khả năng liên kết giữa du lịch của Nam Ðịnh với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc để hình thành tour, tuyến vẫn còn hạn chế, rời rạc nên chưa tạo được sự hấp dẫn. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Nam Ðịnh thông qua những sản phẩm độc đáo, mang tính đặc thù.

Nam Ðịnh còn là nơi hội tụ 129 làng nghề, trong đó có hơn 70 làng nghề tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm truyền thống. Ðây là nguồn tài nguyên thích hợp để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng, thu hút khách, nhất là khách quốc tế đến cùng ăn, ở, làm việc với người dân, tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống lao động sản xuất và tập quán sinh hoạt của làng nghề. Tuy nhiên, nhận thức của người dân làng nghề đối với hoạt động du lịch chưa cao; sự xâm nhập của máy móc, dây chuyền hiện đại đã và đang làm mất dần nét tinh xảo của các sản phẩm truyền thống thủ công. Để khai thác du lịch sinh thái cộng đồng gắn với các làng nghề theo hướng bền vững, chính quyền địa phương cần quan tâm thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm du lịch, đào tạo kỹ năng phục vụ du khách cho lao động nông thôn, đồng thời lựa chọn và phục hồi những nét văn hóa đặc sắc của từng làng nghề để tạo điểm nhấn.

Giống như Nam Định, thời gian qua, du lịch Quảng Bình cũng chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh để lựa chọn được sản phẩm du lịch thật sự nổi bật nhằm thu hút du khách. Cách đây vài năm, du lịch Quảng Bình từng xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung nghiên cứu, từng bước hình thành sản phẩm du lịch đặc thù mang tính địa phương nhưng phải bảo đảm tính nổi bật nhất để tạo ra sự khác biệt, hấp dẫn du khách tham quan.

Ngoài ra, Quảng Bình cũng coi trọng việc gắn kết sản phẩm du lịch với người dân để sản phẩm đó mang nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Sản phẩm du lịch bảo đảm được yếu tố liên kết với các địa phương trong khu vực miền Trung và trong quá trình nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, ngoài việc kết hợp khai thác loại hình di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên thì việc gia tăng số lượng, loại hình dịch vụ trong cùng một sản phẩm du lịch cũng là một trong những yếu tố then chốt để làm nên sản phẩm mang đặc trưng của tỉnh trong thời kỳ mới.

Văn hóa ẩm thực hấp dẫn du khách

Đối với bất cứ một điểm đến nào, trong danh mục sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch, cả vật thể và phi vật thể, thì ẩm thực luôn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để hấp dẫn du khách.

Ẩm thực cũng là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của Việt Nam, góp phần gia tăng giá trị, mang đến những trải nghiệm thú vị cho chuyến đi của du khách cũng như tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về điểm đến du lịch.

Nhiều năm qua, ý thức được tầm quan trọng của ẩm thực, chúng ta đã rất khéo léo và thành công trong việc khai thác văn hóa ẩm thực để định vị và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam. Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018, du khách trong và ngoài nước đã liên tục đón nhận nhiều hoạt động thú vị về ẩm thực.

Với chủ đề “Hành trình ẩm thực kết nối thế giới”, những món ăn đặc trưng các vùng, miền của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã được giới thiệu để khách du lịch và những người yêu thích ẩm thực thưởng thức tại Liên hoan ẩm thực món ngon các nước lần thứ 12 diễn ra trong tháng đầu tiên của năm mới tại Công viên Lê Văn Tám (TP Hồ Chí Minh).

Liên hoan có hơn 100 gian hàng được chia làm 7 khu vực ẩm thực, bao gồm: Ẩm thực quốc tế, ẩm thực Việt Nam, món ăn đường phố (streetfood), ẩm thực đặc biệt, thương hiệu ẩm thực, hoạt động vui chơi… Tham dự hoạt động ở các khu vực đã mang đến cho thực khách những trải nghiệm văn hóa và nghệ thuật ẩm thực hấp dẫn, từ việc tìm hiểu ở các gian trưng bày, xem trình diễn quy trình, học hỏi cho đến trực tiếp tham gia làm các món ăn.

Liên hoan món ngon ẩm thực cũng là sự kiện quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và các nước. Có thể nói, khi nhận thức và ấn tượng về những tinh hoa của văn hóa ẩm thực Việt Nam ngày càng sâu đậm, khách du lịch quốc tế gần xa ngày càng yêu thích, ngưỡng mộ, sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố và khẳng định vị trí vững chắc của thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, thúc đẩy gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Nhiều năm qua, ý thức được tầm quan trọng của ẩm thực, chúng ta đã rất khéo léo và thành công trong việc khai thác văn hóa ẩm thực để định vị và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam. Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018, du khách trong và ngoài nước đã liên tục đón nhận nhiều hoạt động thú vị về ẩm thực.

Tùng Lâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc