Đánh thức tiềm năng về năng lượng tái tạo to lớn tại Cam Ranh

13:59 | 24/05/2016

1,568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở nước ta, với vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng về năng lượng mặt trời (NLMT) là rất lớn, đặc biệt ở các vùng miền Trung và miền Nam của đất nước, với số ngày nắng trung bình khoảng 300 ngày/năm và cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5kWh/m2/ngày. 
danh thuc tiem nang ve nang luong tai tao to lon tai cam ranh
Mô hình điện mặt trời.

Thành phố Cam Ranh nằm ở phía nam tỉnh Khánh Hòa, là cực nam của miền Trung, nơi đây cường độ bức xạ NLMT trung bình đo được là 5,34kWh/m2/ngày, đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án năng lượng tái tạo. Vị trí thuận lợi và được xem là lý tưởng để triển khai công tác khảo sát, đánh giá các điều kiện liên quan nằm trên địa bàn các xã Cam Thịnh Tây và Cam Thịnh Đông thuộc TP. Cam Ranh.

Khu vực này không những có các điều kiện về địa lý và thiên nhiên thuận lợi như trên mà về khả năng đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia cũng rất tiện lợi. Trong thời gian qua, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của TP. Cam Ranh và Điện lực Cam Ranh - Khánh Sơn thực hiện công tác khảo sát thực địa, kiểm tra hiện trường, xác định vị trí và thống nhất phạm vi ranh giới khu đất dự kiến bố trí để xây dựng các dự án năng lượng tái tạo do các nhà đầu tư đề xuất tại địa bàn xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Tại đây, đã có đến 4 nhà đầu tư đến khảo sát và đặt vấn đề với địa phương để làm các thủ tục báo cáo đầu tư và triển khai dự án NLMT, trong đó phải kể đến các dự án như: Dự án nhà máy điện NLMT của Tập đoàn Tuấn Ân (dự án có công suất lắp đặt dự kiến là 20MW); dự án nhà máy điện NLMT của Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Giang (dự án có công suất lắp đặt dự kiến là 50MW); dự án nhà máy điện NLMT của EVNCPC (dự án có công suất lắp đặt dự kiến là 50MW); dự án nhà máy điện NLMT của Công ty Cổ phần Thủy điện Định Bình (dự án có công suất lắp đặt dự kiến là 60MW).

Việc xây dựng và đưa vào vận hành các dự án NLMT trong tương lai sẽ góp phần nâng cao sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho tỉnh Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo vệ môi trường. Mục tiêu cụ thể của các dự án là sản xuất điện năng từ nguồn năng lượng mặt trời góp phần đảm bảo nhu cầu điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định cho phụ tải khu vực.

NLMT được đánh giá là nguồn năng lượng bền vững, lâu dài và là một giải pháp thay thế tiềm năng cho nguồn năng lượng truyền thống không tái tạo (dầu mỏ, khí thiên nhiên, than đá,…) đang ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc khai thác NLMT vẫn còn nhiều thách thức, rào cản lớn nhất hiện nay là chi phí đầu tư để khai thác, sử dụng NLMT rất cao do công nghệ, thiết bị sản xuất đều nhập từ nước ngoài. Do đó, mới chỉ có một vài tổ chức, viện nghiên cứu và các trường đại học tham gia các dự án ở dạng thí điểm, còn phía nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với việc xây dựng các nhà máy quy mô lớn.

Tuy nhiên, đang có những thuận lợi hiện nay trong việc triển khai đầu tư nhà máy NLMT là Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó khuyến khích và ưu tiên đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời quy định ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về miễn, giảm tiền thuế đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Chiến lược của Chính phủ cũng quy định bắt buộc các đơn vị Điện lực phải có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo và được ưu tiên đấu nối với lưới điện quốc gia. Hiện nay, Bộ Công thương cũng đang xây dựng dự thảo để trình Chính phủ phê duyệt giá điện áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo.

Với các chính sách ưu đãi như trên, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục cải tiến để có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển ngành năng lượng mới nhằm huy động mọi nguồn lực từ xã hội và người dân cho phát triển năng lượng tái tạo. Qua đó, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn năng lượng hiện đại, đẩy mạnh phát triển, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo; từng bước gia tăng tỷ trọng nguồn năng lượng này trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Quang Khánh (EVNCPC)