Crưm còn phụ thuộc gì vào Ukraina?

07:25 | 30/11/2015

6,312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù đã tách khỏi Ukraina để sáp nhập vào Nga từ tháng 3-2014 nhưng bán đảo Crưm vẫn còn phụ thuộc nhiều thứ từ Kiev. Chính quyền Ukraina đang sử dụng điểm yếu này để làm khó Nga.

Trong bối cảnh Nga đang phải giải quyết nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại dồn dập, đặc biệt là vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga tại Syria, Ukraina bỗng “ra tay hành động” với Crưm như một cách để phân tán sự tập trung của chính quyền Moskva.

Mới nhất, ngày 25-11, Ukraina thông báo khóa bầu trời với tất cả máy bay Nga bất kể là dân sự hay quân sự. Điều đáng chú ý là lý do mà Ukraina đưa ra để giải thích quyết định trên. Trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Ukraina Iatseniouk thông báo: “Chính phủ quyết định cấm mọi công ty hàng không Nga bay qua lãnh thổ Ukraina. Nga có thể sử dụng không phận Ukraina để khiêu khích”.

crum con phu thuoc gi vao ukraina
Cầu tạm nối đất liền của Nga với Crưm được khánh thành ngày 2-10-2015

Thông báo này được đưa ra nhiều tuần lễ sau vụ chiếc máy bay chở khách của Nga bị rơi tại Ai Cập vào cuối tháng 10, do bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đặt bom.

Chính quyền Kiev cho rằng trong trường hợp một sự cố tương tự xảy ra với máy bay Nga trên bầu trời Ukraina, Moskva có thể “đổ lỗi” cho chính Ukraina và đưa quân sang nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ.

Ukraina và Nga đã cấm mọi chuyến bay trực tiếp sang lãnh thổ của nhau từ cuối tháng 10-2015. Moskva cũng cho đóng cửa không phận đối với máy bay Ukraina, nhưng cho đến nay máy bay dân dụng Nga vẫn có thể bay qua Ukraina.

Trước đó, trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng bất thường ngày 23-11, Tổng thống Ukraina Petro Porochenko đã yêu cầu chính phủ thành lập ngay một nhóm làm việc nhằm “đình chỉ việc cung cấp hàng hóa và mọi trao đổi thương mại” với vùng Crưm.

Bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014 hiện vẫn còn rất phụ thuộc vào Ukraina, từ năng lượng cho đến thực phẩm. Theo công ty phân phối điện Crimenergo, Ukraina cung cấp tới 80% tổng nhu cầu tiêu thụ điện tại Crưm.

Theo Tạp chí IHS Cera chuyên về năng lượng, vùng Crưm chỉ sản xuất được 16% tổng nhu cầu điện ở lãnh thổ này. Sau khi sáp nhập, Nga đã cho đặt nhiều máy phát điện tại Crưm và hứa hẹn xây dựng các nhà máy điện hiện đại ở đây, nhằm bảo đảm sự độc lập hoàn toàn về năng lượng của Crưm.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev nhấn mạnh: “Mục tiêu này không thể đạt được trong một ngày, một tháng, đó là một quá trình khó khăn”.

Ngoài việc thiếu điện, Crưm còn bị khan hiếm nước, kể từ khi Ukraina đóng các van xả nước của kênh Bắc Crưm vào tháng 4-2015. Con kênh này đáp ứng tới 85% tổng nhu cầu tiêu thụ nước ngọt của Crưm. Bộ Nông nghiệp Nga nhận định, do nguồn nước bị chặn, thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp của Crưm có thể lên tới 5 tỉ rup (hơn 103 tỉ euro).

Đầu tháng 8-2015, ông Nikolai Poliouchkine, Bộ trưởng Nông nghiệp vùng Crưm thừa nhận là phải xem xét lại việc sử dụng có hiệu quả nguồn nước và Crưm đã quyết định từ bỏ canh tác lúa vì rất tốn nước. Để có được một giải pháp về lâu dài, Crưm bắt đầu khoan tìm nguồn nước ngầm và nghiên cứu khả năng xây dựng hệ thống ống dẫn nước từ Nga sang.

Một điểm yếu khác của Crưm là phải nhập khẩu tới 80% thực phẩm từ Ukraina. Cuối tháng 7-2015, khi Nga cấm nhập khẩu nhiều sản phẩm lương thực và thực phẩm của Ukraina, chính quyền Crưm đã đề nghị Moskva cho phép miễn áp dụng cấm vận, vì lãnh thổ này không thể “độc lập” về nguồn thực phẩm.

Theo nhận định của Bộ trưởng Nông nghiệp Crưm Poliouchkine, hiện nay Crưm đang trong giai đoạn quá độ, rất cần sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa. Chính vì vậy, cơ quan phụ trách thú y Nga đã cho phép Crưm nhập khẩu nhiều loại thực phẩm từ Ukraina.

Hiện Nga gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tế cho Crưm, phải đi vòng, do chiến sự ở miền Đông Ukraina. Phương tiện tiếp tế nay là hàng không và đường biển. Ukraina cũng cho biết họ có ý định chặn những chuyến hàng chở thực phẩm tới Crưm để trả đũa lệnh cấm của Moskva nhắm vào thực phẩm của Ukraine nhập khẩu vào Nga.

Để giúp Crưm thoát dần khỏi sự phụ thuộc vào Ukraina, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak gần đây nói rằng chính quyền Moskva đang xây dựng một cầu năng lượng từ Nga tới Crưm. Giai đoạn đầu của dự án này sẽ được hoàn tất trước ngày 20-12 tới, hai ngày trước thời hạn được ấn định trước đây.

Không chỉ dừng lại ở việc đình chỉ việc cung cấp hàng hóa tới Crưm, mới đây Ukraina còn cúp điện nguyên cả bán đảo này. Ngày 21-11 vừa qua, bán đảo Crưm đã bị mất điện hoàn toàn do những “vụ nổ” làm hư hại các cột điện cao thế. Sự cố ảnh hưởng đến hơn 900.000 dân Crưm. Căn cứ Hải quân Nga ở Sébastopol cũng bị tác hại.

Chính quyền Crưm quy trách nhiệm chính quyền Ukraina, trong lúc Kiev cho biết là đang mở điều tra. Theo truyền thông Ukraina, hai tháp điện trên bị các nhà hoạt động thuộc phong trào Cánh Hữu làm hư hại trước khi bị phát nổ đêm 21-11.

Trước tình hình này, Bộ Năng lượng Nga cho biết Moskva đã gửi 300 máy phát điện lưu động đến bán đảo này trong lúc chờ Ukraina “khắc phục sự cố”. Trước đó Ukraina cũng đã nhiều lần cúp ngắt đường điện tới Crưm.

Giải thích về các vụ cắt điện, công ty điện lực quốc gia Ukraina cho biết là buộc phải áp dụng việc hạn chế tiêu thụ điện tại Crưm vì các nhà máy điện Ukraina thiếu nhiên liệu và doanh nghiệp này cảnh báo: nếu người tiêu dùng tại Crưm không tôn trọng quy định hạn chế dùng điện thì công ty sẽ buộc phải cắt toàn bộ nguồn điện cung ứng cho nơi đây.

Để “dằn mặt” chính quyền Kiev, Hãng Gazprom của Nga cho biết bắt đầu từ ngày 25-11, tập đoàn này đã cúp nguồn cung khí đốt cho Ukraina vì nước này không ứng tiền trước. Sau các vụ đụng độ trước đây quanh chuyện cung ứng khí đốt, hai nước đồng ý là Ukraina sẽ thanh toán trước tiền mua gas.

Nhưng Giám đốc điều hành của Gazprom, Alexei Miller nói rằng, Ukraina đã dùng hết lượng khí mà nước này đã chi trả. Trong một tuyên bố, ông Miller nói rằng “Việc chuyển giao đã chấm dứt cho tới khi nhận được các khoản thanh toán mới từ công ty Ukraina”.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, quyết định của Gazprom là hành động chính trị nhằm trả đũa những việc Ukraina đang làm với Crưm hơn là lý do về tài chính.

Việc Nga cúp khí đốt bán cho Ukraina sẽ ảnh hưởng tới việc cung cấp năng lượng từ Nga sang các quốc gia châu Âu khác vì Ukraina là nơi trung chuyển khí đốt. Giờ là lúc Bruxelles sẽ ép lại Kiev để thỏa hiệp với Nga.

 

S.Phương

Năng lượng Mới 478