Con đường gìn giữ “hồn” quan họ

08:06 | 07/03/2018

1,348 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dân ca quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên. Vậy con đường nào để có thể gìn giữ cái “chất”, cái “hồn” của dân ca mà không khiến di sản này bị mai một?  

Cội nguồn những làn điệu dân ca

Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa, dân ca quan họ bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XVII, bắt nguồn từ tục kết chạ, giao lưu giữa các làng xóm. Dân ca quan họ là đỉnh cao của nghệ thuật thi ca, trở thành lối hát giao duyên nổi tiếng vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là vùng Kinh Bắc xưa (Bắc Ninh - Bắc Giang ngày nay). Khác với những loại hình văn hóa dân gian khác, quan họ được bắt nguồn từ tầng lớp trung lưu nông thôn, tầng lớp học thức, văn chương, nho nhã.

Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng quan họ gốc xứ Kinh Bắc. Ở đó có những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi những liền anh, liền chị phải am tường, tuân theo luật lệ. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm, không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức, thưởng thức cái “tình” của bạn hát. Quan họ truyền thống chỉ xuất hiện trong những ngày hội, những dịp giao lưu giữa các làng quan họ.

con duong gin giu hon quan ho
Sau chén nước, miếng trầu là những câu hát quan họ đượm tình nghĩa

Cùng với dòng chảy thời gian, dân ca quan họ dần phổ biến rộng rãi, được ý thức bảo tồn và phát triển cùng âm nhạc đương đại. Tuy nhiên, quan họ ngày nay ít nhiều có sự thay đổi so với quan họ truyền thống. Vẫn là trang phục áo lụa, áo the, khăn xếp, áo tứ thân, nón thúng quai thao, vẫn rót nước, mời trầu… Nhưng quan họ ngày nay có nhạc đệm, có khán thính giả, được trình diễn rộng rãi khắp mọi nơi và không còn bó hẹp vào khuôn khổ những ngày hội. Những bài quan họ cũng ít nhiều được cải biên so với nguyên bản truyền thống để dễ hát, dễ bắt nhịp, phù hợp hơn với người hát.

Thất truyền hay bị bỏ quên?

Dân ca quan họ được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác bằng hình thức dạy và truyền miệng. Chính tính chất của phương thức lưu truyền đã giúp dân ca quan họ có số lượng bài hát lớn và tồn tại ở nhiều giai điệu khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong số những lý do khiến các làn điệu quan họ cổ bị thất truyền, thậm chí mất hẳn.

So với những loại hình âm nhạc cổ truyền khác như: ca trù, hát xoan hay hát trầu văn… Dân ca quan họ có sức sống lâu bền bởi ý thức gìn giữ của người dân Kinh Bắc, nhiệt huyết cống hiến của các nghệ nhân, lớp lớp thế hệ đi trước và ý thức của những thế hệ sau.

Tuy vậy, dưới ảnh hưởng của dòng nhạc thị trường, giới trẻ ngày nay không còn yêu thích các dòng nhạc theo âm hưởng văn hóa dân gian truyền thống, thay vào đó là những bản nhạc K-pop, Dance, EDM sôi động… Dân ca quan họ cũng dần bị bỏ quên và bị cuốn theo.

Cụ Nguyễn Văn Xuân ở xóm Đông, làng Lim (Lũng Giang) - một trong những nghệ nhân quan họ cao tuổi nhất làng Lim chia sẻ: Hát quan họ chủ yếu được đời trước truyền cho đời sau, các nghệ nhân quan họ am hiểu về quan họ cổ mất đi, các làn điệu cổ vì thế mà thất truyền. Hát quan họ bây giờ cũng không còn giống trước kia nữa.

Cũng theo các liền anh, liền chị lớn tuổi trong làng. Giới trẻ thường bỏ qua những tác phẩm khó hát, những tác phẩm cổ hát giọng lề lối và giọng ả phiền. Họ thường hát có đệm nhạc, hát trong đám cưới, tiệc tùng phục vụ thương mại hoặc giống với hát chèo. Tất cả những kiểu hát này đều không thể hiện đúng bản chất của dân ca quan họ. Lý do khiến dân ca quan họ truyền thống dần mai một đó không chỉ bởi thất truyền mà một phần là bị bỏ quên, bỏ quên bởi thế hệ sau.

Bảo tồn “hồn cốt” quan họ

Trước sự thăng trầm của thời gian và nguy cơ mai một, thiếu vắng những nghệ nhân quan họ đích thực. Việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển những làn điệu dân ca vùng Kinh Bắc là hết sức cần thiết.

Người dân Kinh Bắc luôn có ý thức trân trọng, bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Bằng nhiều cách khác nhau, họ thành lập những câu lạc bộ quan họ nhiều lứa tuổi, biên soạn, xuất bản tài liệu về giảng dạy dân ca quan họ, khuyến khích nghệ nhân trẻ tuổi tham gia bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

Tiêu biểu cho những hoạt động bảo tồn, Bắc Ninh luôn tích cực triển khai các hoạt động phát triển, bồi dưỡng, tôn vinh những tài năng cống hiến cho dân ca quan họ và phát hiện, đào tạo những giọng ca triển vọng. Ngày 8-2-2017 Nhà chứa quan họ được khánh thành tại làng Lim. Đây sẽ là nơi giao lưu của các nghệ nhân quan họ, các liền anh, liền chị và những người quan tâm, yêu mến những làn điệu dân ca. Trở thành cầu nối cho dân ca quan họ phát triển.

Con đường gìn giữ “hồn” dân ca quan họ tuy còn rất dài và khó khăn, nhưng với tình yêu quê hương, đất nước, yêu những làn điệu dân ca, yêu cái “hồn” của dân tộc. Dân ca quan họ sẽ tiếp tục vươn lên, làm giàu sức sống văn hóa dân gian Việt Nam.

Linh Lan