Các tướng lĩnh giải mã việc Trung Quốc chặn máy bay Lào ở ADIZ

07:00 | 02/08/2015

9,930 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc Trung Quốc ngăn cản không cho máy bay của hãng hàng không Lao Airlines bay vào vùng ADIZ trái phép trên biển Hoa Đông hôm 25/7 thực sự có thể một đòn để “thử phản ứng” của ASEAN.

Vì sao Trung Quốc lại chọn “ra oai” với Lào?

Vì sao Trung Quốc lại chọn “ra oai” với Lào?

Bắc Kinh đã lên tiếng giải thích nhưng Lào lại chọn giữ im lặng. Vì sao Trung Quốc lại chọn máy bay của Lào để “ra oai”? ASEAN có cần lên tiếng trong vụ này?

Trước các động thái gần đây của Trung Quốc như tiến hành tập trận quy mô lớn ở Biển Đông và ngăn cản không cho máy bay của Lào bay qua cái gọi là “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trái phép trên biển Hoa Đông đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế và khu vực.

Phóng viên báo Năng Lượng Mới – PetroTimes đã có cuộc ghi nhận ý kiến bình luận, chia sẻ của một số tướng lĩnh, chuyên gia quân sự xung quanh các động thái này để giúp độc giả có cái nhìn rõ ràng hơn về mục đích đằng sau những hành động trên của phía Trung Quốc.

Trung Quốc muốn “thử phản ứng” của ASEAN?

Tạp chí Air Transport World ngày 27/7 cho biết, chuyến bay QV 916 của Lao Airlines cất cánh lúc 8 giờ sáng ngày 25/7 từ sân bay Quốc tế Gimhae, Hàn Quốc để quay về sân bay Vientiane của Lào.

Sau một tiếng bay, khi chiếc Airbus 320 của Lao Airlines qua vùng biển Hoa Đông, chuẩn bị vào “vùng nhận diện phòng không” phi pháp mà Bắc Kinh đã ngang nhiên thiết lập, các kiểm soát viên của Trung Quốc đã không cho máy bay hàng không dân dụng Lào đi vào khu vực này với lý do máy bay không có giấy phép bay qua cái gọi là “không phận Trung Quốc”.

Do vậy, máy bay đã phải quay trở lại sân bay Gimhae.

Anh hùng LLVTND, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt – nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân.
Anh hùng LLVTND, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt – nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân.

Đây có thể được xem là trường hợp đầu tiên Trung Quốc không cho máy bay hàng không dân dụng Lào đi vào khu vực này với lý do máy bay “không có giấy phép” kể từ khi Bắc Kinh đơn phương công bố cái gọi là khu nhận diện phòng không trên Biển Hoa Đông từ ngày 23 tháng 11 năm 2013, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và đá ngầm Socotra mà Trung Quốc tranh chấp với Hàn Quốc.

Trao đổi với PV, Anh hùng LLVTND, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt – nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Tư lệnh chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân nhận định: “Đây thực sự là một trong số những bước đi leo thang mới của phía Trung Quốc trong việc hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của mình trên biển Hoa Đông. Nhưng nó lại liên quan tới một quốc gia là thành viên của ASEAN là Lào, mà việc Trung Quốc cấm một máy bay dân dụng của một quốc gia nhỏ bé như Lào đi qua ADIZ là điều chưa từng có tiền lệ”.

Theo trung tướng Phiệt, đây rất có thể là “đòn để thử phản ứng” của Trung Quốc đối với khối ASEAN.

“Tại sao dù tự ý lập ra từ tháng 11/2013 nhưng cho tới nay, Trung Quốc chỉ dám ngăn cản máy bay của Lào đi qua ADIZ mà không ngăn cấm máy bay của các nước khác như Mỹ, Nhật hay các nước khác? Ẩn ý đằng sau của hành động này là gì?”, tướng Nguyễn Văn Phiệt đặt nghi vấn.

Chung quan điểm này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho rằng: “Việc này chúng ta cần xem xét với thái độ thật thận trọng. Rõ ràng Trung Quốc đã sai khi cố tình ngăn cản một máy bay dân sự của Lào bay qua vùng ADIZ mà họ tự lập ra trên biển Hoa Đông. Nhưng cũng cần phải theo dõi thái độ của Lào về vấn đề này như thế nào để chúng ta có cách tiếp cận phù hợp”.

Tướng Thước nhấn mạnh, cho dù là ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, những hành vi ngang ngược gần đây của phía Trung Quốc thực sự đã và đang khiến cho cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Không cần phải bàn cãi nhiều, chính giới lãnh đạo Trung Quốc trong vòng mấy tháng gần đây cũng đã công khai “tham vọng bá quyền” của mình ở trên Biển Đông. Đặc biệt là việc,nước này đơn phương tiến hành cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia khác.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Liên quan tới hành vi ngăn cản máy bay dân sự Lào bay qua ADIZ trên biển Hoa Đông, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho rằng cần phải có thái độ và phản ứng đủ mạnh từ Lào cũng như cộng đồng khu vực ASEAN và quốc tế để không cho phép Trung Quốc có những hành vi tương tự như vậy đối với các hãng hàng không khác.

“Rõ ràng, với việc Trung Quốc đơn phương lập và tự cho mình cái quyền bắt ép máy bay nước khác phải khai báo thông tin về lộ trình bay khi đi qua ADIZ trên biển Hoa Đông là điều không thể chấp nhận được. Chính họ - Trung Quốc là quốc gia đã cản trở sự tự do đi lại, quyền tự do hàng hải, hàng không đã được luật pháp quốc tế công nhận”, nguyên Phó tư lệnh Nguyễn Văn Phiệt nhấn mạnh.

“Ẩn số” biển Hoa Đông có lặp lại ở Biển Đông?

Một trong số động thái gây sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế, đó là Trung Quốc tuyên bố cuộc tập trận quy mô lớn trên Biển Đông của hải quân nước này, kéo dài từ 22/7 – 31/7.

Đặc biệt trong ngày 28/7/2015 vừa qua, với sự tham gia của trên 100 tàu chiến, hàng chục máy bay quân sự, quân đội Trung Quốc đã tiến hành diễn tập kịch bản tập trận bắn đạn thật. Mặc dù không công bố chi tiết nhưng trước đó Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố về hoạt động “tập trận thường niên” tại khu vực đảo Hải Nam của nước này và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ Việt Nam.

Về vấn đề này, nguyên Tư lệnh quân khu IV – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bình luận: “Không đơn giản chỉ là cuộc tập trận thường niên đâu, đằng sau nó chắc chắn hàm chứa một ẩn ý mà ai cũng biết. Đó là Trung Quốc vẫn luôn muốn khoe cơ bắp, sức mạnh quân sự đối với các nước, đặc biệt là các quốc gia có cùng yêu sách chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông”.

Các tướng lĩnh giải mã việc Trung Quốc chặn máy bay Lào ở ADIZ
Máy bay của hãng hàng không quốc gia Lao Airlines (Nguồn: IT).

Theo hãng tin Reuters đưa tin, ngày 18/7 Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift đã tham gia chuyến bay tuần tra trên Biển Đông bằng máy bay Boeing P-8 nhằm kiểm tra khả năng hoạt động của hạm đội.

Đây được cho là lý do mà Bắc Kinh muốn vin vào để có cớ tiến hành tập trận quy mô lớn trên Biển Đông.

Tướng Thước phân tích thêm: Nếu vì mục đích chính đáng thì việc một nước tiến hành tập trận quân sự trong đó có bắn đạn thật thì đó cũng là việc bình thường. Nhưng trong trường hợp này Trung Quốc muốn làm những việc trái với những gì đã cam kết, thỏa thuận trước đó của lãnh đạo cấp cao của họ với cộng đồng quốc tế.

Bằng chứng là hôm 16/6, họ cũng tuyên bố sẽ sớm ngừng hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Nhưng từ đó đến nay, trái với những tuyên bố đó thì Trung Quốc vẫn tiến hành mở rộng thêm diện tích đảo và xây dựng thêm nhiều các công trình trên đó, bao gồm cả đường băng quân sự dài hàng ngàn mét ở Bãi đá Chữ Thập.

Hay hồi trung tuần tháng 7, Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đồng thời, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã tiếp tục có những tuyên bố về việc kiềm chế và các biện pháp nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông. Tránh có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, mọi tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

“Nhưng không lâu sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới Việt Nam, lập tức hải quân Trung Quốc lại tiến hành tập trận ngay tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những điều họ hứa thực sự đã khó có thể tin được rồi”, Tướng Thước nói.

Các tướng lĩnh giải mã việc Trung Quốc chặn máy bay Lào ở ADIZ

Với con mắt của một vị tướng phòng không – không quân, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nhận định, nhiều khả năng không sớm thì muộn Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục lập ra cái gọi là “vùng nhận dạng phòng không” ngay trên Biển Đông.

Riêng hành động cấp tập xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, rồi đưa vũ khí trang thiết bị, xây cất các công trình liên quan trên đó thực sự là mối nguy tiềm tàng mà Trung Quốc muốn tạo ra cho các nước khác trong khu vực.

“Một khi thời cơ chín muồi, nước này sẽ chớp lấy và tiếp tục có những bước đi leo thang hơn nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của mình ở. Trong đó, không loại trừ khả năng lập thêm một ADIZ trên Biển Đông”, Tướng Phiệt cho biết thêm.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói rằng việc xây đảo nhân tạo chỉ là phần mở đầu. Ông cho rằng bước kế tiếp của Trung Quốc sẽ là bố trí vũ khí trên những hòn đảo đó và tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông để tăng cường cho các yêu sách chủ quyền của mình.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo tại Viện Hudson ở Washington, ông McCain nhấn mạnh: “Họ xây sân bay; họ sẽ đặt vũ khí ở đó, và việc kế tiếp mà quí vị sẽ thấy Trung Quốc làm là khi một chiếc máy bay của Mỹ bay ngang, bất kể là máy bay thương mại hoặc máy bay quân sự, họ sẽ đòi máy bay đó phải khai báo với họ. Họ lập ra một Vùng nhận dạng phòng không, mà sau đó có nghĩa là chủ quyền lãnh thổ phi pháp”.

Đồng tình với ý kiến của ông John McCain, Tướng Thước và tướng Phiệt đều nhận định khả năng lập ADIZ ở Biển Đông là hoàn toàn có thể xảy ra.

Vấn đề là bao giờ, thời điểm nào thì Trung Quốc mới tiến hành.

Liệu rằng, “ẩn số biển Hoa Đông có lặp lại ở Biển Đông” hay không sẽ còn tùy thuộc rất nhiều vào thái độ của phía Trung Quốc trong việc chấp hành luật pháp quốc tế cũng như phản ứng và sự đoàn kết của cộng đồng khu vực và quốc tế nhằm chế áp tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Và chắc chắn, yếu tố Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

Tất cả sẽ còn là một ẩn số ở phía trước!.

Minh Nhật – Thảo Phượng

Năng lượng Mới