Dự án Mosaic

Bước tiến mới khám phá thời tiết Bắc Cực

17:10 | 28/09/2017

728 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giới khoa học đang có ý định học tập ý tưởng của một nhà thám hiểm Na Uy ở thế kỷ XX để khám phá thời tiết vùng cực Bắc của trái đất. Liệu đây có phải là một bước tiến mới?

Giấc mơ “dang dở”

Năm 1983, nhà thám hiểm người Na Uy có tên là Fridtjof Nansen thực hiện một ý tưởng vô cùng táo bạo và phi thường. Ông tham vọng trở thành người đầu tiên tiến vào Bắc Cực bằng một chiếc tàu gỗ tự đóng, con tàu “Fram”. Nansen dự định sẽ để cho tàu tự gắn vào một tảng băng Bắc Cực và trôi dạt theo nó để được thám hiểm cực bắc bí ẩn của trái đất.

Thế nhưng mong muốn của Nansen đã không thành hiện thực. Ông và thủy thủ đoàn đã phải bỏ lại con tàu, để nó trôi qua điểm cực bắc và dừng lại ở vị trí nằm giữa Greenland và quần đảo Svalbard. Ngày nay, địa danh này được đặt tên là eo biển “Fram” theo tên con tàu của Nansen năm đó.

buoc tien moi kham pha thoi tiet bac cuc
Băng ở Bắc Cực đang tan nhanh hơn bao giờ hết

Hơn một thế kỷ trôi qua, giờ đây, các nhà khoa học quyết định tiếp nối giấc mơ của nhà thám hiểm Fridtjof Nansen với dự án mang tên Mosaic (viết tắt của “Multidisciplinary drifting Observatory for the Study of Arctic Climate” - Tạm dịch: Đài quan sát đa năng phục vụ nghiên cứu khí hậu Bắc Cực), nhằm thu thập kết quả thời tiết và khí hậu ở vùng Bắc Cực một cách chính xác hơn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày một mạnh mẽ như hiện nay, theo tờ The Guardian.

Theo đó, các nhà khoa học dự định “làm cho” một tàu nghiên cứu có tên là RV Polarstern mắc kẹt hoàn toàn trong những tảng băng biển dọc Bắc Cực, với chuyến hành trình dài khoảng 1.500 dặm (tương đương 2.500km) kéo dài khoảng 1 năm, bắt đầu từ mùa hè năm 2019 tới đây. Con tàu sẽ tiến hành thu thập kết quả dự báo thời tiết, trên cơ sở đó, các nhà khoa học sẽ tiến hành đo đạc và quan sát khí hậu vùng Cực Bắc một cách chi tiết, cụ thể hơn bất kỳ một dự báo nào trước đây. Sở dĩ các nhà khoa học chọn thời điểm mùa hè để bắt đầu dự án, bởi lúc đó băng biển bắt đầu mỏng và nhỏ đi. Sau đó, vào khoảng tháng 11, tàu dự kiến sẽ được bao quanh bởi lớp băng biển rắn chắc, nhiệt độ sẽ giảm sâu xuống đến -50oC và chìm vào bóng tối.

Bước tiến quan trọng của dự báo thời tiết?

Phát biểu tại một hội nghị thường niên của Hiệp hội Hoa Kỳ về xúc tiến Khoa học (AAAS) tổ chức ở Boston, Mỹ hồi đầu năm nay, Giáo sư Markus Rex thuộc Viện Nghiên cứu Alfred Wegener ở Potsdam, Đức, đồng tác giả của Dự án Mosaic đã trình bày cụ thể các chi tiết trong dự án với tổng trị giá lên tới 50 triệu euro. Dự án sẽ có sự tham gia của 50 tổ chức đến từ 14 quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ và Nga.

buoc tien moi kham pha thoi tiet bac cuc
Một minh họa cho Dự án Mosaic của Viện Nghiên cứu Alfred Wegener (ảnh: The Guardian)

Điều đáng nói là, tuy tiếp nối ý tưởng của nhà thám hiểm người Na Uy ở thế kỷ trước, song Dự án Mosaic lại thuần túy mang tính khoa học chứ không phải mục tiêu chinh phục điểm cực bắc của trái đất. Dự án được đánh giá cao trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một phức tạp, khó lường và là vấn đề bức thiết của nhân loại.

Các nhà khoa học kỳ vọng Dự án Mosaic sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm cải thiện sự hiểu biết của con người về biến đổi khí hậu, từ đó giúp các nhà dự báo cải thiện vấn đề dự báo thời tiết và khí hậu trên trái đất. Nói như Giáo sư Markus Rex thì: “Có rất nhiều yếu tố nhỏ tác động đến khí hậu Bắc Cực nói riêng, khí hậu toàn cầu nói chung mà nếu chỉ bằng vệ tinh, con người không thể quan sát hết được”.

Theo thông tin tuyến đường biển phía bắc dự đoán, trong khoảng 20 năm tới đây, sẽ có khoảng 25% các container vận chuyển từ châu Á sang châu Âu sẽ đi qua Bắc Cực thay vì qua kênh đào Suez. Và có một sự thật rằng, tình trạng biến đổi khí hậu ở Bắc Cực đang diễn ra nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên trái đất.

Mức băng đo được ở biển băng Bắc Cực đạt mức thấp kỷ lục vào mùa hè năm ngoái, cho thấy băng ở đây tan nhanh hơn bao giờ hết và khác xa với tốc độ suy giảm giả lập trước đó.

Matthew Shupe, một nhà khoa học đến từ Đại học Colorado, một thành viên của nhóm nghiên cứu Dự án Mosaic kỳ vọng: “Con tàu (The Fram) được xem như một bước đột phá trong thời đại của nó, còn Mosaic sẽ là bước tiến quan trọng trong thời đại này”.

“Có rất nhiều các yếu tố nhỏ tác động đến khí hậu ở Bắc Cực nói riêng và toàn cầu nói chung mà chúng ta không thể quan sát bằng vệ tinh”, Giáo sư Markus Rex thuộc Viện Nghiên cứu Alfred Wegener ở Potsdam, Đức.

Mai Lâm

Guardian