Bộn tiền liệu có mua lại được!

17:39 | 12/06/2017

1,436 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận nóng ran kể từ khi ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng gửi tâm thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng xây dựng thêm cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà.

Kể từ đó đến nay đã có khá nhiều cuộc hội thảo, hội họp ở các cấp. Cứ tưởng họp sẽ giải quyết được vấn đề, nhưng dư luận lại nóng hơn khi “không có tiếng nói chung” về vấn đề giữ nguyên hay xây dựng thêm cơ sở lưu trú ở Sơn Trà tại cuộc họp giữa Tổng cục Du lịch với Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng vào chiều ngày 11-5-2017 vừa qua.

bon tien lieu co mua lai duoc
Bán đảo Sơn Trà

Gần đây nhất, vào sáng ngày 30-5, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức buổi tọa đàm: Phát triển du lịch bền vững tại Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà. Tại cuộc tọa đàm này Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh nhắc lại 4 kiến nghị về Sơn Trà đã gửi Thủ tướng Chính phủ trước đó. Ông tiếp tục nhấn mạnh đến việc giữ nguyên trạng bán đảo Sơn Trà. Vấn đề vẫn chưa ngã ngũ, do còn khá nhiều ý kiến trái chiều. Có lẽ còn phải tiếp tục tổ chức nhiều cuộc tọa đàm nữa để tìm ra “tiếng nói chung” trong thời hạn 90 ngày của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Sơn Trà được ví là viên ngọc quý của thành phố Đà Nẵng và cũng là của cả nước, là lá phổi xanh của thành phố du lịch này. Phải mất rất nhiều thế kỷ mới có được một Sơn Trà như ngày nay. Vì vậy dù có tiếp tục tổ chức các cuộc họp, hay tọa đàm và cả hội thảo khoa học đi nữa, thì phải có cái nhìn hết sức khoa học giữa ký ức, hiện tại và tương lai. Nói theo kiểu dân dã, chỉ nhìn “lệch” đi “một li, một lai” là viên ngọc quý này biến dạng.

Không chỉ ở Đà Nẵng, mà nhiều địa phương khác khi phát triển du lịch đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. Và có những thứ bây giờ dù có bộn tiền cũng không thể tìm ở đâu ra mà mua lại được.

Tại Đà Nẵng, có thời gian người dân ven biển, làm nghề biển; nhưng muốn ra được biển buộc phải đi vòng, bởi các resort, các khu nghỉ dưỡng ken dày, mất hết bãi biển. Rồi lại có chuyện người ta lập “ba-ri-e” cấm cản dân qua lại con đường xuống biển. Bởi con đường ấy nằm trong diện tích đất đã được bán cho doanh nghiệp!? Dân chỉ biết ngửa mặt kêu trời…

Vẫn biết, phát triển kinh tế nói chung, phát triển du lịch nói riêng, lúc cần thiết phải biết hy sinh thứ sinh lời ít hơn để lấy thứ sinh lời nhiều hơn. Nhưng “hy sinh” đến mức ảnh hưởng đến sinh kế của người dân như nêu trên, liệu có “hài hòa” như lãnh đạo một số địa phương đã phát biểu.

Đà Nẵng bây giờ có nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, có nhiều khách sạn cao tầng. Và có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, sẵn sàng san đồi bạt núi để xây dựng các khu nghỉ dưỡng tầm cỡ châu lục và thế giới. Nhưng đố mua lại được một làng chài đúng nghĩa.

Sẽ hấp dẫn hơn, có nhiều du khách hơn, nếu bên cạnh những hotel 5, 6 sao, những resort có cuộc sống như “thiên đường” là một làng chài, một làng nghề, để du khách đắm mình vào đó, hóa thân thành ngư dân, hóa thân thành người làm nghề nước mắm truyền thống. Sản phẩm du lịch độc đáo là đấy, chứ phải đâu xa. “Xóa sổ” hết thảy, bây giờ nhìn ra thì đã muộn. Chẳng nói gì du lịch, ngay cả con cháu chúng ta muốn tìm hiểu về quá khứ của ông cha, chắc lại phải rủ nhau vào bảo tàng!

Trở lại câu chuyện “phát triển du lịch bền vững tại bán đảo Sơn Trà”. Người ta lý luận nhiều hai chữ “quy trình”, nào là “quy hoạch đúng quy trình”, làm việc “đúng quy trình”, đầu tư “đúng quy trình”… nghe ra thì rất đúng “quy trình”. Nhưng có một điều mà chưa “quy trình” nào nhắc tới đấy là văn hóa ứng xử với thiên nhiên. “Quy trình” là do chính con người đặt ra, chứ không phải trên trời rơi xuống. Quy trình cũng có khi chưa khoa học, thiếu chuẩn xác, chứ không phải là thứ bất biến. Nếu cứ dựa vào “quy trình” mà thiếu cái nhìn khoa học thì hỏng. Bài học về công tác cán bộ đúng “quy trình” ở một số địa phương vừa qua còn đang nóng bỏng trong dư luận.

Còn nhớ cách đây chưa xa, khi Quảng Nam - Đà Nẵng chưa chia tách, đúng vào thời kỳ đầu mở cửa thu hút đầu tư, khi ấy có nhà đầu tư nước ngoài đòi đặt nhà máy trên đỉnh Sơn Trà, một số cán bộ lãnh đạo địa phương đã có vẻ xuôi. Cũng may Sơn Trà còn giữ được như ngày nay là nhờ sự phân tích thấu đáo của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trong buổi họp liên tịch giữa địa phương - Quân khu 5 với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không dưới một lần nhấn mạnh tại các cuộc họp với các bộ, ngành và các địa phương việc “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”. Xin nhớ cho, lời khẳng định của người đứng đầu Chính phủ là mệnh lệnh phải tuân thủ.

Đặng Trung Hội