Từ vụ bắt Tổng giám đốc sàn vàng VGX

“Bóc mẽ” chiêu trò chơi vàng ảo

10:18 | 04/10/2014

1,350 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự (C45) phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (C50) đã bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở của Vũ Đức Hiếu - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư VGX và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Kế toán trưởng, phụ trách hoạt động thu, chi của Công ty VGX vì hành vi “kinh doanh trái phép”.

Năng lượng Mới số 362

Cấm vẫn chơi… 

Trong Văn bản số 369/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 30-12-2009 có thông báo về kết luận của Thủ tướng đối với hoạt động kinh doanh vàng và nêu rõ: “Không tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước dưới mọi hình thức. Chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày có Thông báo kết luận này, mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước phải chấm dứt hoạt động...”.

Và từ tháng 3-2010, tất cả sàn vàng do doanh nghiệp lập ra hay hoạt động kinh doanh vàng tài khoản của tổ chức tín dụng ở nước ngoài đang hoạt động đều phải đóng cửa. Nhưng Công ty VGX thành lập vào năm 2012 vẫn để nhà đầu tư “chơi” vàng tài khoản.

“Bóc mẽ ” chiêu trò chơi vàng ảo

Cơ quan Công an bắt Vũ Đức Hiếu và khám xét Công ty VGX

Tính đến thời điểm bị Cục Cảnh sát hình sự và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao “sờ gáy” Công ty CP Đầu tư VGX do Vũ Đức Hiếu làm Tổng giám đốc đã có khoảng 700 nhà đầu tư tham gia mở tài khoản với tổng số tiền giao dịch lên tới hơn 110 tỉ đồng. Giờ đây, chẳng ai biết số tiền hơn 110 tỉ của 700 nhà đầu tư sẽ đi đâu và liệu có còn hay đã mất.

Thông thường, sau khi “ông trùm” VGX bị bắt, hàng chục sàn vàng khác sẽ tạm thời ngưng hoạt động nghe ngóng động tĩnh từ cơ quan chức năng, nhưng trên thực tế hàng chục các công ty khác vẫn tổ chức cho các nhà đầu tư tham gia chơi vàng tài khoản một cách công khai. 

Tham khảo trên mạng Internet, thời điểm sau khi “ông lớn” VGX bị bắt, nhiều công ty vẫn giữ nguyên những thông tin hướng dẫn chơi vàng ảo thông qua phần mềm MT4 hay treo các banner quảng cáo, khuyến mãi, hướng dẫn người chơi một cách công khai.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Tuấn Anh - nhân viên tín dụng thuộc Ngân hàng Standard Chartered chi nhánh Hà Nội cho biết, trước khi giao dịch vàng tài khoản bị cấm năm 2010, hành động này đã rất rủi ro. Giờ bị cấm, nghĩa là sẽ không còn cơ chế bảo vệ các nhà đầu tư, thậm chí còn bị xử lý về mặt pháp luật”.

Theo ông Dương Tuấn Anh, thời điểm này chỉ còn một vài sàn vàng thực hiện các giao dịch, các sàn vàng lớn đã tạm ngưng giao dịch, các sàn nhỏ thì liên tục chuyển địa điểm giao dịch hòng qua mặt cơ quan quản lý.

Sàn vàng “né” luật như thế nào?

Có thể nhiều người không biết, thị trường vàng chui đã được mở ở nước ta từ nhiều năm nay. Mặc dù đã có lệnh cấm thực hiện giao dịch sàn vàng, tuy nhiên, vì lợi nhuận khủng, các sàn vàng “chui” đã tìm cách “lách luật”, hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm lôi kéo các nhà đầu tư mở tài khoản chơi vàng online.

Theo ông Dương Tuấn Anh, tại Việt Nam, các sàn vàng chui hoạt động theo kiểu trung gian. Họ làm người giới thiệu dựa trên kết quả giao dịch vàng ở thị trường Forex thế giới (Forex - Foreign Exchange: thường được viết là Forex hay FX hay spot FX, là thị trường tài chính lớn nhất thế giới, với số lượng tiền giao dịch mỗi ngày lên đến gần 4,5 nghìn tỉ USD).

Và thực chất, số tiền nhà đầu tư nộp vào tưởng được đem giao dịch với nước ngoài nhưng thực chất không phải vậy. Các khoản tiền này không được đưa ra nước ngoài mà nằm im trong túi các ông chủ sàn vàng. Các chủ sàn chỉ việc “ngồi mát ăn bát vàng” lấy số tiền của người thua bù cho người thắng cuộc mà không phải chi ra một đồng nào.

Để thực hiện, các chủ sàn vàng sẽ đóng vai một công ty chuyên tư vấn, giới thiệu, kết nối giúp khách hàng với các sàn FX nhằm tạo sự hiểu nhầm rằng, người chơi đã đầu tư tiền vào các sàn FX ở nước ngoài. Bước đầu tiên, nếu muốn tham gia giao dịch tại các sàn giao dịch vàng, nhà đầu tư phải nộp vào trước một khoản tiền nhất định, khoản tiền này được gọi là ký quỹ. Số tiền tối thiểu nộp vào quỹ ký gửi để bắt đầu tham gia là 100USD, không quy định mức tối đa.

Theo lý giải trên các website của các công ty môi giới, khoản tiền này đảm bảo cho nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán số vàng (gold) gấp 100 lần số tiền ký quỹ, đồng thời bao gồm luôn phí môi giới phải trả cho chủ sàn ngay khi phát sinh giao dịch. Tổng số phí thấp nhất là 10.000 đồng/1 lượng vàng được giao dịch.

Với các chủ sàn khi mới mở công ty tư vấn giao dịch vàng tài khoản, để lôi kéo người chơi, nhiều công ty đã cho khách hàng ứng trước số tiền “ảo” gấp 100 lần tiền ký quỹ (như Công ty VGX). Nếu khách thắng thì không sao nhưng nếu thấy khách thua gần chạm đến số tiền này, lập tức công ty sẽ hủy giao dịch. Vì vậy, khách hàng chỉ được phép thua trong số tiền thật có của mình.

Sau khi người chơi đóng tiền ký quỹ, chấp nhận các điều khoản chơi vàng tài khoản có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ không chơi trực tiếp trên sàn nước ngoài mà chơi “trên bàn tay” của chính các chủ sàn vàng. Sau đó, mặc kệ chuyện nhà đầu tư thắng hay thua, sàn vàng vẫn thu phần trăm dựa trên số lần và số lượng giao dịch.

Trong việc chơi vàng tài khoản, Công ty CP VGX đã sử dụng phần mềm MT4 làm mồi nhử “thượng đế” khi tham gia giao dịch vàng tài khoản. Cụ thể, Công ty VGX quảng cáo phần mềm này rất nhanh nhạy, giảm thiểu tình trạng trượt giá để khách hàng có thể chớp đúng thời điểm cần mua hoặc bán vàng và “bấm nút”.

Tuy nhiên, cái mà khách hàng không biết ở đây là các sàn vàng có thể can thiệp vào phần mềm, làm “đơ” chúng, thay đổi đồ thị trên phần mềm và không cho chốt giá. Điều này khiến khách hàng không thể dừng việc mua hay bán vàng theo ý muốn. Nên khi khách hàng thua thì mất tiền, thắng thì các chủ sàn đổ lỗi cho hệ thống, người chơi có muốn kiện cũng không biết phải đâm đơn đi đâu vì đây là hành vi vi phạm pháp luật, bị Nhà nước cấm.

Và đoạn kết của việc khách hàng đầu tư vào các sàn vàng tài khoản sẽ là câu chuyện “thượng đế” bị quỵt tiền. Vì khi khách hàng thắng, các chủ sàn vàng sẽ cao chạy xa bay, xóa dấu vết, mặc lên người bộ “quần áo mới” với nhãn công ty mới. Các “thượng đế” thì chạy đôn chạy đáo tìm tiền, không đòi được cũng chẳng biết kêu ai, vác đơn đi kiện lại càng không.

Không dễ dẹp

Theo ông Dương Tuấn Anh, việc khách hàng chơi vàng tài khoản không khác gì chơi bạc, người thắng bị quỵt tiền, thua thì ấm ức nhưng không dễ để xử lý triệt để: “Đây rõ ràng là một trò bạc bịp. Các chủ sàn đưa ra các chiêu trò dụ người chơi tham gia và hứa hẹn mức lãi suất lớn nhưng một khi người thua ấm ức họ chẳng giải quyết và người chơi cũng không thể làm gì được họ”.

Các chuyên gia vàng thì cho rằng, việc sàn vàng VGX đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư nhưng chắc chắn sàn vàng vẫn hoạt động. Một cán bộ quản lý vàng tài khoản tại thành phố Hồ Chí Minh tiết lộ thông tin với báo chí rằng sở dĩ VGX bị cơ quan chức năng “sờ gáy” là vì cơ quan công an chứng minh được toàn bộ hoạt động của sàn vàng này với người chơi đều ở trong nước, không chuyển tiền ra nước ngoài. Trong khi những sàn vàng chui khác tại TP HCM, cơ quan chức năng biết nhưng rất khó xử lý vì họ núp bóng đại lý môi giới cho các sàn vàng ở nước ngoài.

Theo số liệu từ Bộ Công an, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 30-40 đơn vị núp bóng dưới dạng tư vấn tài chính để hoạt động sàn giao dịch vàng, ngoại tệ online. Hai địa phương có lượng người tham gia đông nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ước tính doanh số giao dịch tại các đơn vị này lên đến hàng trăm tỉ đồng với hàng nghìn người tham gia.

Chơi vàng tài khoản trên Forex được ví như mang tiền đi đánh bạc nhưng vì lợi nhuận cao, nhà đầu tư luôn có nên ở Việt Nam mới nở rộ tình trạng tổ chức chơi vàng tài khoản chui. Tuy nhiên trên thế giới, đây lại là kênh đầu tư phổ biến. Thiết nghĩ để chấm dứt được hoạt động chơi vàng tài khoản cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như sự góp ý của các chuyên gia kinh tế thì tình trạng này mới được cải thiện.

Xuân Hinh