APEC và một nền kinh tế gắn kết

08:18 | 20/11/2011

442 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuyên bố chung và các văn kiện tiếp tục khẳng định mong muốn và quyết tâm của các thành viên APEC cùng nhau hợp tác nhằm xây dựng một nền kinh tế khu vực APEC ngày càng gắn kết hơn.

Sau hai ngày làm việc, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19 đã chính thức bế mạc ngày 15/11/2011 với cam kết thúc đẩy thương mại và tăng trưởng xanh. Tuyên bố chung và các văn kiện tiếp tục khẳng định mong muốn và quyết tâm của các thành viên APEC cùng nhau hợp tác nhằm xây dựng một nền kinh tế khu vực APEC ngày càng gắn kết hơn. Tuy nhiên, trong thời gian tới không phải không còn có những khó khăn, thách thức đối với khu vực này, đặc biệt là đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Không có gì ngạc nhiên khi các nền kinh tế thành viên trong một tổ chức có không gian rộng lớn như APEC vẫn còn có những bất đồng trong một số lĩnh vực như việc mở rộng TPP, hạ mức thuế quan đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh và giảm lượng khí thải carbon.

Các đại biểu Hội nghị cấp cao APEC 2011

Trên thế giới, khu vực APEC vẫn được coi là động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế mạnh, bền vững và cân bằng toàn cầu trong tương lai gần. Song điều đó lại phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu các nền kinh tế trong khu vực này có thể bảo vệ được hoạt động kinh tế khu vực vững mạnh của mình tránh bị suy yếu do những bất đồng này gây ra hay không. Thu hẹp những bất đồng này và mở rộng nền tảng chung luôn là kết quả của những cuộc thương lượng thẳng thắn và APEC, trong nỗ lực trở thành một gia đình lớn hòa thuận, chưa bao giờ xa lạ với cách tiếp cận này. Mặc dù vậy, khắc phục được những bất đồng này vẫn chưa đủ để bảo toàn được hiện trạng của khu vực với tư cách là “khu vực tiên phong cho tăng trưởng toàn cầu”. Các thành viên APEC nên hợp tác cùng với nhau và thực hiện các hành động cụ thể để biến các thỏa thuận của mình ở Hawaii thành hiện thực.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao ở mức đáng ngại ở trong nước, một nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp và chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới, đã nhận thấy sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ là cơ hội đưa nền kinh tế nước ông lấy lại đà tăng trưởng và người Mỹ có thêm nhiều việc làm. Tuy nhiên, là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ cần đảm bảo với phần còn lại của khu vực châu Á – Thái Bình Dương rằng, sự can dự của họ sẽ chỉ vì sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Tổng thống Obama đã đạt được thắng lợi ngoại giao quan trọng sau khi đồng minh thân cận của Hoa Kỳ là Nhật Bản quyết định tham gia các cuộc thảo luận về TPP. Tiếp sau là Canada và Mexico cũng cam kết sẽ tham gia đàm phán hiệp định này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cảnh báo số phận TPP nhiều khả năng sẽ không khác gì mấy so với vòng đàm phán Doha. Peter Petri, chuyên gia về TPP của ban cố vấn Trung tâm Đông – Tây, lưu ý với việc tham gia của Nhật Bản, một nền kinh tế lớn có sự bảo hộ ngành nông nghiệp, sẽ khiến cho các cuộc thương lượng trở nên đặc biệt khó khăn do nó vấp phải sự phản đối dữ dội của người nông dân nước này. Trong khi đó, Deborah Elms, người đứng đầu Trung tâm Thương mại & Thương lượng Quỹ Temasek, nhận định ngay cả việc Mexico muốn tham gia cũng sẽ “làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán” vì điều đó sẽ khiến nước này “phải nỗ lực hơn nữa trong việc mở cửa thị trường của mình so với trước đây”.

V.H