Xuất khẩu gạo: Chủ động không để “cuốn theo chiều gió” thị trường

09:30 | 18/08/2023

11 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những diễn biến về xuất khẩu gạo những tuần gần đây đến nhanh hơn không chỉ đòi hỏi phản ứng chính sách mau lẹ mà còn phải “hoá giải” được những diễn biến đó.

Những tháng đầu năm 2023, các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam dường như mang nhiều yếu tố lạc quan cả về thị trường lẫn giá cả và có nhiều diễn biến có vẻ không ngoài kịch bản của các cơ quan quản lý.

Tâm lý một năm “xuôi chèo mát mái” với xuất khẩu gạo đây đó đã xuất hiện.

Nhưng đến giữa năm, thị trường xuất khẩu gạo bỗng nhiên “trở gió” với một loạt diễn biến dồn dập. Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đột nhiên ban hành lệnh cấm xuất khẩu, Thái Lan một tên tuổi khác về xuất khẩu gạo cũng cho thấy những dấu hiệu khó lường về xuất khẩu gạo. Và đặc biệt, Trung Quốc thị trường gạo lớn nhất thế giới gặp những biến cố về thiên tai do biến đổi khí hậu khiến phải tăng lượng gạo nhập khẩu.

Đó là những yếu tố không có trong kịch bản. Yếu tố lâu nay đã rõ ràng là xung đột Nga-Ukraine. Yếu tố “giấu mặt” chính là biến đổi khí hậu.

Bài toán giữa bảo đảm nhu cầu lương thực và không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu đặt ra nhiều ẩn số, đòi hỏi không chỉ bản lĩnh của cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi một phản ứng vừa mau lẹ vừa phù hợp.

Xuất khẩu gạo: Chủ động không để “cuốn theo chiều gió” thị trường

Và giữa những yếu tố không có trong kịch bản, yếu tố rõ ràng, yếu tố “giấu mặt” đan xen nhau, trên cơ sở theo dõi sát cũng như phân tích tình hình, Bộ Công Thương đã nhanh chóng đưa ra cảnh báo sẽ xảy ra hiện tượng thu gom ồ ạt lúa gạo trên thị trường. Đây là hiện tượng không mấy lành mạnh, tác động trực tiếp đến mục tiêu ổn định thị trường lúa gạo trong nước và xa hơn là mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực cùng việc gây ảnh hưởng đến hình ảnh hạt gạo Việt Nam trong xuất khẩu.

Từ đó Bộ Công Thương kịp thời tham mưu cho Chính phủ có những động thái chỉ đạo cần thiết trong các văn bản liên quan đến xuất khẩu gạo, đặc biệt là Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Động thái cảnh báo sớm này của Bộ Công Thương hướng tới việc không để thị trường gạo trong nước “cuốn theo chiều gió” của thị trường gạo thế giới không phải là không có những tiếng nói nghịch. Có ý kiến cho rằng Bộ chỉ đạo như thế là “cứng nhắc” và có thể là “không cần thiết”.

Nhưng đến nay đã rõ, những cảnh báo sớm từ sự phân tích, nhận định tình hình được Bộ Công Thương đưa ra đã xuất hiện trên thị trường. Khi trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, tư lệnh ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, có tình trạng cố tình đẩy giá lúa gạo lên cao một cách bất hợp lý và theo Bộ trưởng Hoan cần bình tĩnh xử lý.

Tôi mong bà con nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau về thời cơ, mua bán không chỉ vì vấn đề được lợi trước mắt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Sự kiên trì trong nhận định, phân tích tình hình để có hành động đúng được Bộ Công Thương nhấn mạnh thêm tại Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.

Ở đây nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Bộ Công Thương nhìn nhận và trực tiếp giao cho đơn vị chức năng là Tổng cục Quản lý thị trường tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cùng đó “phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo”, Chỉ thị nêu rõ.

Các giải pháp khác theo chức năng nhằm thực hiện sát sao chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 610 và Chỉ thị 24 được Bộ Công Thương nêu ra tại Chỉ thị 07.

Quan điểm không để “cuốn theo chiều gió” của thị trường thêm một lần được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tại hội nghị về điều hành công tác xuất khẩu gạo tổ chức tại Cần Thơ mới đây.

"Trong lúc này thừa thế xông lên thì coi chừng “gậy ông đập lưng ông”. Một quốc gia nổi tiếng sản xuất lúa gạo mà lại lâm vào tình trạng thiếu gạo, giá gạo lên quá cao, để người dân khổ thì không thể chấp nhận được", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Cách đây vài năm trong câu chuyện bàn về xuất khẩu gạo của Việt Nam, có chuyên gia đề xuất việc thành lập hội đồng ngành hàng - cách như các nước đã làm và làm rất thành công với ngành hàng sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nước mình (mà với Việt Nam là ngành hàng gạo) như là một tổ chức liên kết công - tư có tất cả các thành phần trong chuỗi giá trị tham gia.

Tổ chức này kiểm soát các hoạt động đầu tư, phát triển, thị trường của ngành hàng cho quốc gia như quy hoạch, thu hút, bố trí đầu tư, cân đối xuất nhập khẩu và cả các dịch vụ như phát triển khoa học công nghệ, cho vay...

Phải chăng từ sự chủ động cảnh báo sớm như Bộ Công Thương thực hiện, đã đến lúc nghiên cứu để thành lập Hội đồng ngành hàng gạo Việt Nam để thực hiện chủ động hơn, hiệu quả hơn hai mục tiêu lớn ổn định an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo một cách bền vững.

Theo Báo Công Thương

Philippines đàm phán mua thêm gạo Việt Nam, Ấn Độ

Philippines đàm phán mua thêm gạo Việt Nam, Ấn Độ

Philippines đang đàm phán để nhập khẩu thêm gạo từ Việt Nam và Ấn Độ khi quốc gia Đông Nam Á này tìm cách hạ nhiệt giá gạo trong nước.