Xuân Tết với "Hiền nhân - thi sĩ"
Âm lịch - lịch Mặt trăng - Nông lịch - tiện cho việc nông tang (làm ruộng, chăn tằm) vì dễ thấy thời tiết và mùa vụ trên đồng.
![]() |
Xuân về trên rẻo cao |
Theo lịch ấy, ngàn năm nay, cư dân nông nghiệp theo tiết mà lễ, do đó mà sinh ra lễ tiết: Tiết đọc trại ra thì thành tết (sau này, còn có những nghĩa phái sinh như “Lễ tiết, tác phong quân nhân” chẳng hạn).
Đem trộn những lễ tiết ấy với tục thờ Trời Phật, tục thờ cúng tổ tiên và quan niệm “Trần sao âm vậy” trong sự mù mờ nhưng linh thiêng của “thế giới bên kia”, với ước mơ sinh sôi trù phú khởi từ mùa xuân..., người ta dần tạo ra hệ thống phong tục - tập quán - tín ngưỡng của mình. Lâu ngày, chúng thành ra văn hóa, rất đặc sắc.
Theo cái văn hóa ấy, mùa xuân là quan trọng nhất năm. Nó làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở, cỏ xanh hoa thơm, ong bay bướm lượn, động thực vật đều tràn trề sức sống - thực vật thì nảy lộc đâm chồi, “cải lão hoàn đồng” cả cổ thụ; động vật thì “động dục” - “ngủ với nhau” - để duy trì nòi giống (tất cả các loài động vật đều “ngủ với nhau” vào mùa này, duy chỉ có con người là “ngủ với nhau” suốt cả 4 mùa - thật quá đáng!).
Lễ tiết (tết) lớn nhất mùa xuân và nhất năm luôn là Tết Nguyên Đán. “Nguyên” là “Khởi đầu”, “Đán” là “Buổi sớm”. Tết Nguyên Đán khởi đầu mùa xuân, cũng là khởi đầu cho một năm mới. Nó là “Buổi sớm khởi đầu” cho niên lịch Mặt trăng.
![]() |
Xuân Tết với |
Hay thế, quan trọng thế, kỳ diệu thế, cỏ cây còn thế, thế thì người thế nào?
Nhân gian cảm xuân còn trên cả vạn vật. Trong nhân gian, những “hiền nhân - thi sĩ” cảm xuân nhạy nhất, sâu sắc nhất xưa nay. Ngũ quan của họ nhạy hơn thiên hạ đã đành, họ lại có nhiều tình ý hay và đủ chữ nghĩa để biểu lộ tình ý của mình hơn người.
Này nhé! Khi xuân còn chưa lộ ra chồi búp, còn “giấu mặt”, Nguyễn Trãi đã biết và viết:
Cành có tinh thần, ong chửa thấy
để:
Phiến sách, ngày xuân ngồi chấm câu.
Rồi ông mới viết:
Chim kêu, hoa nở, ngày xuân tĩnh
Lạ thật! “hoa nở” lặng lẽ thì không nói nữa, nhưng đã “chim kêu” thì sao lại còn “xuân tĩnh” được? Hóa ra, “xuân tĩnh” là lòng người mùa xuân bình an - yên hòa, khi được hạnh thụ phúc lộc trời đất ban cho lúc xuân về đó thôi. Cỡ 700 năm trước, viết thế, chả “hiền” là gì?
Sau này, Nguyễn Công Trứ, một “hiền nhân - thi sĩ” khác, cũng viết:
Liễu hoàn cực lục, oanh do tĩnh
Đào thỉ tân hồng, điệp vị tri
Tạm dịch:
Liễu cũ xanh rồi, oanh chậm hót
Đào mới hồng lên, bướm chửa hay!
Mãi sau này nữa, Hàn Mặc Tử lại viết:
Chàng ơi! Chàng ơi! Sự lạ đêm qua
Mùa xuân tới, mà không ai biết cả!
Hay thật! Đến tình nhân của thi sĩ còn biết xuân về, từ khi “không ai biết cả”. Thế thì thiên hạ chẳng kém nhạy là gì?
Đến cuối xuân, tiết Thanh minh, thì xuân đã rõ quá rồi và “đẹp như tranh”, để Nguyễn Du tả:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Trần Nhân Tông - ông vua hóa Phật - vốn là thiền gia, mà cũng không thể không vung bút trước mùa xuân:
Tan giấc, mở cửa sổ
Thì ra, xuân đã về
Phần phật đôi bướm trắng
Bay vào hoa ngoài kia!
Xưa nữa, Lý Bạch viết:
Xin anh đừng buông chén
Xuân đang cười với ta
Mận đào như bạn cũ
Nghiêng về ta trổ hoa.
Nghìn năm sau, Nguyễn Bính viết:
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Ra khỏi cổng làng, tôi bỗng thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.
Thảo nào, người ta thường dùng chữ “thanh xuân” - “xuân xanh” - để trỏ mùa xuân đã đành, mà cũng còn dùng để nói về tuổi trẻ nữa. Hàn Mặc Tử viết:
Trong làn nắng ửng: Khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang...
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi:
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...
Trên kia đã nói về Tết Nguyên Đán. Thật thích khi đọc Đoàn Văn Cừ viết “Chợ tết”:
... Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
Mấy cô bé ôm nhau cười rũ rượi
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết...
Trước đó nhiều, Hồ Xuân Hương tả cảnh chơi đu ngày tết:
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Rồi mỗi người một cách. Tú Xương viết về tết Nam Định thời Pháp:
Đì đẹt ngoài sân, tràng pháo chuột
Om thòm trên vách, bức tranh gà
Chí cha chí chát khua giày dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là!
Và:
Thiên hạ tan rồi còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi!
Tản Đà “Khóc tết” vì nghèo:
Trời ơi! Ới tết ơi là tết!
Bác hãy còn hay, tôi mới chết
Gạo tẻ đong chịu, nếp thời không
Áo vợ rách tan, chồng cũng hết
Con theo cạnh nách - mếu môi sò
Nợ réo ầm tai - câm miệng hến
Trời còn để sống đến trăm năm
Lại mấy mươi bài thơ khóc tết!
Nguyễn Khuyến, nhân tết mà ca ngợi phẩm chất bình dị, kiên cường và hữu ích của cây quất, quả quất:
Yêu vì cay không tê
Yêu vì chua không gắt
Yêu vì ngọt khác đường
Yêu vì đắng khác mật
Đã cho ta miếng ngon
Lại có công dã tật
Chẳng ganh ai thơm tho
Chẳng tranh ai đẹp tốt
Vườn nhỏ dễ yêu mình
Rét đông không khuất phục
Quân tử thay gã này
Bọn thường khó sách kịp.
v.v... và v.v...
Nhưng tết, vì hay vì đẹp, vì giàu, vì nghèo, vì mất nước đã đành, còn khiến “hiền nhân - thi sĩ” cầm bút vì bao lẽ khác nữa.
Vì vắng giai nhân:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
(Nguyễn Du)
Vì tính “thời vụ”, “bạc bẽo” của tết:
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!
(Hồ Xuân Hương)
Vì xa chồng - lạnh lùng thân cô phụ:
Từ ngày chàng bước chân đi
Đông qua xuân lại, chửa khi nào về
Năm lần đào nở song khuê
Cầm thư chàng gửi, não nề lòng ta!
(Lý Bạch)
Có người vợ trẻ vô tư lự
Ngày xuân trang điểm bước lên lầu
Chợt thấy liễu mềm bên lối nhỏ
Tiếc để chồng đi kiếm tước hầu!
(Vương Xương Linh)
Vì Xuân - Tết cho người ta thêm tuổi, thì cũng đẩy người ta về phía xa xuân, về cái già, một nấc:
Dây dài khôn buộc mặt trời
Xưa nay ngồi ngẫm sự đời mà cay:
Chất vàng cao chín tầng mây
Cũng không mua được một ngày xuân xanh!
(Lý Bạch)
Ở ta, về việc này, Ngô Thì Nhậm cũng viết:
Mãn thành mai vũ mãn thành xuân
... Lão chí hữu tài nan mãi thiếu!
Tạm dịch:
Khắp thành mưa sớm, khắp thành xuân
... Già đến, tiền nào chuộc tuổi xuân?
Cho nên, nghĩ và làm như Vương Duy là thông thái:
Mỗi ngày, người già đi
Mỗi năm, xuân lại đến
Có rượu là vui rồi
Kệ hoa bay bên chén!
Hay là cứ “dứt khoát” như Nguyễn Công Trứ cũng tốt:
Tối ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mồng Một, rượu say túy lúy, dang tay bồng ông Phúc vào nhà!
Nhưng suy cho cùng, cứ nghĩ như mình là thú nhất:
... Chợt mềm trên mí mắt
Tết, gặp mưa sữa về
Này già, này thì cũ
Lại non như tóc thề
Xuân Kỷ Hợi - 2019
Đỗ Trung Lai
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025