Trung Hoa danh trà

15:29 | 09/02/2019

628 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày nay, có hàng trăm quốc gia sử dụng trà làm đồ uống hằng ngày. Có nhiều giai thoại về nguồn gốc của trà, nhưng thuyết phục nhất vẫn là nguồn gốc Trung Hoa với phát hiện của hoàng đế Thần Nông vào năm 2737 trước Công nguyên.

Trà được gắn với văn hóa Trung Hoa bằng vô vàn tên gọi đặc biệt kèm theo các điển tích hấp dẫn. Văn hóa Trung Hoa thể hiện phong cách thưởng trà đặc sắc và các loại trà: Thiết Quan Âm, Bích La Xuân, Hoàng Sơn Mao Đài, Lục An Qua Phiến, Tín Dương Mao Tiêm, Tây Song Bản Nạp, Long Tỉnh, Chấn Hồng, Lục Bảo, Phổ Nhĩ, Ô Long… Trong đó nổi tiếng nhất là 3 loại trà Long Tỉnh, Bích La Xuân và Ô Long.

trung hoa danh tra 526632

Trà Ô Long

Trà Long Tỉnh được trồng và chế biến ở nơi được gọi là “thiên đường của hạ giới” - Hàng Châu, nơi có khí hậu rất mát mẻ và nguồn nước dồi dào. Trà Long Tỉnh được vị vua triều Thanh - Khang Hy phong là Hoàng trà (trà dành cho vua). Tương truyền, khi vua Càn Long (cháu nội của Khang Hy) vi hành phương Nam, ghé thăm một vườn trà, uống thử và rất thích thú với hậu vị thanh ngọt lưu lại sâu đậm, nhân lúc nhìn xuống một cái giếng trong, thấy bóng cây trà lung linh như rồng bay lượn trên mặt nước, liền nảy ra ý tứ, đặt tên cho loại trà này là Long Tỉnh, nghĩa là Giếng rồng.

trung hoa danh tra 526632

Trà Long Tỉnh được coi là trà thượng đẳng vì sở hữu cả 4 yếu tố điển hình là hương, sắc, vị và dáng lá đẹp. Người dân trồng, chăm bón và thu hoạch trà cũng rất cầu kỳ, chia ra tới 16 phẩm cấp khác nhau, tỉ mỉ chọn lọc và thu hái lá trà theo mùa, tiết khí hậu từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm. Trong các loại trà Long Tỉnh thì Xuân Tiền trà - loại trà được thu hoạch vào trước tiết Thanh minh - được coi như báu vật.

Các công đoạn sao và chế biến trà Long Tỉnh cũng được coi như “pháp bảo” của Trung Hoa, mất tới 8 giờ, hoàn toàn bằng tay và là bí quyết được truyền đời nọ qua đời kia. Trà Long Tỉnh thường được pha bằng cốc thủy tinh trong suốt vì người Trung Hoa thưởng trà này bằng cả thị giác, khứu giác và vị giác. Cốc đầu để ngửi, cốc sau mới uống và cốc sau cùng để ngắm nhìn và bình luận.

trung hoa danh tra 526632
Trà Long Tỉnh

Trà Bích La Xuân (có người gọi là Bích Loa Xuân) khi xưa còn có tên là “Hách Sát Hương Nhân” thuộc loại thanh trà vùng Thái Hồ, tỉnh Giang Tô.

Tên Bích La Xuân cũng là từ truyền thuyết mà có. Phía đông núi Động Đình có đỉnh Bích La, cây trà mọc hoang dã trên vách đá dựng đứng. Người dân trong vùng thường tới hái lá về uống. Một lần, vào tiết hái trà, mọi người lên núi, thấy cây trà cành lá xum xuê, ai cũng thi nhau lấy, giỏ tre đựng không đủ, bèn giắt thêm vào ngực áo. Lá trà ấp vào ngực, gặp hơi nóng tỏa ra từ cơ thể, phát ra hương thơm kỳ lạ. Mọi người nhất loạt thốt lên: “Nhân hương”. Từ đó về sau, mỗi lần hái trà, người ta không dùng giỏ tre mà đều ôm vào ngực. Vùng này có người tên là Chu Chính Nguyên rất giỏi pha chế trà “Nhân hương”. Một hôm Hoàng đế Khang Hy du ngoạn Thái Hồ, ông bèn dâng lên chén trà “Nhân hương”. Nhà vua uống thử thấy quá ngon, lại cảm thấy tên gọi không xứng và chưa đủ ưu nhã, liền đổi thành “Bích La Xuân”.

trung hoa danh tra 526632
Trà Bích La Xuân

Người xưa có hẳn một bài thơ về truyền thuyết này:

Động Đình sơn có đỉnh Bích La

Cheo leo vách núi một giống trà

Sơn nữ hái trà trèo vách khó

Liền đem trà ấy ủ ngực hoa

Ngờ đâu trà tỏa hương kỳ lạ

Ngây ngất lòng người khách thưởng trà

Từ ấy giống trà cùng cách ướp

Bích La tên gọi tiếng đồn xa.

Bích La Xuân thường được thu hái vào đầu xuân nên có sắc xanh biếc, những búp trà Bích La Xuân xanh non, tụ phấn phơn phớt trắng rất đẹp.

Trà Bích La Xuân vang danh thiên hạ bởi những yếu tố: Nước trong mà xanh biếc, mùi thơm ngát, vị thuần khiết ngọt lạnh, cho người uống cảm giác thư thái, sảng khoái.

Thu hái Bích La Xuân cần có tay nghề cao, phải hái vào lúc sáng sớm, hái lá trà lúc còn non. Hằng năm từ tiết Xuân phân đến Cốc vũ, phải chọn ngày trời trong xanh mát mẻ để thu hái. Để sao chế 500g Bích La Xuân cao cấp ước chừng cần hái khoảng 70-90 nghìn búp trà non. Người ta còn chọn giờ trong ngày để thu hái và sao chế Bích La Xuân như sau: Từ 5-9 giờ thì hái trà, từ 9-15 giờ thì chọn lọc, từ 15 giờ đến tối là sao trà, tuyệt không để trà qua đêm. Quy trình sao chế thủ công đặc sắc là tay không rời trà, trà không rời nồi, giữa vò có sao, trong sao có vò, sao vò kết hợp, thao tác liên tục, đến lúc nổi lên thì thành.

Trà Ô Long là một giống trà quý được trồng nhiều ở Phúc Kiến, Quảng Đông và nổi tiếng nhất là ở Đài Loan. Trà Ô Long được chế biến theo phương pháp độc đáo là cho lên men một nửa bằng cách phơi lá trà ngoài nắng cho héo, lắc nhẹ rồi phơi tiếp trong râm cho đến khi lá chuyển sang màu vàng nhạt để các phản ứng sinh hóa diễn ra từ từ và làm tăng hoạt động của enzim. Sau đó trà Ô Long được đem đi sấy nhẹ và vo tròn để các cấu trúc tế bào được giữ nguyên vẹn. Sản phẩm thu được bằng cách dừng quá trình ôxy hóa ở khoảng giữa của trà xanh và trà đen, quá trình này được thực hiện trong 2-3 ngày.

Hương vị của trà Ô Long rất khác nhau tùy theo chủng loại và cách sao chế. Trà Ô Long có loại ngọt ngào với mùi vị trái cây, có loại mang mùi hương mật ong, hương hoa. Hương rất thơm và bền, vị nồng hậu, nước xanh hoặc xanh vàng.

Các biến thể khác nhau của trà Ô Long dó chế biến khác nhau, được hình thành bởi cách cuộn lại thành lá dài nhọn, hoặc quấn, cuộn tròn thành hạt nhỏ

Ngân Hà

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.