Xử lý nợ xấu: Khó sẽ chồng khó!

16:33 | 28/11/2023

488 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo dự kiến đến tháng 5/2024, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc xử lý nợ xấu sẽ đối mặt với khoảng trống pháp lý trong ít nhất nửa năm bởi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Nếu quá trình luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42 diễn ra chậm, thì ngân hàng và các tổ chức tín dụng càng thêm khó khăn khi xử lý nợ xấu.
Xử lý nợ xấu khó sẽ chồng khó
Ảnh minh họa

Tình hình nợ xấu đáng lo ngại

Tại phiên thảo luận tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề cần lưu ý là nợ xấu đang cao và sẽ tiếp tục gia tăng, phản ánh sức khỏe thực của nền kinh tế.

Tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2,0% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.

Theo đại biểu, nếu loại trừ các ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tỷ lệ này là 2,86%. Đáng quan ngại, nếu cập nhật tới ngày 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, mà nguyên nhân chính là do nợ xấu của một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt.

"Con số này sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn. Điều này lý giải một phần tại sao tín dụng ngân hàng 9 tháng năm nay tăng chậm", đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định.

Xử lý nợ xấu: Khó sẽ chồng khó!
Ảnh: NĐTT

Thống kê của VNDirect, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tiếp tục duy trì xu hướng tăng lên 2,24% tại cuối quý III/2023 - mức cao nhất kể từ năm 2017.

Báo cáo tài chính quý III/2023 của các ngân hàng niêm yết cho thấy, tỷ lệ nợ xấu cũng như tổng nợ xấu mới hình thành đang ở mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Riêng nợ xấu tuyệt đối của 27 ngân hàng niêm yết hiện tăng tới 61% so với đầu năm.

Thực tế cho thấy, mặc dù các ngân hàng "dồn tâm dồn lực" để xử lý nợ xấu nhưng từ đầu năm đến nay, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân được chỉ ra là do thị trường bất động sản ảm đạm, giao dịch sụt giảm, giá trị tài sản đảm bảo giảm sâu.

Như LPBank ghi nhận chất lượng tài sản giảm so với quý trước với nợ xấu tăng hơn gấp đôi lên 7,36 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,46% hồi đầu năm lên 2,79%, mức cao nhất trong 5 năm qua.

Tại BacABank, tổng nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 9 là 762,3 tỷ đồng, tăng đến 48,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt gần 145 tỷ đồng, tăng tới 245%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 289% lên mức 193 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,55% hồi đầu năm lên 0,7% cuối quý II và 0,77% cuối quý III/2023.

Còn ở PGBank, nợ xấu đến cuối tháng 9 đã tăng lên mức 796 tỷ đồng. Mức tăng mạnh nhất là nợ nhóm 3 từ 62 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 176 tỷ đồng vào cuối quý III/2023. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 436 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 55% tổng nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,56% hồi đầu năm lên 2,61% vào cuối quý III/2023.

Tương tự, tỷ lệ nợ xấu của HDBank bắt đầu tăng từ quý II và đến quý III/2023 đạt 2,3% (tăng thêm 0,1% so với cuối quý II). Tỷ lệ nợ xấu của ACB liên tục tăng kể từ quý IV/2022, đến cuối quý III/2023 ghi nhận mức 1,2%. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank trong 3 quý gần nhất lần lượt là 0,8%, 1,1% và 1,4%.

Tỷ lệ nợ xấu của VPBank tăng từ 3,88% cuối quý II lên 3,96% cuối quý III/2023. Nợ xấu tại BaoVietBank tăng 39% so với đầu năm, nâng tỷ lệ nợ xấu từ mức 3,34% hồi đầu năm lên 3,98% khi kết thúc quý III/2023. ABBank là 4,6%, trong khi cuối năm 2022 là 2,9%.

Chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa từng đưa ra cảnh báo, hệ thống ngân hàng cần chuẩn bị tâm lý đối mặt với "cơn bão" mới đó là nợ xấu ngày hôm nay chưa được xử lý xong thì lại có thêm nợ xấu mới và như vậy sẽ gây áp lực rất lớn đến tình trạng tài chính của các ngân hàng thương mại. Nếu tính cả việc giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ, thì nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ còn tăng ít nhất là gấp đôi.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM cũng đưa ra nhận định, nợ xấu hiện tại là đáng lo và cần giải pháp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Nếu tính đúng, tính đủ, nhất là sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực, các NH sẽ phải trích lập đầy đủ các khoản nợ được cơ cấu khiến nợ xấu có thể cao hơn hiện tại. Nếu tính cả nợ xấu của ngân hàng SCB sẽ là nỗi lo nợ xấu cho ngành ngành ngân và nền kinh tế.

Giải pháp nào để lấp khoảng trống pháp lý?

Tình hình nợ xấu ngày càng trở thành áp lực lớn đối với các ngân hàng và điều khiến ngân hàng và tổ chức tín dụng lo ngại nhất trước mắt là Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 năm nay.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Điều này đã dấy lên những lo ngại khi nhiều ý kiến cho rằng, nợ xấu đang phình to trong khi Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này đưa vào nhiều nội dung của Nghị quyết 42, đồng thời bổ sung một loạt quy định khác nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về xử lý nợ xấu, nhưng lại chưa được thông qua.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế-xã hội. Việc xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo luật.

Như vậy, nếu quá trình luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42 diễn ra chậm, trong khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thì ngân hàng và các tổ chức tín dụng càng thêm khó khăn khi xử lý nợ xấu.

Để tránh khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu, hiện có ý kiến cho rằng, Quốc hội nên gia hạn Nghị quyết 42 thêm 6 tháng nữa.

Lý do là, trong bối cảnh nợ xấu ngày càng tăng, thị trường mua bán nợ chưa hình thành, các tổ chức tín dụng cần sự hỗ trợ của rất nhiều cơ quan, ban ngành trong xử lý nợ xấu. Cụ thể, Tổng cục Thi hành án dân sự cần rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ để tập trung giải quyết dứt điểm, đảm bảo giá trị tài sản thu hồi là lớn nhất. Bộ Công an cần kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, giúp việc thu giữ xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ diễn ra theo quy định pháp luật…

Trước đó, tại phiên thảo luận trước Quốc hội ngày 10/6 về dự án Luật Các TCTD (sửa đổi), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 42 ra đời với mục tiêu là để tạo một cơ sở pháp lý, tức là thông qua cơ chế thí điểm để giải quyết nợ xấu khi nợ xấu ở mức cao vào năm 2017 và thực tiễn triển khai cho thấy được là nợ xấu đã giảm rất nhanh.

Xử lý nợ xấu: Khó sẽ chồng khó!
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: quochoi.vn

"Thông qua Nghị quyết 42 đã tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay và qua đó làm tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay, đã là đi vay thì phải trả nợ", Thống đốc nói.

Người đứng đầu NHNN cho biết, trong quá trình xử lý nợ xấu, một vấn đề rất quan trọng là thu giữ tài sản đảm bảo. Dự thảo luật đã quy định là việc thu giữ tài sản đảm bảo phải gắn với việc giữa tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và khi khách hàng không trả được nợ thì tổ chức tín dụng mới được thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý thu hồi nợ. Với tính chất là trung gian tài chính thì các tổ chức tín dụng là người cho vay nhưng thực chất đó là tiền của người gửi tiền, vì vậy, cho vay thì phải thu hồi để chi trả cho người gửi tiền.

"Các quy định về thu giữ tài sản đảm bảo cũng phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật. Nếu không có các quy định này có thể các tổ chức tín dụng sẽ rất e ngại khi quyết định cấp tín dụng. Bởi ngay cả khi có tài sản đảm bảo nhưng các TCTD không chắc chắn có xử lý được hay không. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân", đại diện NHNN trao đổi.

Ngoài ra, có một số đại biểu nêu nên thông qua dự luật trong 3 kỳ họp, Thống đốc NHNN cho rằng, Nghị quyết 42 được gia hạn cho đến ngày 31/12/2023, nếu 3 kỳ thì sẽ có khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu đối với hoạt động ngân hàng.

Xử lý nợ xấu: Khó sẽ chồng khó!
Hạn mức tín dụng còn lại của các ngân hàng trong năm 2023.

Cùng với việc gia hạn Nghị quyết 42 thì nhiều ý kiến cũng cho rằng, NHNN nên cân nhắc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với việc gia hạn thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ thì cũng có không ít ý kiến cho rằng việc kéo dài thời hạn cơ cấu nợ, mặc dù có vẻ là một giải pháp có lợi ích ngắn hạn nhưng thực tế lại đem đến những hậu quả tiêu cực đối với việc quản lý nợ xấu. Điều này xuất phát từ việc thời gian kéo dài không phản ánh đúng bản chất của nợ xấu, làm mất đi tính minh bạch và khách quan trong việc đánh giá rủi ro tài chính. Mặc dù có thể giảm áp lực tạm thời cho ngân hàng và doanh nghiệp, nhưng lại tạo nên một "lợi bất cập hại" cho hệ thống tài chính nói chung.

Ngược lại, giải pháp tốt hơn là tiếp cận vấn đề một cách quyết liệt và linh hoạt. Ngân hàng và doanh nghiệp cần xem xét cơ cấu lại nợ một cách kịp thời và hiệu quả, đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn để ngăn ngừa sự gia tăng của nợ xấu. Điều này sẽ giúp hệ thống ngân hàng triển khai một cách mạnh mẽ cơ cấu lại tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo rằng quy định pháp luật liên quan được thực hiện đúng đắn.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng từng nêu ý kiến, trước khó khăn hiện nay khoản nợ cũ của các doanh nghiệp cho dù được cơ cấu nợ cũng khó trả được nợ. Do đó, tình hình nợ xấu của các ngân hàng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại. Trong khi triển vọng kinh tế năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị, NHNN rà soát, xem xét điều chỉnh Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phù hợp, đảm bảo cho các tổ chức tín dụng trong giai đoạn khó khăn này có thêm nguồn lực để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nền kinh tế. Ở góc độ ngân hàng cần quản lý chặt chẽ cho vay các lĩnh vực rủi ro cao nhằm giảm nguy cơ nợ xấu cho ngân hàng.

Nhìn nhận từ tinh thần mà Thủ tướng đã nhấn mạnh, cần phải hành động một cách quyết liệt để đối mặt với thách thức nợ xấu và đảm bảo sự minh bạch và khách quan trong quản lý tài chính. Điều này không chỉ là quan trọng với sự ổn định của hệ thống ngân hàng mà còn là cơ sở để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong kế hoạch năm 2024.

Vào thời điểm những tháng cuối năm, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Hàng loạt khoản nợ có tài sản thế chấp là bất động sản (BĐS), phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, nhà xưởng, xe cộ, thậm chí các khoản vay bằng vàng cũng được rao bán liên tục.

Để thu hút các bên mua nợ hoặc tài sản, một số ngân hàng còn tổ chức ngày hội thanh lý tài sản để giới thiệu các loại tài sản cần bán từ nhà đất, đất nền đến ô tô các loại. Đơn cử như VIB đang rao bán thanh lý một loạt ô tô từ xe sang như BMW, Mercedes đến xe tải, ô tô phân khúc bình dân với mức giá từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng...

Hải Minh