Xem lại “miếng bánh” hỗ trợ sáng tác

13:05 | 18/01/2014

761 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho đến bây giờ, vẫn có những tác giả coi việc được hưởng tài trợ sáng tác, được dự các trại viết như một thứ quyền lợi mặc nhiên. Họ coi như “miếng bánh bao cấp”, ai tranh giành thì kiếm miếng to. Điều đó thể hiện một sự vô trách nhiệm hết sức.

Năng lượng Mới số 292

Nhiều năm nay, Nhà nước rất quan tâm đến công việc sáng tác văn học nghệ thuật. Đã có khá nhiều khoản kinh phí được rót xuống để hỗ trợ cho văn nghệ sĩ sáng tác. Rất nhiều trại sáng tác được tổ chức ở khắp nơi trong nước. Về tổng thể mà nói, đây là một điều đáng mừng với giới làm văn học nghệ thuật vốn không mấy khi dư dả về mặt kinh tế. Càng ngày, mức hỗ trợ sáng tác càng cao dần, các trại viết cũng được tổ chức đi vào chiều sâu chứ không còn cào bằng như trước.

Có thể khẳng định, việc hỗ trợ là rất cần thiết. Có tài trợ, họ sẽ có điều kiện hơn, ít nhất là có một khoảng thời gian không phải lo đến cơm áo, gạo tiền để chuyên tâm cho tác phẩm của mình tốt hơn với cố gắng nhất có thể. Phải là người trong cuộc mới hiểu rằng, người làm nghệ thuật phải cực nhọc như thế nào khi sửa đi sửa lại hàng tuần, thậm chí hàng tháng cho một nét vẽ, một câu văn, một lời thoại, một nốt nhạc. Với người làm văn học nghệ thuật chuyên nghiệp, cảm hứng chỉ là cái cớ để họ khởi đầu một tác phẩm, để rồi sau đó, họ giằng xé, họ vất vả, họ vắt từng giọt mồ hôi, từng tế bào thần kinh để đưa tác phẩm đó đến với đời sống. Lúc này, cảm hứng được nuôi dưỡng, được duy trì trong suốt quá trình sáng tạo. Chính vì thế, việc họ được yên tĩnh trong một thời gian là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng có một số nhà văn từ chối việc hỗ trợ sáng tác này vì theo họ, sáng tác là nghiệp mà họ dấn thân.

Các tác giả dự trại sáng tác kịch bản sân khấu đi thực tế tại Kỳ Sơn, Nghệ An năm 2013

Thế nhưng, cái gì cũng có hai mặt. Có những tác giả “tuần chay nào cũng có nước mắt”, trại viết nào cũng hăm hở tham gia. Nhưng sau đó, không một tác phẩm nào đủ sức chống lại sự thẩm định khắc nghiệt của công chúng, hay nói đúng hơn là không thể đem ra dàn dựng, triển lãm hay xuất bản được. Tất nhiên, họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ là nhận tài trợ thì trả bằng tác phẩm, đi trại sáng tác cũng có tác phẩm nộp. Họ đều là những tên tuổi đã thành danh, nhưng hình như, giai đoạn sáng tác sung sức nhất đã lùi lại phía sau. Đôi khi, họ được nhận những khoản tài trợ, những lời mời dự trại sáng tác như một hành vi đền ơn đáp nghĩa thì đúng hơn. Giá như, những khoản đó để dành cho những tài năng mới thì có lẽ tốt hơn nhiều. Những người trẻ, mới vào nghề, rất cần những sự động viên, khích lệ cả về vật chất lẫn tinh thần để họ không thoái chí trên con đường nghệ thuật vốn rất gập ghềnh. Hơn nữa, việc họ tham gia những trại sáng tác cũng là một cơ hội tốt để họ được tiếp xúc, được nâng cao tay nghề và cả bản lĩnh nghề nghiệp - một điều rất quan trọng. Ở đó, họ học hỏi được ở bậc đàn anh, cha chú nhiều điều bổ ích.

Sở dĩ nói vậy là bởi vì trong nhiều đợt tài trợ, nhiều trại viết, người ta gặp không ít khuôn mặt quen. Đến mức phải đặt câu hỏi, nếu tác giả ấy, dù có giỏi đến mức nào đi chăng nữa, thì trong một năm, họ có sản xuất ra được nhiều tác phẩm chất lượng hay không? Tất nhiên, việc tài trợ sáng tác không bao giờ có thể cào bằng, năm ngoái đã đến lượt anh thì năm nay phải người khác, thế nhưng cũng nên tính toán đến việc sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Rõ ràng, kinh phí dành cho hỗ trợ sáng tác là từ ngân sách Nhà nước, cho nên phải đổi lại được những tác phẩm có ý nghĩa nhân văn, phục vụ được cho nhân dân. Nhìn theo góc độ kinh tế, chủ đầu tư phải thu lại được lãi, mà lãi ở đây chính là những tác phẩm hay và tốt. Cho đến bây giờ, vẫn có những tác giả coi việc được hưởng tài trợ sáng tác, được dự các trại viết như một thứ quyền lợi mặc nhiên. Họ coi như “miếng bánh bao cấp”, ai tranh giành thì kiếm miếng to. Điều đó thể hiện một sự vô trách nhiệm hết sức. Hãy thử làm một so sánh, ví dụ có một hãng nào đó bỏ tiền ra mời các văn nghệ sĩ sáng tác thì ông chủ hãng sẽ yêu cầu họ phải làm sao ca ngợi được chất lượng sản phẩm của hãng, ca ngợi đức độ tài năng của ông chủ. Nếu không, chẳng dại gì họ bỏ tiền ra cả, bởi đồng tiền của họ phải đem lại lợi ích gì đó, kể cả ngoài kinh tế.

Vậy nên, đã được hưởng tài trợ từ những đồng tiền thuế do nhân dân đóng góp, các văn nghệ sĩ cũng nên nghĩ về ý thức công dân của mình. Đừng biến những cơ hội đó thành cơ hội riêng để mình sáng tác theo cái tôi của mình. Tất nhiên, cái tôi trong sáng tạo hết sức cần thiết, nhưng nó phải phục vụ được mục đích chung. Còn nhiều dịp để tác giả sáng tạo riêng cho mình kia mà! Có một nhà văn đã nói, đại ý rằng ông đủ sức để sáng tác theo lối hậu hiện đại, bí hiểm, thừa khả năng để đánh bóng tên tuổi theo cách tạo cho mình một phong cách riêng, không giống ai để trở nên nổi tiếng, rồi từ đó dễ dàng kiếm tiền. Nhưng ông chọn cách sáng tác những tác phẩm dung dị, phục vụ được số đông độc giả, bởi ông tâm niệm, mình sinh ra từ miền quê này, mình biết viết, mình phải phục vụ ngay chính bà con mình, những người đã nuôi mình khôn lớn. Nhà văn ấy đã biết dẹp cái tôi - cá nhân của mình sang một bên, nhưng bên cạnh đó, ông vẫn đưa được cái tôi - sáng tạo của mình vào tác phẩm.

Một số nhà văn lớn tuổi, đã từng tham gia nhiều trại sáng tác, đã từng đôi lần nhận khoản tiền hỗ trợ sáng tác những năm qua cho rằng, mấy năm vừa qua, cách làm của Hội Điện ảnh và Sân khấu là tích cực, hiệu quả và khách quan hơn cả. Tác giả nào muốn dự trại sáng tác do Hội Điện ảnh và Sân khấu tổ chức thì phải nộp đề cương tác phẩm trước. Khi đề cương đó được thẩm định giá trị và chất lượng có tính khả thi để dàn dựng kịch bản sau này thì tác giá của đề cương đó được mời tới dự trại. Kịch bản viết xong, tác giả đọc cho mọi trại viên và Ban Tổ chức cùng nghe, đóng góp ý kiến rồi chỉnh sửa. Mỗi tác phẩm ra đời từ trại sáng tác đó được Ban Tổ chức trại hỗ trợ khoản kinh phí 4 triệu đồng. Các tác giả dự trại như thế đều cảm thấy hài lòng.

Tuy nhiên, các nhà sáng tác cũng thẳng thắn góp ý, phê bình cách làm của Hội Nhà văn Việt Nam. Bởi hằng năm hội này hỗ trợ tiền sáng tác cũng như mời tác giả đi dự trại thường thể hiện rõ tính cá nhân. Ban Tổ chức thân quen ai, thích ai thì mời người đó. Họ đến góp mặt cho vui là chính. Thành thử, có tác giả mấy năm liền không có tác phẩm nào “đứng được” nhưng vẫn cứ đều đặn được nhận tiền hỗ trợ sáng tác, vẫn được đi dự trại thường kỳ. Chính vì thế, hiệu quả đồng tiền mà Hội Nhà văn Việt Nam đầu tư chưa tương xứng với những kết quả thu nhận được.

Tóm lại, việc hỗ trợ sáng tác là rất cần thiết. Đầu tiên, đó là việc thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với những người làm văn học nghệ thuật. Thứ đến, việc hỗ trợ này, nếu được thực hiện bởi những người có tâm và có tầm, sẽ giúp ích được rất nhiều văn nghệ sĩ. Không thể tránh được những sai sót, nhưng nếu được thực hiện bằng cái tâm thực sự thì ngay cả những sai sót cũng dễ dàng được bỏ qua. Bởi mọi người đều mong rằng, từ việc hỗ trợ cụ thể sẽ xuất hiện một vài tác phẩm có giá trị. Thế đã là mừng lắm rồi. Vì tài năng, ở bất cứ giai đoạn nào, đều là của hiếm và cần phải được động viên bằng sự tinh tế.

Anh Thư