Vượt vũ môn

07:00 | 30/05/2013

639 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bây giờ mới có việc bỏ phiếu tín nhiệm làm cơ sở để đánh giá cán bộ chứ thực ra trong hệ thống chính trị ở nước ta, lá phiếu khi bầu cử từng là tài liệu tham khảo cho công tác cán bộ.

Thọ Vinh (NLM số 225)

Tôi nhớ ở địa phương nọ, trong một kỳ đại hội, ông sếp đương nhiệm được quy hoạch thêm một nhiệm kỳ nữa đã đỗ vớt. Số là thế này, theo sự chấp thuận của trên, địa phương được bầu 43 người vào ban lãnh đạo khóa mới. Ngay trong quá trình đại hội đã râm ran điều nọ tiếng kia về ông sếp này theo hướng mất tín nhiệm, nên thôi giữ chức. Nhưng ông vẫn ứng cử và hy vọng.

Tuy nhiên khi kiểm phiếu xong, đệ tử của ông mới tá hỏa khi thấy ông sếp nhất lại đứng thứ 45, nghĩa là ông trượt. Tình hình trở nên khẩn trương đến nỗi người ta phải phát huy sáng kiến kéo dài chương trình bằng văn nghệ chào mừng để ông kịp đi bẩm báo.

Cái khó ló cái khôn, người ta phải trình bày hoàn cảnh khách quan, viện dẫn chính sách này nọ chỉ nhằm xin phép bầu 45 người chứ không phải chỉ có 43 người cốt để ông sếp trúng cử. Cầu được ước thấy, đề nghị được chấp thuận. Nhờ đó ông sếp này vẫn trúng cử nhưng xếp đội sổ. Khi công bố kết quả, đệ tử của ông đã kịp thực hiện “đằng sau quay” nhằm “lập lờ đánh lận con đen” xếp danh sách theo chức sắc nên đứng vị trí số 1 trong danh sách những người trúng cử.

 

Nào ngờ, mẹo xấu lộ bem, tuy vẫn giữ chức cũ nhưng uy tín của ông lại không thể bảo toàn. Dư luận rì rầm về màn đảo chính “hậu kiểm phiếu” ngoạn mục khiến ông không sao đủ uy tín để làm việc. Người ta phải điều chuyển ông về một cơ quan Trung ương được mệnh danh là “chiếu nghỉ” cho các bác thất cơ lỡ vận chờ hết nhiệm kỳ, nhận sổ hưu để hạ màn. Và quả thật, ông này sớm hạ màn không kèn không trống.

Chuyện cũ vận ra nhân việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm 48 quan chức chủ chốt. Người ta không ngần ngại nêu quan điểm nếu bị tín nhiệm thấp nên chủ động xin từ chức. Trả lời báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: Với trường hợp chức danh nào có quá 2/3 số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì đương nhiên sẽ chủ động xin từ chức. Ý nghĩa của câu trả lời này tuy chưa rõ từ “sẽ” nên được hiểu là “nên” hay “cần”, thậm chí “phải” từ chức hoặc là tùy tâm đương sự.

Văn bản không quy định rõ các trường hợp này, ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời theo lẽ đời dù dân gian biết rằng, nếu vị nào có tỷ lệ tín nhiệm dưới 50% số phiếu, tức là đã bị tín nhiệm thấp. Mà một khi đã bị rơi vào hoàn cảnh mất tín nhiệm thì nên tự giác tự nguyện từ chức để khỏi bị bãi nhiệm.

Ai cũng biết đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Quy định này cũng áp dụng ở Hội đồng Nhân dân các tỉnh.  Được biết, toàn bộ tài liệu, báo cáo đánh giá kết quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến các đại biểu Quốc hội 20 ngày trước khi diễn ra kỳ họp.

Các tài liệu cũng phản ánh được kết quả công tác, đạo đức, tác phong của người được lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, kết quả còn phụ thuộc nhiều yếu tố, ví dụ như kết quả qua giám sát của Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực mà các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã, đang phụ trách, lãnh đạo; rồi thông qua chất vấn của Quốc hội, hoặc thông qua thực tiễn, ý kiến nhận xét đánh giá của cử tri…

Được biết tất cả những người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm cũng đều có kiểm điểm, đánh giá về kết quả công tác cũng như về đạo đức, tác phong… phản ánh phần nào việc thực hiện kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 .

Còn theo quy định của Nghị quyết 35 của Quốc hội thì việc xử lý kết quả tín nhiệm như sau: Nếu quá 2/3 đại biểu không tín nhiệm, tín nhiệm thấp thì đương nhiên chức danh đó sẽ chủ động xin từ chức. Trường hợp nào 20% số đại biểu Quốc hội có văn bản đề nghị thì cũng bỏ phiếu tín nhiệm ngay và việc xử lý phải chờ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Như vậy việc lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đến các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình dân chủ hóa. Ai đó đã rất đúng khi nói rằng, “nhỡn lực”  tinh tường của các đại biểu chân chính của nhân dân sẽ chấm điểm chính xác những người đang nắm giữ các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta. Hy vọng không ai rớt trong lần vượt vũ môn khó khăn này.

T.V