Vụ án Diêm Kiện Hồng

07:03 | 28/03/2019

897 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Diêm Kiện Hồng (Hoằng) từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh Quý Châu, Phó bí thư tổ Đảng, Thường vụ Chính hiệp tỉnh Quý Châu, Giám đốc điều hành Công ty Ủy thác đầu tư quốc tế tỉnh Quý Châu, do phạm tội tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng công quỹ, đầu cơ trục lợi đã bị tuyên án tử hình ngày 16-1-1995, cùng ngày đã bị giải tới pháp trường để thi hành án…

vu an diem kien hong

Vào một ngày trung tuần tháng giêng năm 1993, Trạm biên phòng La Hồ Kiều tiếp một vị quá cảnh đi du lịch rất đặc biệt, bà ta chính là Diêm Kiện Hồng - Giám đốc điều hành Công ty Ủy thác đầu tư quốc tế tỉnh Quý Châu. Và chỉ sau đó có một tuần, nhân viên của trạm biên phòng này đã không thể nhận ra bà ta nữa. Hình ảnh một cán bộ chất phác, giản dị đã biến mất và thay vào đó là một quý bà giàu có, sang trọng. Cán bộ biên phòng đã yêu cầu nhiều lần nên Diêm Kiện Hồng đành phải khai vào tờ hải quan những tài sản mang theo mình, gồm 1 máy đĩa hình hiệu Tiên Phong, 8 đĩa hình hát karaoke, 1 túi da lợn màu lá cọ kiểu nam giới, 1 áo khoác lông cừu kiểu nữ giới…

Trong 6 tháng đầu năm 1993 có một lá thư nặc danh từ Quý Châu gửi lên Ủy ban Kỷ luật Trung ương, trong thư tố cáo Diêm Kiện Hồng đã lợi dụng chức quyền để nhận hối lộ.

Do bức thư nặc danh đầy đủ các yếu tố: đầu mối rõ ràng, nội dung tỉ mỉ, xác thực, thái độ nghiêm túc nên đã thu hút được sự chú ý của Ủy ban kỷ luật trung ương. Và trong vòng một thời gian ngắn, một tổ chuyên án do Trương Lực, phụ trách phòng 9 của Ủy ban Kỷ luật trung ương đã được thành lập. Trung tuần tháng 7-1993, tổ công tác đã tới Quý Châu, ngày 30-7 tổ chuyên án này đã tiến hành điều tra nghiêm túc, toàn diện những vấn đề “vi kỷ” của Diêm Kiện Hồng.

Trải qua hai tháng phấn đấu gian khổ, Trương Lực và những người trong tổ công tác đã khắc phục khó khăn, vượt qua sự cản trở của chủ nghĩa bảo hộ địa phương nhiều tầng lớp, bước đầu khám phá sự việc. Tháng 10-92 qua sự giới thiệu, Diêm Kiện Hồng đã làm quen với Kim Khải Lợi - cổ đông ngoại thương, Phó Giám đốc điều hành tửu điếm Lệ Đô ở Thâm Quyến. Với dáng vẻ nhanh nhẹn, tháo vát, nhạy bén, lanh lợi, Kim Khải Lợi đã cuốn hút được Diêm Kiện Hồng. Sau khi ăn vài bữa cơm, nói qua dăm ba câu chuyện, Diêm Kiện Hồng đã cấp cho Kim Khải Lợi một tài khoản 70 triệu nhân dân tệ (NDT) và còn chỉ định ông ta làm Chủ nhiệm phòng đại lý của Công ty Quỹ Tín đóng tại Thâm Quyến.

Kim Khải Lợi tuy rất giỏi trong việc làm quen với các cấp lãnh đạo nhưng cũng không thể ngờ rằng mình lại có thể nhanh chóng nhận được sự tín nhiệm lớn lao như vậy của “Đệ nhất phu nhân tỉnh Quý Châu”, không những có 70 triệu NDT mà còn được làm “chủ nhiệm”. Đại hỷ chi dư, Kim đương nhiên phải nghĩ tới chuyện “thù tạ”.

Trung tuần tháng giêng năm 1993, Kim Khải Lợi đã mời Diêm Kiện Hồng, Lưu Bác sang Hồng Kông du lịch, phí tổn do Kim đài thọ. Trong thời gian ở Hồng Kông, Kim không chỉ tặng Diêm những tài sản đắt tiền, mà còn nhét túi bà ta 10.000 đôla Hồng Kông.

Qua điều tra, Trương Lực đã phát hiện hành động nhận hối lộ của Diêm Kiện Hồng không những “vi kỷ” mà đã vượt khỏi phạm vi, vi phạm pháp luật, đồng thời đã phạm tội hình sự như tham ô, lạm dụng công quỹ, đầu cơ trục lợi, vấn đề tương đối nghiêm trọng. Sau khi đã bàn bạc với những thành viên trong tổ chuyên án, Trương Lực đã đáp chuyến tàu tốc hành về Bắc Kinh để báo cáo tỉ mỉ, tường tận với Hội nghị Thường vụ Ủy ban Kỷ luật trung ương và đã đề ra những ý kiến lập án đầu tranh của mình.

Địa vị xã hội của gia đình Diêm và mức thu nhập kinh tế của họ cao hơn nhiều so với các gia đình khác, tuy căn nhà họ ở là của Nhà nước cấp nhưng diện tích nhà ở và trang thiết bị trong nhà thì ngang tầm với “Ân thực” - giàu có… Nhưng sự giàu có này cũng không bù đắp được những mất mát về tình cảm gia đình Diêm - cậu ấm Lưu Bác.

“Mẹ ơi, bạn cùng học với con thời trung học là Vương Lập mới đi Mỹ có hai năm đã lấy được “Lục Ca (tạp)” và còn mua được nhà nữa” - Lưu Bác nhắc tới lần thứ hai, Diêm mới tỉnh giấc, hôm đó là vào chủ nhật, một buổi sáng ảm đạm…

“Vương Lập? À, nhớ ra rồi? Nó có phải là con trai Chính ủy Vương thích chơi sung không? Sao, nó đi Mỹ rồi à?”. Giờ thì Diêm đã hiểu, trào lưu xuất ngoại vẫn đang rất thịnh hành, có không ít thanh niên đi Mỹ và khi đã “có của”, có chỗ dựa, không sớm thì muộn sẽ có “Lục Ca (tạp)”, trở thành công dân mới của nước Mỹ, trong số đó có một vài người đã mua được nhà ở Mỹ… Bà ta nghĩ: “Con trai ta hãy còn khá”, nó tuy yếu đến nỗi gió thổi bay nhưng vẫn muốn xuất ngoại!

Diêm nghỉ ba ngày ở nhà để chăm sóc “cậu ấm” và bà ta đã tìm ra được nguyên nhân: Lưu Bác muốn xuất ngoại. Nếu không thỏa mãn ước vọng của “cậu ấm” thì hậu quả khó có thể biết được. Nút đã được cởi và Diêm quyết tâm để con trai xuất ngoại đi Mỹ bằng bất cứ giá nào, chỉ cần trước khi nhắm mắt nhìn thấy khuôn mặt tươi cười mãn nguyện của con trai thì chết cũng yên lòng!

Sau hai năm, khi đã cầm trong tay “Lục Ca (tạp)” và trở thành công dân mới của Mỹ, Lưu Bác trở về nước thăm thân. Lúc gặp con, Diêm không tin vào mắt mình, đứng trước mặt bà là một thanh niên dung mạo hiên ngang, bà nắm tay con, nói: “Con à, con đã lớn rồi đấy”.

Tháng 6-1992, Trình Tinh Hối - Giám đốc Công ty phát triển Đại phát Chu Hải nhờ Diêm làm hộ “Đơn trình chứng” đi Hồng Kông. Diêm lập tức đáp ứng yêu cầu của Trình, nhưng Diêm cũng nhờ Công ty Phát triển Đại phát một việc riêng: “Giám đốc Trình đấy phải không, tôi là Diêm Kiện Hồng đây, tối thế này mà làm phiền giấc ngủ của ngài thật là áy náy quá”.

“Ồ, Diêm Giám đốc điều hành đấy ạ? Chào bà, vô cùng cảm ơn bà đã làm xong “Đơn trình chứng” nhanh như vậy, thật không biết lấy gì để cảm ơn bà đây. Bà đừng ngại, có gì cứ nói, tôi rất trọng hai chữ nghĩa khí khi quan hệ với bạn bè”

“Ông Trình à, tối như thế này mà tôi còn quấy rầy ông, tôi biết ông sẽ giúp đỡ bạn bè khi khó khăn, do vậy tôi mới tìm ông, chẳng giấu gì ông, con trai tôi đã định cư ở Mỹ, hiện cháu muốn mua nhà, đang cần gấp một số tiền, không biết ông có thể cho tôi mượn được không?”.

“Bà giám đốc, việc này dễ thôi mà, nhưng không biết bà cần bao nhiêu, bà cứ nói thẳng ra, giúp được tôi nhất định giúp”. Trình nghe rất rõ từ “tá” (mượn) nên lập tức trả lời ngay:

“150.000USD, nhà cửa bên Mỹ rất đắt, một ngôi nhà phải có mấy phòng, một vườn hoa, đấy là nước Mỹ mà, nó không giống như ở nước ta, thực tế…”.

Trong lúc Trình Tinh Hối gấp rút chuyển số tiền 150.000USD (chia ba lần) vào tài khoản của Lưu Bác ở Mỹ thì vừa hay Công ty Thực nghiệp Long Hóa của Quý Châu muốn yêu cầu Diêm Kiện Hồng cho vay 50 triệu NDT. Diêm lập tức đáp ứng, nhưng yêu cầu đối tác ngoài khoản tiền 425.000NDT thu theo luật định, Công ty Long Hoa còn phải trích lại 400.000NDT để Công ty Quý Tín mua xe ôtô. Ngày 4-12-1992, Công ty Long Hoa đã nộp cho Công ty Quý Tín tổng cộng 825.000NDT. Ngày hôm sau, Diêm Kiện Hồng đã chỉ thị cho kế toán công ty – Trương Giang trực tiếp trả 400.000NDT cho Trình Tinh Hối (theo sổ nợ của công ty), thực chất là đã chiếm hữu số tiền trên trả cho Trình số tiền 150.000USD mà bà ta đã nợ.

Có lần thứ nhất, ắt phải có lần thứ hai và từ đó về sau Diêm đã không từ cơ hội kiếm lời nào cho bản thân. Ngày 18-12-1992, Phó tổng giám đốc Công ty Quý Tín - Tống Khiết Như đã tới Công ty Bất động sản Hải Nam với danh nghĩa lấy tiền để phát tiền thưởng cho công nhân Công ty Quý Tín, Tống đã lấy 100.000NDT tiền mặt ở chỗ ông Cao Thần - Giám đốc Công ty Bất động sản Hải Nam. Ngày 2-1-1993, sau khi trở về Quý Dương, Tống đã đưa toàn bộ số tiền 100.000NDT cho Diêm và nói rõ đây là tiền thưởng cho anh em công nhân. Nhưng ngày 5-1-93, số tiền trên đã vào tay Diêm.

Tháng 3-1993, Diêm phái Tống Khiết Như và một vài người tới Quảng Đông để lấy 7,1 triệu NDT (tiền bồi thường chênh lệch do điều chỉnh tỉ lệ ngoại hối). Ngày 12-4-93, Diêm lấy lý do vay tiền hộ, yêu cầu Tống rút 100.000NDT trong số 7,1 triệu NDT đưa cho bà ta. Tống yêu cầu Diêm phải có đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục, Diêm đã lập tức rút ra giấy biên nhận giả đã chuẩn bị từ trước để lấy 100.000NDT hòng che giấu hành động nuốt không số tiền trên.

Khoảng thời gian tháng 5, tháng 7-1993, Diêm đã lợi dụng cơ hội nhận bảo hiểm của Công ty Quý Tín với các công ty khác để nhận tiền bảo hiểm với số tiền 14.300USD và 55.000NDT.

Ngày 3-6-1993, Công ty Bất động sản Trường Hồng, Hải Nam đã trả 1.36 triệu NDT (tiền lợi tức tài khoản) và 1,5 triệu NDT (tiền lợi nhuận bao thầu, làm khoán) cho Quý Tín. Cao Đại Toàn, Giám đốc đã trực tiếp chuyển 1,5 triệu NDT vào tài khoản của Công ty Thực nghiệp Quý Tín, Hải Nam theo sự gợi ý của Diêm, để thoát khỏi sự khống chế của Công ty Đầu tư Quý Tín đối với số tiền 1,5 triệu NDT. Ngày 15-9, Diêm, Tống và Cao đã “dùng ma thuật” nuốt gọn 1,5 triệu NDT.

Trở lại thời gian của tháng 8-92, khi đó cậu ấm Lưu Bác đang lang thang tại Mỹ, sau khi được mẹ giới thiệu, cậu đã vay Trình Tinh Hối 300.000USD, đổi được 2.175.000NDT để mua tín phiếu Tam Tinh. Nhưng mới được ½ tháng, do cần tiệt đặt cọc 2.006.400NDT để mua ngôi nhà của Công ty Trị Phong Hồng Kông, Trình đã hối thúc Lưu Bác trả nợ. Và sau cú điện thoại của cậu, ngày hôm sau Diêm đã chỉ thị cho Giám đốc Xí nghiệp quốc tế Quý Tín họ Miêu xuất tờ séc 2.006.400NDT cho Trình để trả tiền đặt cọc mua nhà vào trung tuần tháng 9-92, thực tế là trả nợ cho Trình

Hạ tuần tháng 7-92, Hội nghị “5 tỉnh 7 thành phố” đã họp tại phòng họp của khách sạn Hồng Đôm Côn Minh. Lúc nghỉ, Diêm đã gặp Trần Đạt Lợi, thương nhân người Hồng Kông để “bàn chuyện làm ăn” - mua thuốc lá thơm loại “Hồng Tháp Sơn” (một loại thuốc thơm đắt tiền ở Trung Quốc - ND). Biện pháp cụ thể là Trần Đạt Lợi viết thư giới thiệu với Công ty Thuốc lá tỉnh Sơn Đông, Diêm đảm nhiệm việc “đả thông quan tiết”, giải quyết việc bán mua. Sau khi có trong tay lá thư giới thiệu của Trần, Diêm lập tức tới Tỉnh ủy Vân Nam tìm người bạn cũ của chồng để lừa đồng chí này phê chỉ thị “đề nghị xưởng thuốc lá Ngọc Khê giải quyết việc mua bán thuốc lá” lên thư giới thiệu. Tối hôm đó, Diêm đã chuyển thư giới thiệu đã có “chỉ thị” này cho Trần Đạt Lợi.

Chính nhờ vào “chỉ thị” này mà Trần Đạt Lợi đã dễ dàng có được 1.000 kiện “Hồng Tháp Sơn” từ xưởng thuốc lá Ngọc Khê. Sau đó Trần đã bán ngay số thuốc lá trên cho công ty thuốc lá của tỉnh Liêu Ninh, Diêm đã được hưởng 400.000NDT trong vụ này.

Vụ án Diêm Kiện Hồng đầu mối rắc rối, phức tạp, số người liên quan nhiều, số tiền lớn, đơn vị nhiều, phạm vi rộng. Sau hơn 9 tháng điều tra kỹ càng, tỉ mỉ, ngày 11-8-1994 Viện Kiểm sát nhân tỉnh Quý Châu đã kết thúc công tác điều tra. Ngày 26-11-1994, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Quý Dương đã chuyển vụ án lên Tòa án nhân dân thành phố Quý Dương. Ngày 1-12-1994, Tòa án nhân dân thành phố Quý Dương đã kết tội Diêm Kiện Hồng phạm các tội sau: Phạm tội tham ô, xử tử hình, tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời; phạm tội lạm dụng công quỹ, xử 14 năm tù, tước đoạt quyền lợi chính trị 4 năm; phạm tội đầu cơ tích trữ, xử 12 năm tù, tước đoạt quyền lợi chính trị 3 năm; phạm tội nhận hối lộ, xử 8 năm tù. Quyết định án: Tử hình.

Tại tòa, Diêm Kiện Hồng tỏ thái độ ngoan cố, trước sau như một không chịu nhận tội, một mực nói rằng mình vô tội. Bà ta cho rằng tất cả những việc mà bà ta làm đều nằm trong chức phận chứ không phải “vi pháp”, “vi kỷ”. Bà ta còn cho rằng, nếu không có một chút quyền lực chi phối tiền của thì còn gọi gì là “Giám đốc điều hành”?

Nhưng với những chứng cứ rành rành, sự thật vẫn là sự thật, pháp luật chỉ công nhận logic khách quan, không nghe những lừoi cãi chày, cãi cối ngang ngược. Sauk hi thẩm phán quyết, Diêm biểu thị bất phục, khiếu tố lên Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Quý Châu. Ngày 3-1-1995, Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Quý Châu xé xử và bác bỏ lời khiếu tố của Diêm, duy trì nguyên án.

Buổi sáng ngày 16-1-1995, tại phiên tòa xét xử công khai do Tòa án nhân dân thành phố Quý Dương tổ chức, Diêm Kiện Hồng bị tròng cổ trói ngoặt cánh khuỷu, nhưng khuôn mặt luôn tươi cười, dáng vẻ tự nhiên. Bà ta nghĩ rằng, con người phải có một chút tinh thần, không một áp lực nào có thể khuất phục được, dây có thể trói thân thể, nhưng không thể trói được tinh thần. Trước con mắt của hàng ngàn, hàng vạn quần chúng có mặt tại pháp trường đều nhìn thấy rõ ràng, đôi chân của bà ta luôn run rẩy. Những người đứng ở hàng đầu còn nghe thấy bà ta nói mấy câu: “Lưu Bác, Lưu Bác…” và ngay sau đó mặt bà ta tái nhợt, không đủ sức để lê bước.

V.H

(Theo Tạp chí “Thẩm phán đài”)