Việt Nam sắp thừa 70.000 giáo viên

08:00 | 18/05/2016

2,437 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây trong hội thảo “Đào tạo giáo viên trong trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục", các chuyên gia dự báo đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.000 giáo viên các cấp học.

PGS.TS. Bùi Văn Quân, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội dự báo, đến năm 2018 số sinh viên sư phạm ra trường mỗi năm (theo loại hình giáo viên) thì tiểu học: 19.200,  THCS: 18.700 và THPT: 23.030. 

Ông cũng nhận định dù tăng số học sinh/giảng viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển thì vào thời điểm năm 2020 hệ thống giáo dục nước ta cũng không thể tuyển dụng hết số giảng viên mới tốt nghiệp ra trường. Theo đó số giáo viên sẽ thừa khoảng 41.000 đối với tiểu học, 12.200 đối với THCS và 16.900 đối với THPT. 

Cũng theo PGS. Bùi Văn Quân, cơ cấu mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, nhất là cơ cấu theo địa bàn lãnh thổ (mỗi tỉnh/thành phố có ít nhất 01 cơ sở đào tạo giáo viên) và phương thức đào tạo giáo viên truyền thống (đào tạo song song) đã hoàn thành vai trò, sứ mệnh lịch sử.

Ông thẳng thắn nhận định, hệ thống đào tạo giáo viên hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình như phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo viên.

viet nam se thua 70000 giao vien cac cap vao nam 2020
Dự báo Việt Nam sẽ thừa 70.000 giáo viên các cấp vào năm 2020 (Ảnh minh họa)

Và nhấn mạnh các trường đại học địa phương nên có các lớp chất lượng cao về một số ngành mũi nhọn. Đây sẽ là các lớp thu hút được các thí sinh đầu vào có chất lượng; đồng thời tạo cơ chế, điều kiện tốt cho các em sinh viên học tập; dạy bằng chương trình tiếng Anh; đào tạo gắn với sử dụng...

Các chuyên gia giáo dục tại hội thảo đưa ra giải pháp là cần phải thiết kế cơ cấu các cơ sở đào tạo giáo viên dựa trên dự báo nhân lực giáo dục với các phương án đa dạng.

Đồng thời phải thiết kế cơ cấu mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phải tính đến cả tình huống “khủng hoảng thiếu giáo viên” và đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ cấu giáo viên về trình độ đào tạo.

Thiết kế cơ cấu mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phải chú ý đến tính đa dạng về mô hình/phương thức đào tạo. Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phải được phân tầng.

Trong đó có một số cơ sở đào tạo giáo viên chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên trình độ cao. Có một số cơ sở đào tạo giáo viên chỉ tồn tại trong quan hệ với một cơ sở đào tạo giáo viên khác ở đẳng cấp cao hơn.

Các cơ sở đào tạo giáo viên phải là các cơ sở giáo dục khởi xướng, đi tiên phong cho những đổi mới của giáo dục mầm non và phổ thông.

Và phải xác định lại chức năng của trường thực hành sư phạm, đặc biệt là trường thực hành sư phạm thuộc cơ sở đào tạo giáo viên (trường thực hành sư phạm thuộc cơ sở đào tạo giáo viên không thuần túy chỉ là cơ sở thực hành nghề)…

Nguyệt Anh