Việt Nam là khách hàng thứ 2 của siêu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5

11:02 | 24/08/2011

769 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những chiếc Sukhoi T50 bay lượn tại triển lãm hàng không MAKS đã cho thấy công nghiệp quốc phòng của nước Nga không đi quá xa sau Mỹ, vốn đã vận hành máy bay thế hệ thứ năm được hơn 10 năm.

Hai chiếc Sukhoi T-50 (PAK-FA) đã hoàn thành các bài bay biểu diễn tại MAKS đã chứng minh cho thế giới thấy việc phát triển máy bay thế hệ thứ 5 của Nga đang diễn ra khá trơn tru (mặc dù một chiếc Sukhoi T-50 đã gặp sự cố về động cơ, tuy nhiên đây không phải là động cơ chính thức dùng cho T-50 nên vấn đề này cũng không phải quá lớn). Đồng thời, qua triển lãm này, Nga cũng mở rộng khả năng xuất khẩu Sukhoi T-50 cho những quốc gia có “truyền thống” sử dụng máy bay của nước này.

Sukhoi T-50 ra đời khá muộn so với đối thủ của mình là máy bay F-22 của Mỹ, vốn đã phục vụ trong không quân Mỹ từ năm 2003 và đã được sản xuất hàng loạt. Không những thế, Mỹ còn đang gấp rút hoàn thành F-35, phiên bản hạng nhẹ của máy bay thế hệ thứ 5, rẻ tiền hơn F-22 để phục vụ thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, Sukhoi T-50 cũng không phải hoàn toàn mất lợi thế trên thị trường khi loại máy bay này hứa hẹn nhiều triển vọng với giá thành rẻ hơn.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã bay thử mẫu phát triển máy bay thế hệ thứ 5 nội địa, tuy nhiên theo ông Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (ACT), sản phẩm của Trung Quốc đơn thuần chỉ là “một loại hàng nhái” nhằm mục đích khoe khoang công nghệ và không phải là đối thủ lớn có thể cạnh tranh với hai cường quóc Nga và Mỹ.

Máy bay Sukhoi T-50 sẽ được xuất khẩu cho các quốc gia có "truyền thống" sử dụng máy bay Nga với giá rẻ hơn từ 30 - 40% sản phẩm tương tự của Mỹ.

Hiện tại, tiềm năng xuất khẩu của Sukhoi T-50 là rất lớn. Ngoài mẫu T-50 một chỗ ngồi phát triển trong nước, Nga còn phát triển một phiên bản 2 chỗ ngồi của loại máy bay này có tên FGFA với sự hợp tác của công ty HAL (Ấn Độ) để cung cấp cho thị trường này.

Ngoài ra, ông Ruslan Pukhov cũng cho biết thị trường thứ 2 mà Nga hướng tới để bán máy bay Sukhoi T-50 sau Ấn Độ sẽ là Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm dự báo quân sự Anatoly Tsyganok cũng cho biết chiếc máy bay này còn có khả năng được xuất khẩu tới Trung Quốc, Mỹ Latinh và thậm chí là Trung Đông. Tuy nhiên cả hai chuyên gia này đều khẳng định quá trình thử nghiệm chưa kết thúc, máy bay chưa đi vào giai đoạn sản xuất hàng loạt do đó là quá sớm để ký kết các bản ghi nhớ hay hợp đồng ngay từ bây giờ.

Theo nguồn tin từ các chuyên gia quân sự Nga, T-50 là một chiếc máy bay thế hệ thứ 5 với đầy đủ các tiêu chí của thế hệ này. Việc chế tạo thân máy bay sử dụng rất nhiều vật liệu composite tiên tiến khiến giảm khả năng phát hiện của radar.

So với titan, composite không hề thua kém về sức chịu tải, thậm chí còn giúp máy bay hoạt động linh hoạt hơn ở cùng một tải trọng so với vật liệu titan do có khối lượng nhẹ hơn. Ngoài ra, máy bay còn được trang bị các loại radar nằm ở mũi, cánh, đuôi và các cảm biến quang học hiện đại.

Điểm yếu của Su-T-50

Một yếu điểm, có thể coi là “gót chân Asin” của T-50 theo ông Pukhov cho biết chính là động cơ.

Ông Ruslan Pukhov cho rằng các sản phẩm tương tự của phương Tây hoạt động kinh tế và thân thiện môi trường hơn. Theo ông, động cơ của phương Tây xả ít khói hơn, khiến máy bay ít bị nhìn thấy, chúng cũng có tiếng ồn ít hơn và có thời gian hoạt động dài hơn.

Hiện T-50 bay bằng động cơ của các máy bay thế hệ cũ, động cơ mới dùng riêng cho T-50 thuộc dự án 129 đang được phát triển nhưng gặp phải khá nhiều khó khăn.

Về tiến độ của T-50, ông Anatoly Tsyganok cho biết hiện Nga chậm chân sau Mỹ khoảng từ 10 – 12 năm. Do đó, theo đúng tiến độ việc xuất khẩu máy bay Sukhoi T-50 khó thực hiện trước năm 2020.

Tuy nhiên, Tư lệnh lực lượng không quân Nga, Alexander Zelin lại lạc quan hơn nhiều, ông cho rằng chỉ đến khoảng năm 2014 – 2015, Sukhoi T-50 đã có thể có mặt trên thị trường.

Ông Pukhov cũng nhấn mạnh rằng một điểm mạnh nữa của Sukhoi T-50 là giá cả. Nếu như F-22 có hiện có giá trên 140 triệu USD thì Sukhoi T-50 sẽ rẻ hơn từ 30 – 40%, tức chỉ nằm vào khoảng 80 – 100 triệu USD một chiếc.

Ông tin rằng nếu phương Tây không tham gia vào cuộc đua thế hệ thứ 5 này, các máy bay của Nga hoàn toàn có thể chiếm đến 1/3 thị phần xuất khẩu máy bay thế giới.

Theo ĐV