Vì sao Trung Quốc lớn tiếng sỉ nhục Úc?

13:54 | 01/08/2016

6,248 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu như Mỹ là nước đi đầu trong việc vận động quốc tế lên án Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông thì Úc là nước gần như duy nhất nêu lên tính “ràng buộc về mặt pháp lý” của phán quyết về Biển Đông ngày 12/7 của Tòa trọng tài. Đây lý do Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho Hoàn Cầu Thời Báo ngày 31/7 lớn tiếng sỉ nhục nước Úc.
vi sao trung quoc lon tieng si nhuc uc
Biếm họa được trang Chinadailymail.com đăng tải

Trong một bài xã luận với giọng điệu đầy thách thức, Hoàn Cầu Thời Báo (phụ san của Nhân dân nhật báo-cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc) đã không ngớt lăng mạ Úc, gọi quốc gia này là một “đất nước với một lịch sử ô nhục…, thoạt đầu là một nhà tù của Vương Quốc Anh… được thành lập qua những phương tiện kém văn minh, trong một quá trình đầy nước mắt của thổ dân”.

Bài xã luận đã đả kích tuyên bố chung của Úc cùng với Mỹ và Nhật Bản hôm 25/7, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Lào, kêu gọi Trung Quốc dừng việc xây dựng tiền đồn quân sự và bồi đắp thêm đất đai trong vùng đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Hoàn Cầu Thời Báo kêu gọi Trung Quốc trả đũa Úc và cho rằng “sức mạnh của Úc có nghĩa lý gì so với sự an toàn của Trung Quốc. Nếu Úc bước vào vùng Biển Đông, nước này sẽ là một mục tiêu lý tưởng để Trung Quốc cảnh cáo và tấn công”.

Và tờ báo kết luận: “Úc thậm chí không phải là một con hổ giấy”, mà giỏi ra thì chỉ là “con mèo giấy”.

Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy ở Sydney, cho rằng tính chất thóa mạ và xúc phạm nước Úc cũng như lời lẽ đe dọa “đã tăng lên nhiều bậc”, thể hiện ý muốn “bắt nạt” nước Úc của Trung Quốc.

Đối với chuyên gia này, hành động đó của Trung Quốc sẽ khiến cho một số người ở Úc thức tỉnh trước chủ thuyết hòa bình quật khởi của Trung Quốc. Tuy vậy, ông Graham cho rằng bài xã luận đó không đáng để cho chính quyền Úc có phản ứng chính thức.

Theo chuyên gia này, sở dĩ truyền thông Trung Quốc tỏ ra láo xược là vì Úc đang đi đầu trong mặt trận chống Trung Quốc chứ không phải Mỹ.

Ngay sau khi tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Phlilippines và Trung Quốc, cho đến nay mới chỉ có Úc và New Zealand nêu lên tính “ràng buộc về mặt pháp lý” của phán quyết. Còn các quốc gia hay tổ chức khác thì chỉ dùng những công thức chung chung, nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Ngày 19/7, tư lệnh Không quân Hoàng gia Úc, tướng Leo Davies khẳng định rằng ông muốn thấy chiến hạm và máy bay Úc tiếp tục tuần tra thường xuyên ở Biển Đông bất chấp căng thẳng quân sự đang gia tăng. Trong công tác này, Úc sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác.

Theo tướng Leo Davies, nhịp độ các chiến dịch tuần tra của Không quân Úc vẫn được duy trì. Trong năm nay, Úc đã thực hiện 32 phi vụ tuần tra trong khuôn khổ chiến dịch mang tên Gateway.

Mục tiêu của các phi vụ tuần tra Biển Đông, theo tư lệnh Không Quân Úc là khuyến khích và thúc đẩy “việc xây dựng một trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp”. Không quân Úc do đó sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh, đối tác và với các lực lượng không quân khác cùng chí hướng để xác định cách thức Úc “đóng góp thực tế vào việc đảm bảo quyền tự do hàng hải”.

Tuyên bố của tư lệnh Không quân Úc như là một câu trả lời rõ ràng đối với những lời đe dọa của Trung Quốc, mà gần đây nhất là tuyên bố của vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ và Châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh đã chuẩn bị “các biện pháp đáp trả dữ dội" nếu các quốc gia như Úc tham gia tuần tra gần khu vực tranh chấp ở Biển Đông viện cớ bảo vệ quyền tự do hàng hải.

Quan chức này không ngần ngại cảnh cáo Úc là không nên tham gia bất kỳ một cuộc tuần tra nào của Mỹ nhằm thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sau phán quyết của tòa trọng tài La Haye.

Kế đến, sau khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 công bố “thông cáo chung” mà nội dung không đả động gì đến phán quyết về Biển Ðông, ngày 27/7, Ngoại trưởng Mỹ, Nhật, Úc lập tức lên tiếng, nhấn mạnh Trung Quốc và Philippines phải tôn trọng phán quyết về Biển Ðông như “kết luận chung cuộc và có tính ràng buộc về pháp lý”.

Trong tuyên bố chung, Mỹ, Nhật, Úc xác định, phán quyết về Biển Ðông là cơ hội quan trọng để duy trì trật tự quốc tế tại Ðông Nam Á. Trật tự này dựa trên luật pháp và thái độ đối với nó cho thấy các đương sự có ôn trọng luật pháp quốc tế hay không. Tuyên bố chung nhấn mạnh, những hành động đơn phương tạo ra những thay đổi vĩnh viễn đối với môi trường biển, việc bồi đắp-tạo lập các đảo nhân tạo, xây dựng các căn cứ quân sự là bất hợp pháp.

Nh.Thạch

AP, AFP