Vì sao Nga cứu Mỹ khỏi bãi mìn Syria?

11:33 | 11/09/2013

1,473 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mỹ vừa như người buồn ngủ gặp chiếu manh với đề xuất gỡ rối của Nga về vấn đề Syria. Câu hỏi đặt ra là Nga được gì khi giúp Tổng thống Obama thoát khỏi thế cờ bí này?

 

 

>> Syria đồng ý đặt vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát quốc tế

Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ Kerry tay bắt mặt mừng trong một cuộc gặp hồi tháng 5/2013

Đúng như dự đoán của giới phân tích, quốc hội Mỹ đã hoãn việc bỏ phiếu (dự định diễn hôm nay 11/9) cho kế hoạch tấn công Syria của chính quyền Obama ngay khi Nga đưa ra đề xuất yêu cầu chính quyền Syria giao nộp toàn bộ vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế để không bị phương Tây tấn công quân sự.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang rơi vào thế cờ “cực bí” trong vấn đề Syria: tháng 5/2013 ông là người vạch ra lằn ranh đỏ cho Syria để rồi tự “chiếu bí” mình khi giới hạn đỏ bị vượt ở Syria vào tháng 8/2013.

Việc kêu gọi đồng minh, vận động cộng đồng quốc tế và trao quyền quyết định cho quốc hội cho thấy người đứng đầu Nhà Trắng đã hoàn toàn lúng lúng khi rơi vào chính cái bẫy của mình đặt ra tại Syria. Không đánh thì mất mặt mà đánh cũng không xong vì chưa chắc đem lại kết quả tốt cho Syria, có khi lại mang tiếng xâm lược và củng cố vị thế cho TT Assad.

Vào thời điểm quyết định (quốc hội Mỹ bỏ phiếu cho kế hoạch tấn công Syria), Nga đề xuất một giải pháp đột phá và ngay lập tức TT Obama ủng hộ, đương nhiên vẫn còn giữ chút “sĩ diện” khi tuyên bố rằng vẫn còn nghi ngờ vào khả năng hợp tác của chính quyền Assad trong việc chuyển giao vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế.  

Tại sao Nga lại giúp TT Obama và lúc này? Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" (Canada) ngày 7/9, phản ứng "có tính toán" của Nga đối với những diễn biến tại Syria chủ yếu bắt nguồn từ nhận thức rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đang bị mắc kẹt trong những tuyên bố của ông ta về "giới hạn đỏ", và bất kỳ điều gì ông Obama sẽ làm đều có lợi cho Nga.

Một chuyên gia về Trung Đông của Nga đã giải thích lý do Matxcơva có thái độ "tính toán" đối với cuộc khủng hoảng Syria đang leo thang nhanh chóng như sau: "Trong một cuộc chạy đua qua bãi mìn, việc để cho các vận động viên khác qua mặt là khôn ngoan". Nhận xét trên là hoàn toàn chính xác về lập trường của Nga, quốc gia đang kịch liệt phản đối các kế hoạch tấn công Syria của Mỹ, nhưng cũng đã nói rõ rằng họ sẽ không "đánh nhau" với phương Tây vì Syria.

Nga đã duy trì những hỗ trợ ngoại giao và quân sự cho Chính phủ Syria kể từ khi cuộc nội chiến xảy ra tại nước này. Nga đã phủ quyết tất cả các nghị quyết lên án chính phủ Syria của phương Tây tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và tăng cường cung cấp vũ khí cho Syria trong 2 năm qua. Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST) nhận xét: "Nga đang nỗ lực hết sức để cung cấp vũ khí cho Syria". Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng xác nhận rằng Nga đang tôn trọng "tất cả các hợp đồng đã ký với Syria và tiếp tục cung cấp cho Syria những vũ khí cần thiết để bảo vệ đất nước và người dân Syria".

Đồng thời, phản ứng của Điện Kremlin trước việc Mỹ đe dọa tấn công Syria rõ ràng là có tính toán. Tổng thống Nga Vladimir Putin phải mất 10 ngày mới lên tiếng về việc Mỹ đe dọa trừng phạt Syria vì các vụ tấn công hóa học gần thủ đô Damas ngày 21/8. Ông Putin đã chỉ trích những tuyên bố của Mỹ rằng Chính phủ Syria đứng đằng sau vụ tấn công trên và cảnh báo Mỹ không nên mắc một sai lầm nữa khi tấn công Syria. Nhưng khi được hỏi Nga sẽ làm gì nếu Mỹ can thiệp, ông Putin chỉ nói rằng điều đó sẽ "rất đáng buồn".

Các chuyên gia cho rằng Nga sẽ được lợi từ bất kỳ hành động nào của ông Obama. Giáo sư Georgy Mirsky của Viện nghiên cứu kinh tế thế giới và các quan hệ quốc tế Matxcơva nói: "Nga không cần làm gì, chỉ cần ngồi thư giãn và chắc chắn sẽ ở bên chiến thắng". Còn nhà phân tích Yulia Latynyna cho rằng "nếu Obama tấn công Syria, ông ta sẽ bị xem là đứng về phía al-Qaeda, do các tay súng Hồi giáo cực đoan đang chiếm tới 1/3 lực lượng đối lập tại Syria. Còn nếu các cuộc tấn công của Mỹ sẽ 'giới hạn và hẹp' như ông Obama đã tuyên bố, điều đó sẽ chỉ củng cố thêm uy tín của TT Assad, người sẽ có khả năng tuyên bố rằng ông ta chiến thắng cả siêu cường số 1 thế giới".

Trong một cuộc họp báo gần đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo về sự "thiếu tư duy chiến lược" trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ngược lại, Nga đang nhiều lần chứng tỏ rằng họ có một tầm nhìn chiến lược. Ông Lavrov đã tuyên bố rằng Nga "không có kế hoạch đánh nhau" vì Syria, nhưng cũng không nói Nga sẽ phản ứng thế nào. Nga sẽ tiếp tục ngăn chặn bất kỳ động thái chống Syria nào tại HĐBA LHQ để nêu bật bản chất bất hợp pháp trong hành động can thiệp của Mỹ và sự "điên rồ" của việc đứng về phía các đối tượng Hồi giáo cực đoan tại Syria.

Cuối cùng, Nga sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Syria. Giáo sư Mirsky nhận xét: "Nga và Iran đang có nhiều khả năng giúp đỡ Assad hơn bất kỳ nước nào đang hỗ trợ phiến quân. Nga có thể chuyển cho ông Assad những vũ khí mà ông ta cần, còn Iran có thể cử Lực lượng Vệ binh cách mạng đến Syria dưới vỏ bọc các tình nguyện viên. Mỹ không có cơ hội chiến thắng trong cuộc chiến tranh này".

Các nhà quan sát cho rằng qua việc cứu Mỹ khỏi thế cờ bí Syria, vị thế của Nga trên trường quốc tế đã nâng lên một bước rõ rệt.

 

>> Cuộc chiến Syria khó lòng diễn ra

>> Syria phải làm gì thì Mỹ mới buông tha?

>> Tổng thống Obama: “Không đánh Syria thì quê lắm!”

H.Phan