Vì sao dịch Ebola bùng phát trên diện rộng?

10:59 | 08/08/2014

1,921 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khác với những lần trước đây, đợt bùng phát dịch Ebola lần này đang lan rộng và có nguy cơ đe dọa toàn cầu. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Người chết vì dịch Ebola ở Liberia

Theo thông tin mới nhất, một người đàn ông đang được điều trị với những triệu chứng nghi là Ebola đã tử vong tại bệnh viện Jeddah của Ai Cập vào ngày 6/8. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do Ebola bên ngoài khu vực châu Phi kể từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm nay. Người đàn ông này mới đây đã đi du lịch Sierra Leone - một trong bốn quốc gia đang có dịch.

Ai Cập cũng đang hết sức lo ngại về khả năng lây lan virus Ebola sau khi 8 trường hợp nghi nhiễm được phát hiện tại tỉnh miền Bắc Menoufia hôm 5/8 và hiện đang được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan y tế. Tất cả các trường hợp nghi nhiễm này vừa trở về từ các nước có dịch là Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone.

 Ngày 6/8, Bộ trưởng Y tế các nước châu Phi cũng đã nhóm họp khẩn cấp tại Johannesburg, khi Liberia tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 90 ngày trên quy mô toàn quốc để đối phó với dịch bệnh Ebola. Tham dự cuộc họp có cả đại diện của Tổ chức Y tế thế giới.

Dịch Ebola đang gây lo lắng cho nhiều quốc gia và có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, khi ngay cả các nhân viên y tế cũng không tránh khỏi sự lây lan của dịch bệnh này. Theo thống kê đã có hơn 100 nhân viên y tế nhiễm virus Ebola tại khu vực Tây Phi. Làm việc quá tải được cho là nguyên nhân chính của tình trạng này.

Hiện các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đang nhóm họp tại Geneva, Thụy Sỹ, để thảo luận về biện pháp đối phó với dịch Ebola và sau đó sẽ đưa ra quyết định có tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp quy mô toàn cầu đối với dịch Ebola hay không.

Vì sao virus Ebola bùng phát dữ dội tại Tây Phi?. Đến nay, bệnh dịch sốt xuất huyết Ebola đã làm thiệt mạng gần 1000 người tại Tây Phi. Virus này được phát hiện vào năm 1976 nhưng vẫn chưa có thuốc điều trị và cho đến nay đã trở thành đại dịch. Trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xảy ra vào cuối tháng 12/2013, đầu tháng 1/2014 tại Guinea, quốc gia chưa bao giờ thống kê các trường hợp nhiễm Ebola cho đến lúc phát hiện ca nhiễm bệnh. Theo các chuyên gia, người dân địa phương cứ nghĩ là sốt xuất huyết Lassa, vẫn thường xảy ra ở Tây Phi cho nên đất nước này mới chậm phát hiện ra dịch bệnh Ebola. Do đó, bệnh dịch lây lan hết nhà này đến nhà nọ và đội ngũ chuyên viên y tế khó kiểm soát hết mọi tiếp xúc của bệnh nhân với thân nhân.

Do thiếu các biện pháp đầy đủ, bệnh dịch Ebola đã lan sang 2 nước láng giềng Siera Leone và Liberia. Đâu là con đường lây lan bệnh Ebola? Ban đầu, virus được truyền từ vật sang người, đặc biệt thông qua khỉ và dơi. Sau đó, bệnh có thể truyền từ người sang người trong trường hợp tiếp xúc với máu hay chất lỏng sinh học như nước bọt, nước mắt, mồ hôi, sữa mẹ, tinh trùng, phân và chất nôn mửa.

Theo các bác sĩ, dịch Ebola xuất hiện lần này nghiêm trọng hơn so với trước đây, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Trước tình trạng trên, các chuyên gia khuyến cáo, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên vẫn là những biện pháp hiệu quả để đối phó với các loại virus, trong đó có cả dịch Ebola.

Th.Long

CNN, Reuters