Vì mục tiêu giảm tổn thất điện năng

07:00 | 09/12/2015

1,050 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tỉ lệ giảm tổn thất điện năng những năm qua đã liên tục giảm và tiệm cận với chỉ tiêu được Chính phủ giao. Tuy nhiên, để tiếp tục giảm chỉ số này, ngành điện sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới truyền tải bằng những vật liệu dẫn có điện trở thấp, ít tiêu hao năng lượng hơn và chống trộm điện!

Ám ảnh “điện tặc”

Trao đổi với Năng lượng Mới, đại diện EVN cho hay, tính đến hết tháng 9/2015, tỉ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn là 8,05%, giảm 0,73% so với cùng kỳ 2014. Trong khi đó, chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng mà Chính phủ giao ngành điện thực hiện trong năm 2015 là 8,0%. Và đây có thể xem là kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của tập thể, cán bộ công nhân viên ngành điện, đặc biệt khi khả năng tích lũy vốn đầu tư của ngành còn thấp, hệ thống lưới điện tại nhiều khu vực cũ, nát, lưới điện truyền tải Bắc-Nam luôn phải truyền tải với công suất cao nhất.

vi muc tieu giam ton that dien nang
Bảo dưỡng đường dây 500Kv mạch 1

Có được kết quả này, theo EVN là do ngay từ đầu năm 2015, Tập đoàn đã quán triệt, giao chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng cụ thể đến từng đơn vị, từng thành viên và xem đó là tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh. Và trên tinh thần đó, các điện lực đã đề ra và triển khai nhiều giải pháp như kiện toàn Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng từ Tổng công ty đến công ty và đến cấp điện lực.

Đáng chú ý, trên tinh thần chỉ đạo của Tập đoàn, các Tổng công ty điện lực đã thực hiện cải tạo, nâng cấp, chống quá tải các đường dây 110kV trung áp, vận hành tối ưu lưới điện 110 kV; tập trung nguồn lực để thay thế ngay công tơ đã tiếp nhận lưới điện hạ thế năm 2015; tăng cường công tác kiểm tra chống lấy cắp điện.

Theo bà Nguyễn Thị Thái Hà - Chuyên viên Ban Quan hệ Cộng đồng EVN, nhờ những nỗ lực trên, trong 5 năm qua, tỉ lệ tổn thất điện năng của EVN đã giảm mạnh, từ 10,15% năm 2010 xuống còn 8,49% năm 2014. Và trong năm 2015, Tập đoàn phấn đấu xuống còn 8% theo đúng kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn các nước trong khu vực như Malaysia 8,33%, Indonesia 9,92%...).

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng nỗ lực giảm tổn thất điện năng đang gặp không ít thách thức, đặc biệt là vấn nạn trộm cắp điện đang có diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Và trong 5 năm (từ 2010-2014), hàng ngàn vụ trộm cắp điện đã được các Tổng công ty điện lực của EVN phát hiện, trị giá lên tới nhiều tỉ đồng. Ví như Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã phát hiện tới 2.694 vụ, truy thu hơn 5 triệu kWh với số tiền gần 14 tỉ đồng. Hay như Tổng công ty Điện lực miền Nam phát hiện 1.651 vụ, truy thu 1,6 triệu kWh với số tiền lên tới 17,8 tỉ đồng. Còn Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) phát hiện 1.076 vụ trộm, truy thu 3,31 triệu kWh với tổng số tiền 8,68 tỉ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC khi đề cập tới câu chuyện này cho hay: Trộm điện là một trong những nguyên nhân dẫn tổn thất điện năng. Vì vậy, những năm qua, các điện lực nói chung và EVNHCMC nói riêng đã có nhiều giải pháp để ngăn ngừa tình trạng này. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực này vẫn còn diễn biến phức tạp, các hình thức gian lận điện ngày càng tinh vi hơn. Những hình thức thô sơ như câu trực tiếp giờ gần như không còn mà thay vào đó, người ta dùng nam châm vĩnh cửu nhỏ bằng bao thuốc đặt lên công tơ. Khi đó, bất kể công tơ điện tử hay công tơ cơ đều chạy chậm lại…

Qua đó để thấy rằng, trộm cắp điện đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nó không chỉ đơn thuần diễn ra tại một vài hộ dân đơn lẻ mà là cả cụm, cả khu dân cư, là cả những công ty, doanh nghiệp với thủ đoạn hết sức tinh vi. Và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tỉ lệ giảm tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải vẫn ở mức cao.

Cái khó từ lưới truyền tải

Đối với ngành điện, tổn thất điện năng được hiểu là lượng điện tiêu hao trong quá trình truyền và phân phối điện khi tải điện từ ranh giới giao nhận với các nhà máy phát điện qua lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối đến các hộ tiêu dùng. Tổn thất điện năng vì thế gồm cả yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật. Trong khi yếu tố phi kỹ thuật mà chủ yếu là vấn nạn trộm điện còn diễn biến phức tạp thì yếu tố kỹ thuật lại đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn, đặc biệt là cải tạo, nâng cấp lưới. Và đây là một rào cản rất lớn đối với nỗ lực giảm tổn thất điện năng của ngành điện.

“Trong những năm qua, tổng công ty thực hiện tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỉ đồng/năm. Việc này có nhiều tác dụng, một là hiện đại hóa lưới điện, hai là đảm bảo năng lực cung cấp điện và kèm theo đó là những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được cải thiện, trong đó có giảm tổn thất điện năng. Chắc chắn, đầu tư cho giai đoạn 2016-2020 sẽ cao hơn bởi để giảm tổn thất điện năng thì giảm càng thấp sẽ càng khó, càng tốn kém hơn”-ông Lý thông tin.

Nhưng đó mới chỉ là vấn đề của lưới điện phân phối, còn đối với lưới điện truyền tải, khó khăn, thách thức dường như càng nhân lên gấp bội. Theo đó, truyền tải điện được xác định là một trong những khâu quan trọng bậc nhất, quyết định đến chất lượng cung ứng điện cũng như khả năng vận hành đảm bảo, an toàn của toàn bộ hệ thống. Chính vì vậy, trước mỗi dự án nguồn điện hay đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của một vùng, một khu vực nào đó, lưới điện truyền tải luôn phải “đi trước một bước”. Và trong những năm qua, nhằm hoàn thành trọng trách quan trọng này, rất nhiều công trình lưới điện 220kV và đặc biệt là đường dây 500kV mạch 2 và 3 lần lượt đã được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) hoàn thành.

Tuy nhiên, có một thực tế, do hệ thống lưới điện truyền tải nằm trên địa bàn hết sức rộng, nằm rải rác trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của nền kinh tế tại nhiều khu vực quá cao đã dẫn tới tình trạng lưới điện luôn phải vận hành trong tình trạng quá tải… Ngoài ra, theo EVNNPT, ở nhiều nơi, lưới điện trung áp đã cũ nát nhưng vẫn phải vận hành, đặc biệt là hệ thống điện nông thôn.

Đặc biệt, theo EVNNPT, trong cơ cấu nguồn điện của nước ta, thủy điện vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn (khoảng trên dưới 40%) nên tỷ lệ tổn thất điện năng vì thế cũng cao bởi phần lớn những dự án này nằm xa trung tâm, lại xây dựng ở các khu vực rừng núi nên lưới điện truyền tải kéo dài, phụ tải truyền tải điện lớn. Ngoài ra, nhiều thiết bị điện đã lạc hậu, cũ kỹ, dễ xảy ra sự cố cũng khiến mục tiêu giảm tổn thất điện năng của tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, suốt những năm qua, lưới điện truyền tải quốc gia luôn được biết đến là “điểm nóng” về tổn thất điện năng của ngành điện.

Nói như vậy để thấy rằng, để cụ thể hóa mục tiêu giảm tổn thất điện năng, ngành điện đã để ra rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện hệ thống lưới điện, chống trộm điện… và thực tế đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để tiếp tục giảm tỉ lệ tổn thất điện năng trong thời gian tới, khó khăn, thách thức mà ngành điện phải đối diện là rất lớn. Đó là hiện tượng trộm điện đang có diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, là vấn đề vốn để đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện. Và để giải quyết vấn đề, ngành điện rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và của cộng đồng xã hội trong việc chống trộm điện. Đồng thời, ngành điện cũng rất cần một cơ chế giá điện phù hợp, đảm bảo đủ khả năng tích lũy vốn, tái đầu tư, phát triển hệ thống điện hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ điện của người dân!

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 481