Vì đâu giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ?

11:11 | 23/08/2022

462 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), bên cạnh các nguyên nhân khách quan, chủ quan mọi năm thường đề cập, năm nay có “3 yếu tố mới” khiến cho tiến độ giải ngân không đạt kỳ vọng.
Vì đâu giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ?
Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm chậm, giảm so với cùng kỳ

Chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vẫn còn “ì ạch”. Để “đốc thúc”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa giao 6 Tổ công tác của Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương, từ ngày 20/8 đến hết ngày 30/8/2022.

Bộ KH&ĐT cho biết, đến ngày 31/7/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 36,71%). Theo đó, có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch, đặc biệt có 01 cơ quan trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Báo cáo giải trình tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, chủ quan mọi năm thường đề cập, năm nay có “3 yếu tố mới” khiến cho tiến độ giải ngân không đạt kỳ vọng.

Thứ nhất, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất như năm đầu. Bởi tháng 7/2021, Quốc hội mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên từ đó tới giờ vẫn đang làm thủ tục.

Hai là giá cả vật liệu xây dựng tăng vọt nên các nhà thầu càng làm càng lỗ. Do vậy, hầu hết các nhà thầu “án binh bất động”, chờ chính sách từ Chính phủ có cho điều chỉnh đơn giá hay không?

Ba là tỷ trọng thấp hơn 2% nhưng giá trị tuyệt đối lớn, tăng gấp hơn 2 lần 2021 do khối lượng lớn hơn.

Ngoài ra, ông Dũng lưu ý tâm lý nhiều địa phương e ngại trong xử lý thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng, một số nơi không dám làm, ảnh hưởng tới tiến độ chung.

Chậm giải ngân là câu chuyện… dài kỳ và đã được nhắc đến rất nhiều. Ở thời điểm hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết khi nền kinh tế đang trông chờ rất nhiều vào động lực này để phục hồi.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giải pháp căn cơ là phải rà soát lại quy định của Luật Đầu tư công cũng như pháp luật liên quan, bảo đảm hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, phân cấp triệt để...

Thủ tướng phân công 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Thủ tướng phân công 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Để kịp thời có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tại Công văn số 727/TTg-KTTH ngày 16/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân công các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương.

P.V (t/h)